Chủ nhật, 28/07/2024, 17:15[GMT+7]

LÝ CÔNG UẨN ĐỊNH ĐÔ

Thứ 6, 08/10/2010 | 14:28:17
15,629 lượt xem
Mùa thu năm canh tuất (1010), đoàn thuyền ngự của nhà vua từ Hoa Lư về Đại La tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long (Rồng Bay).

Chỉ mới 5 tháng lên ngôi Hoàng Đế, Lý Công Uẩn ( Lý Thái Tổ) ban chiếu hỏi ý kiến triều đình về việc rời đô.

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn được lập làm vua (hiệu là Lý Thái Tổ),sáng lập nên vương triều Lý trên hai trăm năm (1009-1225).

 

Là vị vua anh minh, Lý Công Uẩn đi thăm mọi miền của đất nước để tìm kế sách đưa nước ta trở thành quốc gia hưng thịnh.

 

Vùng đất thành Đại La làm ông mê say.Đó là một vùng đồng bằng cao ráo, tiện lợi cho việc xây dựng.Một dải đất nằm ở giao điểm mạng lưới sông ngòi để lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam dễ dàng, là đầu mối giao thông tiện lợi cho việc phát triển kinh tế.Một vùng đất màu mỡ, đủ điều kiện canh tác nuôi sống đông đảo cư dân.Đó là nơi tụ hội nhân tài bốn phương, kết tụ tinh hoa làm thành nơi đô thị phồn thịnh.

 

Nhãn quan tinh đời của Lý Công Uẩn đã nhận ra-nói theo thuật ngữ ngày nay- có đủ điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch một đô thị lớn.

 

Đại La trong vùng đồng bằng, nhưng ở nội thành cũng có núi.Gọi là núi nhưng kỳ thực chỉ có những gò đất cao ngày một bị bóc gọt, san gạt, ngày nay chỉ còn cao gần hai chục mét, phần lớn còn nằm trong địa phận quận Ba Đình.Đó là núi Sưa, còn gọi là núi Xuân ở trong vườn Bách Thảo.Núi Sưa còn có tên khác là núi Long Đỗ (nghĩa là rốn rồng) tương truyền vua Lý Thái Tổ đã dựng chính điện trên núi này.

 

Núi và điện hiện nay không còn nhưng vết tích vẫn được bảo lưu, mở cửa đón khách tham quan.Núi Khán vốn ở khoảng trước Phủ Chủ tịch bây giờ, đã bị người Pháp san bằng cuối thế kỷ 19.Trong khu vực các làng xưa:Vĩnh Phúc,Liễu Giai, Đại Yên,Vạn Phúc (đều thuộc quận Ba Đình) nằm giữa đường Đội Cấn và đường Hoàng Hoa Thám, có rải rác dấu tích những núi đất khác:núi Cung, núi Cột Cờ,núi Voi (còn gọi là núi Thái Hòa) núi Trúc (được đặt thành tên phố) và núi Bò.

 

Vùng đất có núi lại có sông.Chính nhờ có hệ thống sông ngang dọc mà thành Thăng Long-Hà Nội từ xa xưa đã là nơi “bốn phương sum họp”.Chủ lưu là sông Hồng, con sông mà người xưa gọi là sông Cái (sông mẹ) chảy ngang qua đô thành.Bên phải có sông Đáy, sông Nhuệ,sông Tô Lịch và các nhánh ngang dọc.Bên trái có sông Thiếp,sông Đuống và các phụ lưu:sông Bãi Tâm, sông Thiên Đức (một khúc của sông Đuống cổ),sông Nghĩa Trụ,sông Cầu Bây...Chính các sông này,cũng từ ngàn xưa đã đưa mọi miền đất nước về với Thăng Long- Hà Nội.

 

Lý Công Uẩn nhận xét cố đô Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, đã trải qua hai triều đại (triều Đinh 968-979 và triều Tiền Lê 980-1009) là vùng núi non hiểm trở thích hợp với việc phòng thủ của một chính quyền non trẻ còn phải đối phó với giặc ngoài thù trong : tiến có thể đánh thắng ,thoái có thể phòng ngự.Nhờ vậy, Đinh Tiên Hoàng đã đánh bại các thế lực cát cứ địa  phương, khôi phục và củng cố thống nhất của quốc gia.

 

Triều Tiền Lê đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.Như vậy,trong vòng 41 năm (968-1009), cố đô Hoa Lư xứng đáng với sự lựa chọn của một thủ đô tạm thời của chính quyền non trẻ.Lý Công Uẩn nhận thức rõ rằng đến thời ông trị vì (đầu thế kỷ 11) tình thế nước ta đã khác.Những thành quả của công cuộc bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc gắn liền với sự nghiệp thống nhất quốc gia kể từ họ Khúc đến họ Ngô, Đinh,Tiền Lê đã tạo điều kiện đưa nước ta ,dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên xây dựng đất nước trên quy mô lớn,thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc trên mọi lĩnh vực : chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội.Nhiệm vụ đó được đặt lên vai ông, vị vua sáng lập của triều đình Lý.Vua Lý Thái Tổ quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La.Hơn ai hết, Người thấu hiểu tầm quan trọng của kinh đô gắn liền với vận mạng của đất nước và vương triều.

 

Chỉ mới 5 tháng lên ngôi Hoàng Đế, Lý Công Uẩn ( Lý Thái Tổ) ban chiếu hỏi ý kiến triều đình về việc rời đô.Bài chiếu có đoạn :

“Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất có cái thế rồng cuộn,hổ ngồi,đã đúng ngôi nam bắc tây đông lại tiện thế nhìn sông tựa núi.

 

Đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, cư dân không phải cái nạn tối tăm ẩm thấp,muôn vật cực kỳ giàu thịnh,đông vui.Xem khắp nước Việt đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu, bốn phương xum họp và là đô thành bậc nhất đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”.

 

Chiếu ban ra ,quần thần hoan hỉ và mùa thu  năm ấy (1010) kinh đô được rời ra Đại La.Sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá việc rời đô của Lý Thái Tổ rất tinh tế và chí lý : “ Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống giữ một cõi, sông Phú Hưng như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng trăm họ giàu có, phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng, phía bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc.

 

Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền,miền Cần Xương thì vận chuyển bằng trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương châu về,núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông ,trước  mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền.Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô.Xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”.

 

Mùa thu năm canh tuất (1010), đoàn thuyền ngự của nhà vua từ Hoa Lư về Đại La tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long (Rồng Bay).

                          Lương Sơn

                   (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên)

  • Từ khóa