Thứ 7, 03/05/2025, 19:47[GMT+7]

Văn học nghệ thuật Thái Bình: Đồng hành cùng quê hương, đất nước

Thứ 6, 02/05/2025 | 22:28:48
988 lượt xem
Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go, ác liệt, năm 1970, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ra đời đáp ứng nhiệm vụ quan trọngđấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà, văn nghệ sĩ Thái Bình vẫn luôn “dùng ngòi bút và trái tim yêu nước nồng nàn làm vũ khí” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tham quan trưng bày tác phẩm ảnh của nghệ sĩ Thái Bình.

Phát huy truyền thống 

Nửa thế kỷ qua, Thái Bình đã chung tay cùng cả nước xây dựng nền văn hóa, phát triển con người bằng những bước đi, cách làm sáng tạo, mang những dấu ấn riêng. Trong đó, từ điểm tựa truyền thống, văn học nghệ thuật của tỉnh đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều thành tựu vẻ vang. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Chi hội Văn nghệ dân gian được thành lập, quy tụ những hạt nhân gạo cội trong lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian. Từ đó, những công trình sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian được xuất bản như: “Văn học dân gian Thái Bình”, “Chùa Keo”, “Kỳ Đồng tiểu sử và thơ văn”... Đó là những tập sách đầu tiên ghi dấu ấn văn học nghệ thuật Thái Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Giai đoạn từ cuối thập niên 1980 đến đầu thế kỷ XXI được xem là thời kỳ hoàng kim của hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thái Bình. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, những năm gần đây, nhiều hội viên cao niên của Chi hội lần lượt “vắng bóng” nhưng điều đáng mừng là đa số hội viên được bổ sung có trình độ học vấn cao, kỹ năng hoạt động chuyên môn đang độ chín. Từ đó đã xuất bản được những đầu sách thiết thực góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, phải kể đến như các tác phẩm sách: “Lê Quý Đôn”, “Văn hóa ẩm thực làng Nguyễn”, “Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Thái Bình”... Ngoài ra, một số hội viên còn là đồng chủ biên, đồng tác giả các bộ sách lớn của tỉnh như “Từ điển Thái Bình”, “Địa chí Thái Bình”, góp phần thắp sáng và lan tỏa giá trị các di sản văn hóa. Một số hội viên cũng là lực lượng chủ chốt trong triển khai các cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế do UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong nước tổ chức như: các cuộc hội thảo khoa học về danh nhân Lê Quý Đôn, các cuộc hội thảo về nghệ thuật chèo, hội thảo khoa học nhân kỷ niệm ngày thành lập tỉnh... 

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong văn học nghệ thuật 

Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hiện là nơi sinh hoạt của 308 hội viên ở 8 chi hội chuyên ngành. Dù hội viên cao tuổi chiếm trên 60%, biểu diễn chiếm gần 30%, nhưng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vẫn được triển khai hiệu quả trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm. 

Trong các chuyên ngành thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành được ứng dụng khoa học công nghệ nhiều nhất phải kể đến kiến trúc. Các đồ án thiết kế, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết... hiện nay được các kiến trúc sư ứng dụng phần mềm thiết kế 2D, 3D, đồng thời có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên các thiết kế, quy hoạch vừa mang tính tổng quan vừa chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết và đưa ra nhiều phân tích, dự báo trong tương lai. 

Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc thông tin: Chi hội quy tụ các thế hệ kiến trúc sư trên địa bàn tỉnh từ những người có bề dày kinh nghiệm đến những hội viên trẻ tài năng. Thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo phù hợp với từng chuyên đề, Chi hội tham gia đóng góp ý kiến cho các đồ án quy hoạch, kiến trúc theo yêu cầu của UBND tỉnh và các đơn vị trong tỉnh. Chi hội đã khuyến khích hội viên tham gia đa dạng hoạt động sáng tác, nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện, khảo sát thực tế... 

Đồng thời, chủ động, tích cực chuyển đổi số trong tư vấn kiến trúc đô thị; phát huy tốt nhất nguồn lực trí tuệ để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch - kiến trúc đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng, khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có; phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ. 

Bên cạnh đó, tại các chi hội như nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, phát thanh truyền hình... cũng đã rất tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sáng tác, quảng bá, đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng trong và ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Qua khái quát về kết quả ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm của hội viên và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chúng tôi thấy cần phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn thời gian tới. Trong đó tập trung cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 12/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để qua các tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. 

Nỗ lực hỗ trợ hội viên trong giai đoạn hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã xác định vai trò của từng cá nhân văn nghệ sĩ và chi hội trong tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ để thiết thực phục vụ hoạt động sáng tác vừa bảo đảm theo kịp xu hướng của thời đại vừa thể hiện rõ cá tính, cảm xúc, niềm đam mê và tâm huyết. Giai đoạn phát triển mới 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đang mở ra nhiều cơ hội để văn nghệ sĩ tiếp cận, lan tỏa sáng tạo với thế giới.

Hội viên chi hội Sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống.

Anh Tú