Chủ nhật, 28/04/2024, 18:49[GMT+7]

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Thứ 7, 01/02/2014 | 10:47:49
2,323 lượt xem
Thực hiện xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể được quan tâm đẩy mạnh. Không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, việc khôi phục, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể còn phục vụ thiết thực xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Xin chữ đầu năm. Ảnh: Ngọc Linh

 

Thái Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và chứa đựng đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa phi vật thể. Tập trung nhiều nhất ở nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và lễ hội truyền thống, văn hóa phi vật thể ở Thái Bình còn có đặc điểm gắn bó mật thiết với các hoạt động mang tính chất tâm linh tại các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng. Ðặc biệt, có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, riêng chỉ có ở Thái Bình, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.

 

Múa kéo chữ tại Ngày hội Văn hóa thể thao truyền thống 14/10 do đội múa dân gian xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) trình diễn.

 

Nhớ lại Ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 năm 2013, chắc hẳn nhiều người còn rất ấn tượng bởi sự hấp dẫn, mới lạ của các hoạt động văn hóa phi vật thể trong chương trình phần hội. Khác với mọi năm, ngoài biểu diễn kèn đồng, trống hội, múa rồng, lân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công thi bơi chải, biểu diễn múa bát dật, múa kéo chữ, múa giáo cờ giáo quạt.

 

Ðồng chí Nguyễn Tiến Lượng, Giám đốc Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh cho biết: Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa dân gian chỉ riêng có ở làng Thượng Liệt (xã Ðông Tân, Ðông Hưng); múa kéo chữ chỉ ở một vùng thuộc huyện Quỳnh Phụ; múa bát dật chỉ riêng có ở xã An Khê (Quỳnh Phụ). Các điệu múa này được chọn trình diễn và giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống bởi đây là những điệu múa dân gian độc đáo nhất, có lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, được lưu truyền, khôi phục, gìn giữ qua nhiều đời và gắn bó mật thiết với các lễ hội truyền thống...

 

Thi pháo đất tại lễ hội Ðền Trần, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà.

 

Xác định rõ vai trò của văn hóa phi vật thể trong đời sống hiện đại, năm qua nhiều địa phương đã có các hoạt động khôi phục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống, văn hóa phi vật thể được phục dựng đã góp phần tìm lại sự phong phú, hấp dẫn vốn có của các lễ hội. Ðiển hình như ở xã An Khê (Quỳnh Phụ) – miền quê nổi tiếng có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lộng Khê, đình Hiệp Lực... Riêng lễ hội đình Lộng Khê được người dân khắp vùng biết đến với cây đình liệu và điệu múa bát dật độc đáo.

 

Thi cỗ cá tại đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm

 

Mới đây, tại lễ hội đình Hiệp Lực năm 2013 (ngày 10/8 âm lịch), người dân trong làng, trong xã An Khê tham gia lễ hội lại có thêm niềm vui, phấn khởi. Ðược sự quan tâm của chính quyền địa phương; sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; sự quyết tâm của các bô lão trong làng, trong đó có ông Ngô Trọng Phàn - người tham gia ban quản lý di tích đình Hiệp Lực, lần đầu tiên sau 80 năm chìm lắng, làng Hiệp Lực đã khôi phục và ra mắt thành công đội múa bát dật, trình diễn điệu múa mang nét độc đáo riêng của làng mình. Không chỉ người dân trong làng, trong xã mà cả du khách thập phương về dự hội được thưởng thức điệu múa, ai cũng tự hào với nét văn hóa của quê hương, từ đó ý thức, trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể khác đang mai một.

 

 Ðiệu múa dân gian độc đáo “bát dật” do đội múa bát dật xã An Khê (Quỳnh Phụ) trình diễn.

 

Còn đối với huyện Hưng Hà, nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể được chú trọng khôi phục, phát huy giá trị như tổ chức bài bản việc tế lễ, rước nước, thả diều, thi cỗ cá, gói bánh chưng tại lễ hội Ðền Trần (xã Tiến Ðức); lễ giao chạ giữa chạ chị, chạ em ở hai làng Tam Ðường (Tiến Ðức) và Vân Ðài (Chí Hòa). Ðặc biệt từ lễ hội Ðền Trần năm 2012, Ban Tổ chức đã đưa thêm trò chơi thi pháo đất để phục vụ du khách, làm phong phú thêm các hoạt động lại lễ hội. Ðồng chí Lưu Ðức Lượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà cho biết: dự kiến lễ hội năm nay và những năm tới, Ban tổ chức lễ hội Ðền Trần sẽ khôi phục, hoàn thiện một số hoạt động văn hóa phi vật thể như lễ tế ngoài mộ các vua Trần, thi thổi lửa nấu cơm cần để tái hiện khí thế và quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của quân dân nhà Trần xưa kia.

 

Theo đồng chí Bùi Công Phượng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước. Không chỉ có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, hoạt động này còn góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; đồng thời khai thác và phát huy các giá trị phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, đồng thời chú trọng phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện việc thống kê, lập danh sách, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, làm tiền đề cho phát triển xã hội bền vững.

Hà Dung

  • Từ khóa