Chủ nhật, 12/05/2024, 22:43[GMT+7]

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam qua những trang văn của Thạch Lam

Thứ 2, 04/11/2013 | 14:25:51
7,590 lượt xem
Là nhà văn của những câu chuyện trữ tình, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, Thạch Lam bằng ngòi bút của mình đã xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp. Ông đã viết lên những trang văn sâu sắc, đi vào thế giới tâm hồn của người phụ nữ để mở ra những giá trị đẹp đẽ, từ đó làm ngời sáng bức chân dung người phụ nữ Việt Nam.

Ảnh minh họa

Tháng 10, thu sang quá nửa chừng, nắng đã hanh khô và gió heo may bắt đầu se sắt. Cái không khí chớm lạnh cuối thu gợi tôi nhớ đến tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam được học từ thời phổ thông. Tôi vẫn nhớ như in lời giảng của cô giáo trước khi kết thúc tiết học ngày hôm đó: “Gió lạnh nhưng tình người không lạnh”, để giờ đây, mỗi độ thu sang, tôi lại nhớ về tác phẩm ấy. Hiếm có tác phẩm nào để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc đến vậy.

Trong cái rét mướt của buổi sáng đầu đông năm ấy, xua tan đi cái lạnh giá trong tác phẩm không phải là hơi ấm từ chiếc áo bông mà là hơi ấm của tình người. Những người phụ nữ bằng tình yêu thương đã sưởi ấm cả mùa đông buốt giá. Ðó là tình mẫu tử thiêng liêng và tình thương đối với những con người nghèo khổ. Trong “Gió lạnh đầu mùa”, nhân vật người mẹ hiện lên với tình yêu thương bao la, không chỉ đối với những đứa con mà còn đối với những người xung quanh đã trở thành điểm nhấn của tác phẩm. Chính tâm hồn đôn hậu của người mẹ đã tạo nên vẻ đẹp, sức sống cho tác phẩm.

Nếu như hình ảnh người phụ nữ trong “Gió lạnh đầu mùa” hiện lên với vẻ đẹp của tình mẫu tử và sự đôn hậu của tâm hồn thì trong truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” (cũng là tác phẩm văn học ở bậc phổ thông), Thạch Lam lại khai thác vẻ đẹp của người phụ nữ ở một khía cạnh khác: đó là vẻ đẹp của sự thủy chung và tình yêu trong sáng. Nga là cô gái không chỉ đẹp về ngoại hình: “đôi mắt thắm”, “hai má hồng”, “nụ cười tươi” mà cô còn sở hữu vẻ đẹp tâm hồn. Cô có một tình yêu sâu sắc đối với Thanh, đó là tình yêu e ấp thuở ấu thơ, tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng, theo sự trưởng thành của người con gái.

 “Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan lên mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Nhớ mùi hương hay cũng chính là tìm về với những ký ức tuổi thơ, những ngày cùng Thanh nhặt hoa dưới bóng cây, đó cũng là nỗi nhớ về người con trai đang ở nơi xa. Thạch Lam đã dựng lên một bức chân dung thật đẹp, không phải bằng cọ vẽ mà bằng ngòi bút văn chương. Trong bức tranh đó có chân dung của cô thiếu nữ cùng với vẻ đẹp của hoa ngọc lan, nhưng đó không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình mà còn có sự tỏa sáng nơi tâm hồn của người con gái.

Ðọc truyện ngắn Thạch Lam, tôi đặc biệt ấn tượng với những nhân vật nữ, bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn mang trong mình những giá trị tâm hồn cao đẹp, đó là vẻ đẹp của tình yêu thương, thủy chung, đôn hậu. Mặc dù được sáng tác cách đây đã hơn 70 năm song những tác phẩm của Thạch Lam vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả, là ngọn đuốc sáng soi rọi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Namon>.

Đào Quyên

  • Từ khóa