Chủ nhật, 28/04/2024, 15:58[GMT+7]

Văn hóa làng thời hội nhập

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:52:29
1,766 lượt xem
Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, cảnh quan làng quê mỗi ngày một đổi mới.

Thi khâu nón trong “Sân chơi văn hóa làng” được tổ chức tại xã Vũ Trung (Kiến Xương). Ảnh: Thành Tâm

Có dịp tham dự các lễ hội, sinh hoạt văn hóa tập thể của người dân nông thôn mới thấy được từ sâu thẳm tâm hồn họ nếp sống, nếp nghĩ, văn hóa của người thôn quê vẫn tồn tại, hiện hữu qua muôn mặt cuộc sống thường ngày.

Cảnh quan nhiều đổi thay…

Ông Phạm Quang Khởi, 75 tuổi, nguyên là cán bộ văn hóa huyện Hưng Hà cho biết: Ngày nay, ở hầu hết các làng quê trong tỉnh, những ngôi nhà lợp rạ, tường đất, trát vách không còn. Những mái ngói nâu cổ kính cũng dần được thay thế bởi nhà mái bằng, mái tôn, cao tầng với màu sắc, kiểu dáng đa dạng. Một bộ phận người dân nông thôn đang có xu hướng mua đất, xây nhà ven các trục đường bộ. Những con đường đất mưa gió lầy lội được cứng hóa. Hầu hết các gia đình đều có phương tiện nghe nhìn, không còn cảnh tối tối người dân trong làng cầm ghế ra sân hội trường thôn xem chung ti vi như trước nữa.

Trên các cánh đồng ngày nay, mương máng được xây dựng kiên cố hóa, dẫn nước đến tận ruộng. Cảnh tát nước bằng gầu, con trâu đi trước cái cày theo sau hay cảnh vào vụ cấy, vụ gặt người nông dân với quang gánh, xe thồ, liềm, bạt từ các ngả đường trong thôn gọi nhau ra đồng càng ngày càng ít đi; những mảnh ruộng vài thước với nhiều hình thù dần được thay thế bởi những thửa ruộng lớn, vuông vức. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đang hiện thực hóa trên các cánh đồng với những máy cày to, máy cày nhỏ, máy gặt lúa...

Bạn Nguyễn Hà, học viên cao học Trường Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn - Ðại học Quốc gia Hà Nội, quê ở thôn Kiều Trai (xã Minh Tân, Hưng Hà) cho hay: Trẻ con tại các làng quê ngày nay hầu như không còn tâm trạng háo hức ngóng mẹ về chợ mỗi khi đến phiên chính chợ huyện; không thấy chơi các trò chơi dân gian như chuyền, ô ăn quan như thế hệ chúng tôi ngày trước. Tại các làng quê trong tỉnh, càng ngày càng ít thấy những người mẹ ru con bên cánh võng, trẻ con thường chơi những đồ chơi hiện đại bằng nhựa, bằng kim loại; những bài đồng dao dường như đã đi vào quá khứ…

Nhưng tâm hồn người dân quê không thay đổi

Có dịp là khán giả trực tiếp của sân chơi “Văn hóa làng” do Ðài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình tổ chức chúng tôi mới thấy trong cái bề ngoài có vẻ nhiều thay đổi ấy, văn hóa làng vẫn trầm tích trong tâm hồn hiền hậu, chất phác của mỗi người dân quê. Anh Thanh Phú, phóng viên Phòng Văn nghệ - Thể thao, Ðài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình cho biết: Mỗi khi sân chơi văn hóa làng được tổ chức ở xã đều thu hút đông đảo bà con tới xem, cổ vũ cho các đội chơi.

Chưa đến 7 giờ sáng, tại nơi tổ chức sân chơi, người dân các thôn trong xã đã đến rất sớm, đủ mọi lứa tuổi từ những ông lão, bà cụ ngoài tám mươi đến thanh niên, học sinh, các em nhỏ. Có những buổi đội ngũ cổ động viên lên tới hàng nghìn người. Phần thi “Khéo tay hay làm” trong chương trình có lẽ là phần thi cho thấy rõ nhất văn hóa tại các vùng quê trong tỉnh.

Mỗi xã có những nghề truyền thống riêng và vẫn được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống ngày nay, ví như xã Vũ Trung (Kiến Xương) với nghề dệt thảm len, khâu nón; xã Tây Sơn (Tiền Hải) với nghề làm bánh cuốn, giò chả; xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) với nghề làm bánh đa nướng... Những nghề ấy được các đội thi thể hiện tại sân chơi “Văn hóa làng” trong tiếng trống rộn rã, tiếng hò reo, cổ vũ của các cổ động viên, không chỉ tái hiện văn hóa làng xã mà qua đó còn thấy được tâm hồn người dân quê ngày nay vẫn vậy - hồn hậu, chất phác, thật thà, muốn bảo lưu các giá trị truyền thống. Cảm động nhất là hình ảnh những bà lão bàn tay nhăn nheo, miệng móm mém, đôi mắt đã mờ đục, lưng đã còng nhưng vẫn không ngừng vỗ tay cổ vũ cho các đội chơi.

 

Tráng bánh cuốn trong phần thi "Khéo tay hay làm" tại "Sân chơi văn hóa làng" tổ chức tại xã Tây Sơn (Tiền Hải). Ảnh: Ngọc Linh

Không như phố xá tấp nập người xe và tình trạng “kín cổng cao tường, nhà nào biết nhà ấy”, ở các làng quê người dân vẫn bó bện, nghĩa tình, không nhà nào sống tách biệt mà thường xuyên qua lại, thăm hỏi, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Khi một nhà có trẻ mới sinh, xóm giềng đều đến chúc mừng; có người ốm đau người trong làng sẽ đến hỏi han sức khỏe, giúp đỡ tiền bạc, thuốc men; cưới xin cả làng sẽ đến chung vui; lúc ma chay cả làng cùng đưa tiễn với tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Trong các lễ hội của làng, đông đảo người dân đều ăn mặc chỉnh tề tham dự trong sự thành kính, trang nghiêm; các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian đều được người dân trong thôn, trong xã hưởng ứng tự nguyện. Mỗi làng đều có một hương ước riêng, mọi cư dân trong làng có nghĩa vụ phải thực hiện. Nhiều đình, đền, chùa đang được sửa chữa, tu bổ và đầu tư xây dựng lại.

Gần ba mươi năm đổi mới, hội nhập, cảnh quan nông thôn Thái Bình có nhiều thay đổi nhưng văn hóa làng, tâm hồn, nghĩa tình, lòng đôn hậu, thật thà của người dân quê vẫn còn ở lại, làm nên nét đặc sắc trong văn hóa làng ngày nay.

Vũ Hường

  • Từ khóa