Thứ 7, 27/04/2024, 23:17[GMT+7]

Giếng làng quê ngoại

Thứ 2, 24/02/2014 | 10:19:30
4,281 lượt xem
Cây đa, giếng nước, sân đình từ lâu đã trở thành những biểu tượng đặc trưng của làng quê Việt, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người để khi đi xa ai cũng thương nhớ hình bóng ấy. Với người dân quê, giếng làng như mạch sống của sự hồi sinh mang tới những dòng nước ngọt tinh khiết.

Ảnh minh họa.

 

Về quê ngoại vào một buổi mưa xuân, men theo con đường bê tông mới đổ, đi qua chiếc giếng làng những kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về, tha thiết mà lắng đọng. Từ bao đời nay, giếng và con người nơi đây như được gắn kết bởi một sợi dây vô hình bền chặt. Giếng như “tim” của làng, thiêng liêng và được mọi người trong làng coi trọng, bảo vệ. Từ con trẻ đến người lớn ai cũng có ý thức giữ gìn và bảo vệ, một hành động nhỏ làm tổn thương đến giếng cũng bị nhắc nhở. Với người dân quê, giếng là nơi chứa đựng mạch nước tinh khiết nuôi dưỡng bao thế hệ để rồi sáng sáng, chiều chiều bỏ lại sau lưng những lo toan, vất vả của cuộc sống thường nhật, tiếng trò chuyện, cười nói của những người mẹ, người chị lại vang lên giòn giã. Âm thanh tiếng gầu đập vào mặt nước cùng tiếng cười, tiếng nói tạo nên một khúc nhạc đồng quê rộn ràng, khó quên.

 

Giếng làng đã nuôi dưỡng tâm hồn bao tuổi thơ. Từng gầu nước đã gieo mầm kỷ niệm trong tâm hồn những đứa trẻ, thật gần gũi và thân thuộc khi mỗi buổi chiều hè được theo mẹ, theo bà ra giếng. Bên giếng lũ trẻ lại tha thẩn tìm những chú “gà cỏ” khỏe mạnh để “chọi” hay núp sau những lùm tre chơi “trốn tìm”. Khoảnh khắc ấy chắc hẳn sẽ mãi song hành theo mỗi cuộc đời để rồi mỗi lần đi ngang qua giếng có ai đó lại bồi hồi xúc động. Quê ngoại tôi nghèo nên giếng không được xây bao bằng gạch đá xung quanh mà chỉ giống một chiếc ao nhỏ tròn xinh, xung quanh là lớp cỏ vươn mình xuống bóng nước. Bậc dẫn xuống giếng được trải từ những hòn đá phủ rêu xanh trong mát.

 

Giếng nằm bên cạnh cánh đồng lúa ngút ngàn, trải dài như vô tận để rồi hút, chắt lọc những giọt nước tinh khiết của đất trời, đồng ruộng về mình. Phía bên hữu giếng ẩn hiện vài nếp nhà nhấp nhô lợp ngói đỏ tươi cùng hàng tre xanh soi mình vươn bóng tất cả tạo nên một bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Ngoại tôi kể rằng: khi ngoại về làm dâu thì giếng mới được khơi đào. Ðến nay, ngoại đã gần bước sang tuổi 90. Cả cuộc đời gắn bó thân thiết với giếng không nỡ xa rời nên dù mắt đã mờ, chân đã run song thỉnh thoảng ngoại vẫn chống gậy ra giếng chỉ để ngắm, nhìn cho thỏa nỗi nhớ. Hình ảnh giếng làng đã in sâu trong cuốn sách cuộc đời ngoại, ẩn sâu trong khóe mắt với dòng kí ức không thể phai mờ.

 

Ðã bao năm trong đời, ngoại đã được sống trong tình cảm bao bọc, gắn kết nơi cộng đồng thôn làng bên cạnh chiếc giếng. Có lẽ thế mà “con mắt của đất” luôn ở trong trái tim ngoại cũng như bao người dân nơi đây. Nước giếng làng đã thấm và tạo nên tính cách của người dân quê ngoại nên ai cũng chân chất, thật thà, dẫu bộn bề cuộc sống với những lo toan họ vẫn quây quần, ấm áp cùng chia ngọt sẻ bùi bên nhau.

 

Hiện nay công nghiệp hóa đã lan tỏa tới các vùng nông thôn. Tấc đất, tấc vàng nhiều nơi đã san lấp giếng thành vườn, thổ. Và thay bằng dùng nước giếng đào, người dân đã dần chuyển sang dùng nước giếng khoan, nước máy nên hình ảnh của giếng làng cũng ngày càng bị phai mờ. Nhưng, mỗi lần về thăm quê ngoại, gặp hình ảnh các cô, các bác đang vội vã quẩy đôi quang gánh nước về nhà, thùng nước đầy sóng sánh, nhìn những giọt nước như đang nhảy múa, reo vui, trong tôi lại thấy ấm lòng bởi giếng làng quê ngoại vẫn chưa bị lãng quên.

Như Hoàng

 

  • Từ khóa