Thứ 6, 24/01/2025, 12:58[GMT+7]

“Lý thế quốc sư ”

Thứ 6, 24/01/2025 | 08:40:56
352 lượt xem
Đạo Phật du nhập vào nước ta từ sớm, nhanh chóng hòa nhập với tín ngưỡng bản địa, mang sắc thái Việt. Theo dòng chảy của lịch sử, những ngôi chùa - nơi các nhà sư tu hành và truyền đạo Phật mang nhiều kiểu dáng kiến trúc khác nhau. Trong đó, kiến trúc “nội công ngoại quốc”, tiền Phật hậu Thánh được cho là bắt nguồn từ thời Lý, nhằm tôn vinh những vị sư không chỉ có công giúp triều đình mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho lối kiến trúc này.

Chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi tại lễ hội chùa Keo tái hiện cuộc đời thiền sư Dương Không Lộ.

Trong chùa Keo hiện còn lưu giữ bức hoành phi đề bốn chữ lớn “Lý thế quốc sư”, mang thông điệp về thiền sư Dương Không Lộ - nhân vật lịch sử xuất thân từ nghề đánh cá đã trở thành vị quốc sư, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước ở đầu triều Lý. Đến nay, quốc sư họ Dương không chỉ được thờ ở chùa Keo, ngôi chùa ngài đã có công gây dựng mà còn được phụng thờ ở nhiều nơi. Dương Không Lộ (1016 - 1094) là vị quốc sư triều Lý được nhân dân tôn kính trong cả truyền thuyết và lịch sử. Trong tâm thức dân gian, Không Lộ là “ông khổng lồ” có phép thần thông biến hóa, có sức mạnh phi thường dời non lấp biển, khi thì là vị thần y vào kinh chữa bệnh lạ cho vua, khi lại cùng chúng dân vui cảnh đào sông, đắp đê, chài lưới... 

Theo sử sách, thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ. Xuất thân từ nghề chài lưới song đức Không Lộ có chí hướng mộ đạo thiền. Năm 29 tuổi ông đi tu. Đến năm 44 tuổi, Không Lộ thiền sư cùng các sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền. Năm 1061, sau khi đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật, Không Lộ về nước dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang (chùa Keo) ngày nay. Từ đó, ông chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. 

Các em học sinh tham gia biểu diễn tại chương trình khai bút đầu xuân trong lễ hội chùa Keo. 

Cho đến nay, việc thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong làm quốc sư vẫn luôn được lưu truyền, gắn liền với lễ rước Đức Thánh có hàng trăm người tham gia trong các kỳ lễ hội chùa Keo mùa thu. Tại chương trình nghệ thuật đặc biệt trong lễ khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024, truyền thuyết này đã được tái hiện để nhân dân địa phương, du khách thập phương thêm hiểu biết về cuộc đời và những công trạng của ngài. 

Chuyện kể rằng, khi thiền sư Không Lộ và thiền sư Giác Hải về thăm chùa Nghiêm Quang, nơi thiền sư Không Lộ khởi nghiệp tu hành, dân chúng vui mừng khôn xiết. Dân ấp Keo ngày đêm mong mỏi ngài về để được dẫn dắt, hiểu thêm nhiều điều hay lẽ phải. Tình quê lai láng nhưng thiền sư Không Lộ được sứ giả báo tin nhà vua bị mắc chứng bệnh lạ, sợ tiếng tắc kè kêu, thuốc gì cũng không thuyên giảm, ngài vội vã lên đường về kinh. Thú quê chẳng mấy nguôi ngoai trong tâm tưởng, ngài dành tặng dân ấp Keo mấy vần thơ: Trạch đắc long xà địa khả cư/Dã tình chung nhật lạc vô dư/Hữu thời trực thượng cô phong đính/Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Kiểu đất long xà chọn được nơi/Thú quê nào chán suốt ngày vui/Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng/Một tiếng kêu vang lạnh cả trời).

Các đội dâng mâm cơm đã hoàn thành trong hội thi kéo lửa thổi cơm lên lễ Phật, lễ Thánh.

Sau khi được phong là quốc sư, thiền sư Dương Không Lộ đã xin với nhà vua được bắt tay ngay vào việc chăm lo công việc nhà nông, trị thủy, khai khẩn đất hoang để muôn dân sinh kế. Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất 1094, đời vua Lý Nhân Tông, thiền sư Dương Không Lộ hóa, hưởng thọ 79 tuổi. Đến năm 1167, đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang. Ngàn năm đã trôi qua, nhiều vị cao tăng khẳng định thiền sư đã để lại cho hậu thế một tấm lòng bao dung, vị tha, dùng ngôn ngữ của Phật giác ngộ để chuyển hóa tâm thức chúng sinh. 

Sôi nổi hội thi dân gian trong lễ hội chùa Keo mùa xuân.

Tú Anh