Thứ 7, 27/04/2024, 21:22[GMT+7]

Ngựa trong truyện Kiều

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:17:50
4,341 lượt xem
Trong cuộc đời Thúy Kiều, giờ phút vẻ vang nhất là giờ phút được Từ Hải cho quân về đón nàng. Thúy Kiều được rước trên kiệu loan, có cờ, trống, đàn, sáo tưng bừng, có cung nga, thể nữ và những hàng quân hùng tráng, uy nghi.

Ảnh minh họa

Trong Truyện Kiều, từ ngựa đã được dùng 13 lần trong 12 câu sau đây:
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm (c.48)
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (c.72)
Tuyết in sắc ngựa câu giòn (c.139)
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình (c.142)
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo (c.168)
Rằng: “Ta có ngựa truy phong (c.1107)
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn (c.1118)
Người lên ngựa, kẻ chia bào (c.1519)
Vực ngay lên ngựa tức thì (c.1647)
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong (c.2216)
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài (c.2272)
Sắm sanh xe ngựa vội vàng (c.2951)
(13 từ ngựa trong 12 câu, do ở câu 1118 từ ngựa được dùng hai lần).

Ngoài ra, có những chỗ Nguyễn Du không dùng từ ngựa mà dùng từ câu để chỉ con ngựa. Cụ thể như:
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (c.870)
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người (c.1602)
Roi câu vừa gióng dặm trường (c.1605)
Lại có chỗ Nguyễn Du không dùng từ ngựa hay từ câu mà vẫn thấy được hình ảnh con ngựa như ở bốn câu:
Buộc yên quảy gánh vội vàng (c563)
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao (c.896)
Cối yên đã thấy xuân đường đến nơi (c.1388)
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên (c.1568)
Từ yên gợi cho người đọc nghĩ ngay đến cái yên ngựa và xuống yên rõ ràng là xuống ngựa.

Ngày xưa, con người thường dùng ngựa hoặc xe ngựa làm phương tiện giao thông và trong Truyện Kiều cũng có những câu thơ nói đến xe ngựa:
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (c.72)
Sắm sanh xe ngựa vội vàng (c2951)
Lại cũng có những câu Nguyễn Du chỉ dùng chữ xe nhưng người đọc cũng có thể đoán biết đó là xe ngựa như ở các câu:
Mé ngoài chỉ đã giục liền ruổi xe (c.894)
Một xe trong cõi hồng trần như bay (c.908)
Xe châu dừng bánh cửa ngoài (c.921)
Trước xe lơi lả han chào (c.925)

Cả 4 câu này đều nói về chiếc xe ngựa mà Mã Giám Sinh đã dùng để đưa Thúy Kiều về Lâm Truy. Chiếc xe ấy ở những đoạn đường xấu thì được Nguyễn Du tả là:
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (c.870)
Còn ở đoạn đường tốt thì được tả là:
Một xe trong cõi hồng trần như bay (c.908)

Chiếc xe ngựa cũng có khi được Nguyễn Du gọi là xe châu hoặc xe hương để chỉ cái xe của người phụ nữ giàu sang ngồi như trong câu 1606:
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh
Hình ảnh con ngựa trong Truyện Kiều rất phong phú, với nhiều góc độ khác nhau. Từ con ngựa trong buổi đầu Kim – Kiều gặp gỡ, cho đến con ngựa khi Kiều bị Sở Khanh lừa, con ngựa khi Kiều tiễn  Thúc Sinh về thăm quê... Con ngựa trong Truyện Kiều mỗi chỗ mỗi khác, hết sức độc đáo.

Bên tách trà xuân Giáp Ngọ, xin lấy hình ảnh con ngựa khi Thúy Kiều gặp lại Từ Hải để kết thúc bài viết này. Có thể nói, trong cuộc đời Thúy Kiều, giờ phút vẻ vang nhất là giờ phút được Từ Hải cho quân về đón nàng. Thúy Kiều được rước trên kiệu loan, có cờ, trống, đàn, sáo tưng bừng, có cung nga, thể nữ và những hàng quân hùng tráng, uy nghi. Khi rước về tới đại doanh, còn có:
“Kéo cờ lũy, phát súng thành
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài”
“Ra ngựa” ở đây chỉ Từ Hải cưỡi ngựa oai phong, rạng rỡ ngời ngời niềm vui chiến thắng và đón Thúy Kiều một cách long trọng.

Lý Tự An
(251 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng)

 

  • Từ khóa