Đậm đà văn hóa truyền thống
Bảo tồn nghi thức tế lễ truyền thống trong lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư).
Nơi hội tụ các sắc thái dân gian độc đáo, không đâu có
Không chỉ cần cù lao động sản xuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Thái Bình mang sắc thái của vùng chiêm trũng hạ lưu sông Hồng vừa đa dạng vừa cởi mở, phóng khoáng. Biểu hiện là các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và rất nhiều hình thức diễn xướng văn nghệ truyền thống của cư dân nông nghiệp diễn ra trong mỗi lễ hội khác nhau. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trên địa bàn tỉnh có hơn 800 làng, hầu hết đều có đình làng với các ngày hội để nhân dân quây quần tế lễ. Đa dạng hoạt động được tổ chức trong lễ hội nhằm tôn vinh những người anh hùng có công lao to lớn với quê hương, đất nước, đồng thời là dịp tái hiện cuộc sống nông nghiệp, các phong tục, tín ngưỡng dân gian và tổ chức các hội đua tài giải trí, phô diễn điều hay, nét đẹp của mỗi địa phương như thi nấu cơm, cỗ cá, làm bánh, pháo đất, đấu vật… Có thể kể đến nhiều lễ hội đặc sắc, hấp dẫn như lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) tổ chức theo xuân thu nhị kỳ, phản ánh đặc điểm tập tục của cư dân vùng sông nước; lễ hội làng Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy) với múa ông Đùng bà Đà; lễ hội đền Hét, xã Thái Thượng (Thái Thụy) với trò thi vật cầu; lễ hội Sáo Đền, xã Song An (Vũ Thư) với tục thi thả diều…
Đặc biệt, trong văn hóa làng, các lễ hội còn là nơi bảo tồn, phát huy những hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian độc đáo, đậm đà sắc thái của cư dân nông nghiệp vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Các điệu múa cổ như: múa giáo cờ giáo quạt, múa kéo chữ, múa bát dật, múa chèo đò, múa rồng… đã trở thành nét đặc sắc riêng có của các làng quê Thái Bình. Ngoài ra, hát văn tập trung nhiều ở hội đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ), hát ca trù ở một số hội làng thuộc Kiến Xương và đặc biệt nhất là nghệ thuật hát chèo với chiếu chèo sân đình diễn ra ở hầu hết các hội làng xưa. Những câu ca như “Chẳng thèm ăn chả ăn nem/Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo” phản ánh nghệ thuật chèo đã tồn tại, có sức sống lâu bền trên mảnh đất Thái Bình. Qua thống kê, trước năm 1945, trên địa bàn tỉnh còn trên 50 gánh hát chèo thường có mặt đua tài ở các hội làng. Trong đó, phải kể đến 3 làng chèo nổi tiếng là chèo Hà Xá (Hưng Hà), chèo làng Khuốc (Đông Hưng) và chèo Sáo Đền (Vũ Thư). Cùng với hát chèo, múa rối nước là loại hình sân khấu độc đáo, phát triển ở nhiều phường hội cổ truyền thuộc các làng của huyện Đông Hưng… Trải qua bao thế kỷ, do sự bí truyền giữ nghề mà múa rối nước không được nhân rộng nhưng loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn luôn được biểu diễn ở nhiều hội làng trong và ngoài tỉnh.
Hội làng đã trở thành môi trường trực tiếp, quan trọng để bảo tồn, phát huy tiềm năng văn hóa, văn nghệ của làng xã, đồng thời, ở chiều ngược lại, nghệ thuật dân gian cùng các trò chơi, trò diễn đã tạo nên bản sắc riêng có, sức hấp dẫn mãnh liệt nơi dải đất cuối sông Hồng.
Biểu diễn nghệ thuật chèo trong ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh 21/3.
Phát huy nguồn lực văn hóa
Triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan tâm phát huy các nguồn lực, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển văn hóa; trọng tâm là Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 3/10/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…
Trải qua sự biến thiên của lịch sử, trên địa bàn tỉnh hiện còn 2.969 thiết chế văn hóa cổ có dấu tích của lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê. Có những di tích, di vật, cổ vật, tư liệu Hán Nôm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học, đánh dấu một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc và tiêu biểu, đặc trưng cho phong cách mỹ thuật của một thời đại. Trong đó có 2 di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 127 di tích quốc gia và 610 di tích cấp tỉnh. Thái Bình cũng tự hào có 2 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thái Bình và Hương án tại chùa Keo.
Nghệ sĩ Nhà hát Chèo biểu diễn vở “Đôi ngọc truyền kỳ” giữ nguyên tích chèo cổ
Là vùng đất hội tụ của nhiều sắc thái văn hóa, Thái Bình hiện còn bảo lưu hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm 585 lễ hội truyền thống, 91 nghề thủ công truyền thống, 58 nghệ thuật trình diễn dân gian và 28 tập quán xã hội và tín ngưỡng. Trong đó, 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ hội đền Trần, lễ hội Tiên La (Hưng Hà); lễ hội chùa Keo, tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền, xã Song An, lễ hội Bổng Điền (Vũ Thư); lễ hội đền A Sào, lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền Lộng Khê (Quỳnh Phụ); lễ hội làng Quang Lang (Thái Thụy); lễ hội làng Giắng, múa rối nước xã Đông Các và xã Nguyên Xá (Đông Hưng)... Thái Bình còn có 22 nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Họ đều là những bảo tàng sống, đang từng ngày gìn giữ và trao truyền những kho tàng tri thức, bí quyết nghề trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch của địa phương… Những con số, tư liệu trên là chưa đủ để nói hết về di sản văn hóa Thái Bình. Tuy nhiên đã phần nào chứng minh được chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất này.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc xây dựng và phát triển văn hóa ngày càng được coi trọng, không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đang từng bước được triển khai, nguồn lực văn hóa dân gian của Thái Bình sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần gìn giữ tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là đặc sắc riêng có đang được tỉnh quan tâm gìn giữ, phát huy để thu hút đông đảo khách du lịch về với Thái Bình qua đó đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói.
.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
-
Quyết liệt hơn nữa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
- Biểu dương, khen thưởng Ban chuyên án triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề
- Biểu dương 25 tập thể, 13 cá nhân điển hình tiên tiến khu vực kinh tế tập thể
- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm
- Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị năm 2025
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
- Khởi công dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình
- Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Singapore Lawrence Wong