Hội thi cỗ cá: Nét độc đáo riêng có tại lễ hội đền Trần
Người dân các thôn làng xã Tiến Đức hào hứng tham gia lễ hội truyền thống.
Điểm độc đáo tại hội thi cỗ cá là cả 8 đội thi đều đến từ xã Tiến Đức. Với niềm tự hào về lễ hội truyền thống trên quê hương, bà con dành nhiều tâm sức chuẩn bị những mâm cỗ cá công phu. Tại lễ hội đền Trần năm 2025, đội làng Nhật Tảo có cá trắm trọng lượng 8,5kg, cá trôi 6kg, cá chép 6,5kg.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia thi cỗ cá, ông Hoàng Đình Thường, làng Nhật Tảo hào hứng cho biết: Rất tự hào làng của chúng tôi ở ven sông Hồng nên gắn bó với nghề chài lưới, đánh cá. Mỗi mùa lễ hội đền Trần, chúng tôi đều tham gia thi cỗ cá để bảo lưu truyền thống văn hóa của quê hương. Từ trong năm, việc chọn cá đã được tiến hành, phải là những con cá to nhất, đẹp nhất mà mình kéo lưới được, nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo đợi đến ngày lễ hội. Điều đặc biệt khi bắt cá lên phải cẩn thận, nâng niu để cá chép không bị mất râu, cá trắm không bị mất vẩy, bong vây. Thời gian chuẩn bị có khi kéo dài nhiều tháng trong năm nhưng khâu chế biến, thực hiện mâm cỗ mới thực sự công phu. Mỗi con cá được làm trong 6 tiếng, rán trong 4 tiếng, trang trí cũng cần nhiều thời gian để lên mâm đẹp mắt nhất, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và phục vụ du khách thập phương tìm hiểu về lễ hội truyền thống. Mâm cỗ cá cần sự tham gia góp sức của tất cả dân làng. Mong mỏi của chúng tôi là truyền nghề làm cỗ cá cho tất cả bà con nhân dân để đời nối đời cùng nhau bảo tồn nét đẹp văn hóa quê hương mình.
Cùng có kinh nghiệm trong thực hiện mâm cỗ cá tại lễ hội đền Trần hàng năm, bà Phạm Thị Thúy, làng Dương Xá, xã Tiến Đức bày tỏ xúc động khi chứng kiến niềm vui của du khách khi theo dõi hội thi.
Theo bà Thúy, quy ước của làng là dù có đi làm ăn xa thì đến ngày lễ hội cũng gác lại bộn bề công việc, tập trung làm cỗ cá dâng lên các vua Trần. Đây không chỉ là hoạt động bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại địa phương.
Bà Thúy cho biết: Để chọn được cá tham gia hội thi, dân làng đã chuẩn bị từ năm trước, cá trắm phải to hơn cá trôi và cá chép. Như mâm cỗ cá của làng Dương Xá năm nay, cá trắm trọng lượng khoảng 7kg, cá trôi, cá chép đều trên 4,5kg. Ngoài cá được chọn lựa, chế biến hết sức công phu, trong mâm cỗ còn có các món được chế biến từ sản vật tại địa phương, đồng thời trang trí trầu têm cánh phượng. Dân làng dành nhiều thời gian để chuẩn bị với niềm mong mỏi mâm cỗ đủ đầy nhất, đẹp nhất dâng lên các vua Trần.
Mâm cỗ cá của 8 thôn làng sau khi đã hoàn thành mới được rước vào sân tòa Trung tế đền Vua dự hội thi cỗ cá. Hội thi bắt đầu khi đội tế cỗ cá với các cụ cao niên có uy tín trong làng, xã thay mặt toàn thể nhân dân đọc bài tế trước liệt tổ liệt tông nhà Trần. Bài văn tế cầu cho muôn dân an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau khi phần tế lễ hoàn thành, ban giám khảo hội thi bắt đầu thực hiện công việc của mình. Đồng thời lúc này du khách mới được tiến đến gần các mâm cỗ để chiêm ngưỡng.
Đã dự lễ hội tại nhiều vùng miền trên cả nước nhưng với ông Nguyễn Văn Chảo, du khách đến từ Lào Cai, lễ hội đền Trần tại Thái Bình mang ấn tượng đặc biệt.
Ông Chảo hào hứng cho biết: Những mâm cỗ cá ở đây tôi chưa thấy nơi đâu có. Cá đã được chế biến, trưng lên để tế lễ nhưng nhìn thấy rất sống động. Chúng tôi khâm phục đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân các thôn làng trong xã Tiến Đức đã dày công chuẩn bị, làm nên cỗ cá dâng tiên tổ. Càng cảm động hơn khi tôi được nghe chia sẻ về tấm lòng thành kính của nhân dân địa phương hướng tới các vua Trần.
Cá sau khi chế biến có hình dạng như ban đầu và giữ thế như đang bơi.
Ông Phan Quốc Bảo, thành viên Ban tổ chức hội thi cho biết: Năm nào cũng diễn ra nhưng sự chuẩn bị của các thôn làng với hội thi cỗ cá rất chu đáo. Cá đều, đẹp, trang trí mâm cỗ theo phong tục cổ truyền. Hội thi thành công cho thấy tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương một lòng hướng về lễ hội truyền thống của quê hương.
Hội thi cỗ cá tại lễ hội đền Trần nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên nhà Trần trước khi phát nghiệp đế vương, trị vì giang sơn từng làm nghề chài lưới. Đây là hội thi độc đáo, mang bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Long Hưng xưa - Hưng Hà ngày nay.
Người dân các thôn làng trong xã Tiến Đức hào hứng tham gia lễ hội truyền thống.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
-
Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
- Khai mạc lễ hội đền Trần năm 2025
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII
- Khai mạc hội chợ kết nối cung cầu doanh nhân họ Trần với các doanh nghiệp trong và ngoài nước xuân Ất Tỵ 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình triển khai dự án khu công nghiệp Hải Long
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm
- Quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06
- Công bố các quyết định về thành lập, hợp nhất một số tổ chức, cơ quan của Đảng bộ tỉnh
- Họp báo triển khai cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V, năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy