Thứ 6, 24/01/2025, 15:38[GMT+7]

Lễ hội chùa Keo: Không gian văn hóa đặc sắc đầu xuân

Thứ 6, 24/01/2025 | 08:30:07
532 lượt xem
Là một trong những lễ hội lớn được tổ chức sớm vào dịp đầu xuân mới, lễ hội chùa Keo mùa xuân tại xã Duy Nhất (Vũ Thư) diễn ra từ ngày mùng 4 - 8 tháng Giêng. Với hoạt động phần lễ trang nghiêm theo đúng nghi thức cổ truyền, hoạt động phần hội được mở rộng sôi nổi, đa dạng, những ngày lễ hội sẽ tạo nhiều trải nghiệm ấn tượng cho du khách khi về dâng hương tế lễ, du xuân tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Bảo lưu nét đẹp văn hóa cổ truyền 

Dưới mái chùa cổ kính gần 400 năm tuổi, những bậc cao niên và thế hệ tiếp nối của làng Keo từng ngày chung tay góp sức gìn giữ nghi lễ cổ truyền. Dù là lễ hội mùa xuân hay mùa thu, mở màn cho chuỗi hoạt động diễn ra trong lễ hội luôn là lễ khai chỉ (mở cửa đền Thánh) năm nào cũng được tổ chức trang trọng với ý nghĩa ghi nhớ công đức của thiền sư Dương Không Lộ. Ngay sau nghi lễ khai chỉ (mở cửa đền Thánh), trong sáng ngày mùng 4 tháng Giêng, nhân dân địa phương, du khách thập phương sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động phần hội như: trống hội, du thuyền hát hội, thi bắt vịt, biểu diễn kỳ lân, đặc biệt là hoạt động chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi. Đây là hội thi thu hút sự tham gia của 4 giáp trong làng Keo với quan niệm khi mâm cơm được dâng lên lễ Thánh, lễ Phật thì cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi, hanh thông, mùa màng tươi tốt, bội thu... Để được đại diện cho làng tham gia vào hội thi, mỗi thành viên đều được tuyển chọn, mang trong mình niềm vinh dự, tự hào và trọng trách lớn. 

Là người dân làng Keo đã có kinh nghiệm gần 10 năm tranh tài ở hội thi này, anh Đặng Văn Chính chia sẻ: Năm nào anh em chúng tôi cũng dành thời gian chuẩn bị, tập luyện kéo lửa nấu cơm sao cho đạt kết quả tốt nhất từ việc đi tìm mồi kéo lửa nấu cơm thi, nặn đất đắp đầu rau phơi khô để khi đun nấu không bị vỡ, nổ, đến công đoạn thi nấu cơm chín, xôi rền, chè sánh... Điều đặc biệt ở hội thi này, các đội sử dụng hoàn toàn bếp thủ công nên rất nhiều bụi, trong khi đó nếu nấu có bụi vào mâm cơm là không đạt chất lượng. 

Du xuân tại lễ hội chùa Keo, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên tươi xanh tại khu vườn Bình An trong khuôn viên của chùa. Để niềm vui của du khách trong ngày đầu xuân mới được trọn vẹn, ban tổ chức các kỳ lễ hội đều chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm an ninh trật tự... 

Ông Nguyễn Hữu Khang, trưởng ban khánh tiết làng Keo cho biết: Năm nào lễ hội mùa xuân cũng đón tiếp rất đông du khách trong không khí tưng bừng, phấn khởi. Bà con nhân dân cùng du khách du xuân, trảy hội góp phần bảo tồn di tích và gìn giữ truyền thống lễ chùa đầu năm, cầu cho năm mới thuận buồm xuôi gió. 

Du thuyền hát hội tại lễ hội chùa Keo mùa xuân. 

Sôi nổi niềm vui trong ngày đầu xuân mới 

Là điểm đến ấn tượng cho du khách thập phương trong dịp du xuân, thay vì thời gian 1 ngày mùng 4 tháng Giêng như các năm trước đây, từ năm 2024, lễ hội chùa Keo mùa xuân mở rộng thời gian tổ chức hoạt động phần hội. Năm 2025, lễ hội diễn ra trong 5 ngày với những hội thi dân gian như: bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô, cờ tướng; nghi lễ múa rối chầu Thánh, hoạt động khai bút đầu xuân. Trong tất cả các ngày diễn ra lễ hội, du khách khi về với di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo đều có thể thưởng thức du thuyền hát hội. Những lời ca, tiếng hát ngọt ngào, tha thiết như tấm lòng người dân nơi đây mời gọi du khách về với lễ hội truyền thống trên quê hương. 

Từ mùa lễ hội xuân năm 2024, một trong những hoạt động phần hội được dày công chuẩn bị là chương trình khai bút đầu xuân với sự tham gia của hàng trăm học sinh trên địa bàn huyện. Trong mùa lễ hội xuân Ất Tỵ 2025, chương trình khai bút đầu xuân được tổ chức trong cả ngày mùng 5 tháng Giêng. Các em học sinh không chỉ biểu diễn tiết mục múa hát chèo tại lễ hội truyền thống mà còn được biểu dương tinh thần hiếu học và thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua. 

Về hoạt động này, bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư chia sẻ: Khai bút đầu xuân thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Thông qua hoạt động này nhằm tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt Nam. 

Sôi nổi hoạt động ý nghĩa trong 5 ngày diễn ra, lễ hội chùa Keo mùa xuân là điểm hẹn thú vị trên hành trình du xuân của nhân dân địa phương, du khách thập phương. Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, lễ hội truyền thống không chỉ là dịp tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với di sản văn hóa mà còn thiết thực quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. 

Thanh Hằng