Thứ 5, 20/02/2025, 09:38[GMT+7]

Đầu xuân, thăm đền Vua Rộc

Thứ 2, 17/02/2025 | 10:09:49
3,039 lượt xem
Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân Ất Tỵ, đền Vua Rộc ở thôn An Điềm, xã Vũ An (Kiến Xương) thu hút rất đông du khách về tham quan, dâng hương để cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn.

Du khách từ khắp nơi đổ về thăm, cầu may đầu năm mới tại đền Vua Rộc, xã Vũ An (Kiến Xương).

Lễ hội đền Vua Rộc diễn ra trong 2 ngày 5 - 6 tháng Giêng, được chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức trang trọng nhằm tri ân công đức của Đức thánh Đại vương Đoàn Thượng Công ở cuối triều Lý - người có công giúp triều đình đánh giặc giữ yên bờ cõi cách đây hơn 800 năm. Phần lễ có nghi thức rước kiệu, tế lễ cầu cho năm mới bình an, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như đánh cờ, hát chèo… thu hút rất đông du khách về tham quan. Ông Đỗ Văn Thắng, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Gần 10 năm nay gia đình tôi đã chuyển vào Nam sống và làm việc, chỉ dịp tết mới về quê đoàn viên cùng anh em, họ hàng nhưng vẫn giữ thói quen đi lễ đền, chùa đầu năm, đặc biệt phải về Vũ An đi lễ đền Vua Rộc. Đền Vua Rộc không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà cảnh quan rất đẹp, yên bình, không khí trong lành, có nhiều cây cổ thụ. Vào đền thắp hương các vị thần linh, tôi cầu bình an, sức khỏe cho gia đình, mong năm mới công việc thuận buồm xuôi gió. Bà Vũ Thị Điệu, thôn An Vinh 1, xã Vũ An cho biết: Bao đời nay, người dân Vũ An luôn tự hào về ngôi đền Vua Rộc thờ tướng quân triều Lý đã có công giúp triều đình đánh giặc giữ nước. Tôi thường tới vãn cảnh đền và cầu nguyện sức khỏe, bình an cho gia đình. Đền còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. 

Đại hồng chung tại đền Vua Rộc được chính quyền và nhân dân xã Vũ An phát tâm công đức xây dựng đầu năm 2025. 

Ông Nguyễn Đức Hòa, thủ từ đền Vua Rộc cho biết: Đền rộng 2,4 mẫu, có hào nước sâu bao quanh, được tiền nhân dựng lên trên thế đất phượng múa, rồng chầu, voi phục. Bên trong khuôn viên đền là hai giếng ngọc, gọi là “mắt rồng” nằm hai bên lối vào cổng đền, luôn đầy ắp nước, hai bên cạnh đền chính thờ Tướng Công là hai giếng cạn không bao giờ ngập nước, được gọi là “tai rồng”. Du khách đến đây không chỉ được hòa mình vào không khí trang nghiêm của lễ hội mà còn được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi đền cổ linh thiêng hàng trăm năm tuổi. Đền Vua Rộc có kiến trúc thời nhà Nguyễn, theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian xây bằng gỗ với những nt chạm khắc tinh xảo. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bia đá, câu đối, hoành phi… có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Trong khuôn viên đền có đền chính thờ Tướng Công, nhà Mẫu, cổng Hành Mã và nhiều cây cổ thụ, giếng, ao, gò đống. Cổng đền Hạ Mã - ngũ môn đồ sộ cao gần 30m, vẫn giữ được vẻ cổ kính, trầm mặc, linh thiêng. Đền nằm trên cánh đồng Rộc, là vùng đất long mạch, tức “đầu rồng”. Vùng đất dựng đền cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Phía trước cổng đền có gò đất “hình nhân bái tướng”, phía Nam lại nổi lên gò đất hình voi phục. Trên hậu cung là gò hậu chẩm, tức là gối của vua. 

Giếng ngọc - được coi là “mắt rồng” trong đền Vua Rộc không bao giờ cạn nước. 

Đền Vua Rộc được coi là một trong tứ linh từ (bốn ngôi đền thiêng) ở huyện Kiến Xương, trên vùng đất long mạch linh thiêng. Đền Vua Rộc từng là nơi sơ tán và hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2002, UBND tỉnh công nhận đền Vua Rộc là di tích lịch sử văn hóa. Trải qua thời gian, đền được chính quyền và nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm trùng tu, tôn tạo, xây dựng ngày càng khang trang, bề thế và vẫn giữ được những nt truyền thống, cổ kính. Nơi đây không chỉ là di tích lịch sử đối với nhân dân địa phương, điểm đến thu hút nhiều du khách mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. 

Tuyết Phương