Thứ 2, 13/05/2024, 21:59[GMT+7]

Tăng ni, tín đồ Phật tử huyện Kiến Xương Thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”

Thứ 2, 24/03/2014 | 09:17:22
3,671 lượt xem
Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” của huyện Kiến Xương đã đạt nhiều kết quả, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo tăng ni, tín đồ Phật tử. Đó là nguồn động lực cho các tăng ni, tín đồ tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở địa phương.

Chùa Quan Âm (Thị trấn Thanh Nê).

Qua theo dõi phong trào thi đua và căn cứ vào đề nghị của cơ sở, năm 2013, Ban thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã xét và công nhận 65/93 chùa đạt danh hiệu “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, trong đó 35 chùa đạt danh hiệu “Chùa cảnh 4 gương mẫu” 5 năm liền” - đó là nhận xét của đồng chí Phan Văn Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kiến Xương về phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” của các tăng ni, tín đồ trên địa bàn huyện.

Đại đức Thích Thanh Vượng, Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Kiến Xương cho biết: Toàn huyện có 93 chùa ở 35/37 xã, thị trấn, trong đó 78 chùa có chức sắc Phật giáo trụ trì, 18 chùa và quần thể đình chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, số hội quy có trên 22.000 tín đồ. Thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tăng ni, tín đồ Phật tử đã nỗ lực thực hiện 4 nội dung của phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, thu được nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, tăng ni, tín đồ Phật tử huyện Kiến Xương đã gương mẫu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống. Đồng thời thực hành tiết kiệm để tham gia công tác xã hội, hoạt động nhân đạo, từ thiện và tích lũy xây dựng, tu bổ cảnh quan nơi thờ tự ngày càng khang trang. Trong lao động sản xuất, tăng ni, tín đồ Phật tử đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào thâm canh sản xuất, do vậy luôn đạt năng suất cao, bình quân mỗi năm thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng, tiêu biểu như Chùa Diệm Dương (xã Trà Giang), Chùa Dương Liễu (xã Bình Định)...

Ngoài cấy lúa, trồng rau màu, một số chùa đã khai thác thế mạnh để tăng thu nhập từ làm sinh vật cảnh, trồng cây hương liệu, sản xuất hương, may trang phục tu sĩ… Điển hình như Chùa Hồng Ân (xã Bình Nguyên) tổ chức may trang phục cho tu sĩ, sản phẩm bảo đảm chất lượng, có uy tín nên được các tăng ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài huyện tìm đến mua ngày càng đông, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều chùa đã đầu tư xây dựng nơi thờ tự khang trang, mua sắm phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại như xe máy, ti vi, điện thoại, máy vi tính…, tạo điều kiện cho các tăng ni theo dõi thông tin thời sự, nâng cao nhận thức, xây dựng cuộc sống nơi thiền môn ngày càng văn minh, lịch sự.

Tăng ni, tín đồ Phật tử chùa Quan Âm (Thị trấn Thanh Nê) tăng gia sản xuất.

Chăm chỉ lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, cuộc sống ổn định, nhờ đó các tăng ni, tín đồ Phật tử có thêm điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Phát huy truyền thống của Phật giáo đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, các tăng ni, tín đồ Phật tử luôn gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội, nhiều vị tăng ni là đại biểu HĐND, ủy viên Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể, tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên vận động tín đồ tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia bầu cử, các hội nghị đóng góp ý kiến, xây dựng nông thôn mới, tổ chức học tập Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo…

Nhiều hoạt động xã hội, từ thiện được tổ chức như mở lớp dạy đạo pháp cho các cháu thanh thiếu niên, kết hợp với nhà trường tổ chức thuyết giảng hướng thiện cho học sinh; 5 năm qua, các chùa đã ủng hộ cho quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ nhân đạo... hơn 500 triệu đồng để giúp đỡ những người và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; một số chùa còn nhận cưu mang trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật như Chùa Phụng Thượng (xã Vũ An), Chùa Hồng Ân (xã Bình Nguyên)… Hàng năm, vào Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, các chùa tổ chức lập đàn, lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thông qua công tác xã hội, các vị tăng ni đã tuyên truyền những giá trị đạo đức cao đẹp của Phật giáo, hướng con người sống thiện, tránh mọi tham, sân, si, diệt trừ cái ác, cái xấu..., được các cấp chính quyền, tín đồ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Không chỉ gương mẫu tham gia lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội, các vị chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử ở Kiến Xương còn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước của thôn làng. Hàng năm, Ban đại diện Phật giáo huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và Ban Tôn giáo tỉnh mở các lớp tập huấn chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước cho các vị chức sắc, tăng ni. Qua đó góp phần cùng địa phương duy trì thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội; tổ chức các nghi lễ tôn giáo trang nghiêm, đúng quy định, hạn chế tình trạng mê tín dị đoan; việc xây dựng, tu bổ nơi thờ tự cũng bảo đảm đúng theo quy định. Các tăng ni, tín đồ còn chú trọng xây dựng giáo hội ngày càng vững mạnh. Các tăng ni tích cực học tập tại các trường Phật giáo trong cả nước để nâng cao trình độ. Các lớp An cư kiết hạ, các kỳ Bá tát được tổ chức duy trì đều đặn, có chất lượng. Hàng năm, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Ban đại diện Phật giáo huyện tổ chức thành công các ngày lễ bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục cao.

Tích cực thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, các tăng ni, tín đồ Phật tử đã đóng góp không nhỏ trong việc giữ vững ổn định chính trị địa phương, bảo tồn các giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của huyện Kiến Xương.

Thanh Huyền

  • Từ khóa