Thứ 2, 13/05/2024, 22:39[GMT+7]

Ðôi điều về lễ hội mùa xuân năm 2014

Thứ 2, 31/03/2014 | 09:35:02
1,429 lượt xem
Ðầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh, các lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Nhìn chung, các lễ hội đều phát huy được vai trò gắn kết cộng đồng, lưu giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của quê hương song tại một số địa phương, văn minh trong lễ hội vẫn đang là một vấn đề đáng bàn.

Xem bói tay tại hành lang trong Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư) gây phản cảm, cần kiên quyết xóa bỏ.

 

Lễ hội hướng con người trở về cội nguồn, cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, góp phần bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau. Ðầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh, các lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Nhìn chung, các lễ hội đều phát huy được vai trò gắn kết cộng đồng, lưu giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của quê hương song tại một số địa phương, văn minh trong lễ hội vẫn đang là một vấn đề đáng bàn.

 

Lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

 

Thái Bình là tỉnh có số lượng lễ hội được tổ chức vào mùa xuân nhiều nhất trong khu vực Ðồng bằng sông Hồng. Các lễ hội lớn trong tỉnh được tổ chức vào thời gian này gồm: lễ hội Chùa Keo, Ðền Trần, Ðền A Sào. Lễ hội Chùa Keo được tổ chức hàng năm vào mồng 4 Tết. Ðây là lễ hội khá “hút khách” trong những ngày đầu năm mới. Mặc dù chỉ được tổ chức trong một ngày, lễ hội xuân Chùa Keo vẫn tạo được ấn tượng với đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh vì kiến trúc cổ kính, nghệ thuật của Gác Chuông; các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa quê hương như: chạy giải lấy nước, thi bắt vịt, chọi gà...

 

Tại lễ hội Ðền Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà) – lễ hội được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, nghi lễ rước nước, hoạt cảnh chèo sử thi “Âm vang hào khí Ðông A” trong ngày khai hội; các hoạt động văn hóa dân gian phong phú như: thi cỗ cá, thi cờ tướng, thi pháo đất, kéo lửa nấu cơm cần; kéo co... đã được diễn ra với sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và nhân dân các xã trong huyện góp phần khơi gợi truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.

 

Lễ hội Ðền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) mặc dù chỉ diễn ra 3 ngày nhưng người xem bị hấp dẫn bởi cuộc thi bơi chải trên sông Hóa, thi giã bánh giầy và biểu diễn múa kéo chữ. Tại một số lễ hội có quy mô nhỏ như: lễ hội Chùa Thiên Quý (Ðông Xuân, Ðông Hưng), lễ hội Chùa Phú Lạc (Thành phố Thái Bình), lễ hội Chùa Thanh Lãng (Minh Hòa, Hưng Hà)... các trò chơi như: đấu vật, tổ tôm, cờ người; giao lưu các câu lạc bộ chèo cũng được tổ chức quy mô, bài bản. Các hoạt động văn hóa phong phú, tôn vinh những giá trị truyền thống tại các lễ hội đã duy trì, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của các địa phương.

 

Chuyện đáng bàn

 

Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, nhiều  trò chơi thu hút đông đảo nhân dân tham gia, lễ hội xuân Chùa Keo cũng tồn tại khá nhiều bất cập. Bạn Ðinh Thị Thu Hoài (Thành phố Thái Bình) cho biết: Kéo lửa nấu cơm cần là một cuộc thi được tổ chức thường xuyên trong lễ hội Chùa Keo. Ðể tham dự cuộc thi này, ban giám khảo và các đội chơi sẽ vào trong khu vực có hàng rào cách biệt với khán giả. Nhưng, đến thời điểm các đội chuẩn bị nấu cơm xong, không khí trở lên nhốn nháo.

 

Với suy nghĩ có được một ít than hồng các đội vừa nấu cơm hay một ít cơm sẽ đem lại may mắn, khán giả người dùng kìm vặn mắt lưới dây thép gai, người xô công an viên chui vào trong dẫn tới việc lộn xộn trước cửa chùa. Chị Nguyễn Thị Minh Châu (huyện Hưng Hà) cho hay: Mặc dù tiếng loa thường xuyên đọc thu vé xe máy cả mũ bảo hiểm 5.000 đồng/xe nhưng khi ra bãi lấy xe phải trả 10.000 đồng/xe. Khu vực giếng gần Gác chuông có biển cấm vứt tiền nhưng tiền lẻ vẫn rải rác trên mặt giếng. Hoạt động xem bói tay diễn ra công khai tại hành lang trong chùa thu hút khá đông giới trẻ tham gia.

 

Tại lễ hội Ðền Trần, theo quan sát của chúng tôi, công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lễ hội chưa được giám sát, thực hiện nghiêm túc. Tại lễ hội Ðền - Chùa Phượng Vũ (Minh Khai, Vũ Thư) ăn mày, cờ bạc trá hình  diễn ra khá phổ biến.

 

Lễ hội thuộc phạm trù sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Ở mỗi địa phương, lễ hội sẽ có những lễ nghi, diễn xướng đặc trưng thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng quê. Tuy nhiên, tại một số lễ hội hiện nay, những hình ảnh chưa đẹp vẫn tồn tại, gây tâm lý e ngại cho khách tham quan. Nhằm bảo đảm văn minh, an toàn trong lễ hội trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức  người dân khi tham gia lễ hội, công tác tổ chức lễ hội rất cần được cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa tiến tới xóa bỏ những tiêu cực, lộn xộn trong mùa lễ hội.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa