Thứ 2, 13/05/2024, 03:48[GMT+7]

Khôi phục điệu múa “bát dật” ở Hiệp Lực

Thứ 2, 31/03/2014 | 09:40:29
4,395 lượt xem
Văn hóa văn nghệ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giữa lúc một bộ phận nhân dân nhất là giới trẻ đang có xu hướng “bỏ quên” những giá trị văn hóa truyền thống, việc khôi phục lại điệu múa bát dật mà cán bộ, nhân dân thôn Hiệp Lực, xã An Khê, Quỳnh Phụ đã và đang làm thực sự có ý nghĩa tích cực góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ðội múa Bát Dật xã An Khê (Quỳnh Phụ) biểu diễn tại lễ hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10. Ảnh: Minh Đức

 

Theo các cụ cao niên trong thôn Hiệp Lực, múa bát dật là điệu múa có từ xa xưa. Tương truyền, sau khi lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Hán thu phục 65 thành trì, Hai Bà Trưng đã mở tiệc khao đãi các tướng lĩnh có công. Tướng Lê Ðô (một người con của thôn Hiệp Lực) có trong buổi tiệc đó đã được thưởng thức điệu múa cung đình. Về quê, ông đem điệu múa ấy truyền dạy cho dân làng Hiệp Lực. Ðây là điệu múa gồm 11 lớp múa, mỗi lớp múa có nội dung, thời gian biểu diễn khác nhau, trong đó có các lớp múa đặc trưng như: Hoa hồi, Bát giác, Quay tơ, Bát môn, Bổ đồn.  Các động tác múa khi mềm mại, uyển chuyển, khi mạnh mẽ, dứt khoát. Xen giữa các động tác múa là lời hát ca ngợi các vị tiền nhân có công lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ca ngợi đất nước thanh bình.

 

Nhìn một cách tổng quát, điệu múa bát dật  tái hiện sinh động bức tranh sinh hoạt, lao động sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người dân xưa. Ðồng thời, điệu múa cũng thể hiện lòng thành kính cảm tạ ân đức của những người có công với dân tộc; ước mơ thiên địa nhân hòa, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.  Khi mới hình thành, điệu múa được người dân quen gọi là điệu múa “cung đình” nhưng sau đó được đổi tên thành điệu múa “bát dật”. Ðể múa bát dật cần tối thiểu 16 người nữ với trang phục áo tứ thân đi giày vải múa bằng quạt, khăn lụa...  Ðầu thế kỷ 20, điệu múa vẫn được duy trì biểu diễn trong những ngày làng Hiệp Lực mở hội nhưng từ năm 1935, cả nước tập trung chiến đấu đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ nên điệu múa bị thất truyền.

 

Năm 2004, với suy nghĩ khôi phục lại điệu múa bát dật sẽ góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, ông Ngô Trọng Phàn - thành viên trong Ban quản lý Di tích Ðình Hiệp Lực đã đi gặp các bậc cao niên trong thôn, trong xã (những người đã được xem múa bát dật từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước) để nghe các cụ kể lại những điều “mắt thấy tai nghe” về lời hát, điệu múa của múa bát dật. Ðến năm 2011, qua quá trình nghiên cứu, tổng hợp, điệu múa đã được hoàn thành, ông Phàn đưa ý kiến về việc khôi phục điệu múa của cha ông liền nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn.

 

Nói về những ngày đầu thành lập đội múa, ông Ngô Trọng Phàn, Ðội trưởng Ðội múa bát dật thôn Hiệp Lực cho biết: Giai đoạn khi bắt tay vào việc làm “sống lại” điệu múa  thực sự là thời gian nhiều khó khăn: diễn viên thiếu, kinh phí mua sắm trang phục không có. Cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội Phụ nữ thôn, ban khánh tiết Ðình Hiệp Lực phải  kêu gọi nhân dân trong thôn, con em sinh sống ở xa ủng hộ kinh phí mua sắm trang phục biểu diễn đồng thời kiên trì vận động các chị em trong thôn tham gia. Không ít chị em, ban đầu còn dè dặt nhưng sau đó đều tích cực tham gia vì muốn giữ gìn văn hóa của ông cha. Một tuần 2 tối, sau khi đi làm, các chị em lại ra đình làng tập múa, tập hát.

 

Ngày hội làng, Ðội múa bát dật thôn ra mắt nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của không chỉ người dân trong làng, trong xã mà cả các du khách thập phương. Dường như ai cũng tự hào về nét văn hóa của quê hương, của dân tộc. Ðến nay với 20 thành viên, bên cạnh việc duy trì biểu diễn trong các ngày dân làng mở hội, Ðội múa bát dật thôn Hiệp Lực đã đi biểu diễn tại rất nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh như: lễ hội Ðền A Sào (xã An Thái, Quỳnh Phụ), lễ hội Ðền Lê Chân (Hải Phòng), lễ hội Ðền Quan Lớn Tuần Tranh (Hải Dương), lễ hội Ðình Bo, lễ hội Ðền Hai Bà Trưng (Thành phố Thái Bình), biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trọng Phàn cho biết thêm: “Sắp tới, điệu “hát ống” cũng sẽ tiếp tục được nhân dân địa phương khôi phục, tập luyện”.Văn hóa văn nghệ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giữa lúc một bộ phận nhân dân nhất là giới trẻ đang có xu hướng “bỏ quên” những giá trị văn hóa truyền thống, việc khôi phục lại điệu múa bát dật mà cán bộ, nhân dân thôn Hiệp Lực, xã An Khê, Quỳnh Phụ đã và đang làm thực sự có ý nghĩa tích cực góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Quỳnh Thanh

  • Từ khóa