Thứ 7, 04/01/2025, 16:06[GMT+7]

Di tích lịch sử văn hóa Ðình Quán

Thứ 2, 14/04/2014 | 10:34:59
1,830 lượt xem
Ðình Quán được xây dựng vào thế kỷ XIII, ngự trên đất Ðộng Nhuế Hương, xã Hà Nội (năm 1894 đổi tên là xã Trực Nội), nay là xã Ðông Xuân, huyện Ðông Hưng, thờ An Hạ Ðại Vương (Trần An Hạ - anh ruột Thái sư Trần Thủ Ðộ, con thứ của Hoàng Nghị Ðại Vương Thượng Ðẳng Phúc Thần – Trần Thủ Huy). Ngài làm quan, vị tướng quân cuối vương triều Lý, đầu vương triều Trần.

Trên công trường xây dựng đình Quán. Ảnh: Ngọc Linh

 

Ông cùng Thái sư Trần Thủ Ðộ dựng nghiệp vương triều Trần, nhiều lần trấn thủ Châu Hoan (Nghệ Tĩnh) dẹp giặc Chiêm Thành – Chân Lạp, bảo vệ bờ cõi phía Nam nước Ðại Việt, cùng quân dân Ðại Việt đánh tan quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ nhất, góp phần làm nên hào khí Ðông A thế kỷ XIII.

 

Tưởng nhớ công lao to lớn của ngài, năm Chính hòa Vĩnh Trị triều Lê thế kỷ XIV (Lê sơ), cha con cụ Hương Cống (Cống Sinh) một danh gia vọng tộc đã góp của, huy động nhân dân xây đình làng.

 

Năm Chính hòa Vĩnh Trị thứ 6, Vua Lê ghé thăm, hạ chiếu cho xây to đình, 10 năm xây dựng, đình Quán đã thực sự lộng lẫy, quy mô lớn. Nơi đây, có các nhà yêu nước như: Vũ Tiến Cơ, Vũ Tiến Lữ, Vũ Tiến Củng là cơ sở của cách mạng, ủng hộ, nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của Ðảng hoạt động (1925 – 1945). Ðình Quán là nơi qua lại, trao đổi, hội họp, bàn bạc, đề ra chủ trương, đường lối và quyết sách lãnh đạo phong trào cách mạng của các đồng chí: Trường Chinh Ðặng Xuân Khu, Lê Ðức Thọ, Ðỗ Mười, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Ðồng Sỹ Nguyên, cụ Trần Huy Liệu, Ðặng Việt Châu... Hàng trăm người con của quê hương đã tham gia các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, trong số họ có 251 liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Ðông Xuân được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.

 

Sau cách mạng tháng 8/1945, đình Quán là trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến của xã, nơi tập trung nhân dân đi cướp chính quyền tại huyện Ðông Quan, phủ Thái Ninh, là nơi thành lập chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam. Trực Nội xưa, Ðông Xuân nay là nơi làm việc của Tỉnh ủy, trụ sở Ty Công an, Tỉnh hội Phụ nữ Thái Bình. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đình làng Quán di dời qua lại nhiều lần. Năm 1993 – 1994, đình Quán được phục dựng trên phần đất của bia chiến thắng bên cạnh sân vận động của xã.

 

Năm 2003, đình Quán được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Ðình Quán trở thành nơi gìn giữ và phát huy phong tục truyền thống, tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

 

Hiện nay, đình Quán xuống cấp nghiêm trọng. Nguyện vọng của nhân dân và quý khách thập phương là được trùng tu, phục dựng ngôi đình cho xứng với công lao to lớn của An Hạ Ðại Vương và phu nhân Ðàm Chiêu Trinh, nơi tưởng niệm, bảo lưu truyền thống văn hóa lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương.

 

Ðược sự nhất trí của Ðảng bộ, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh, tháng 7 năm 2013 UBND, Ủy ban MTTQ xã Ðông Xuân cùng với Ban quản lý di tích đình Quán lập “Dự án tu bổ - phục hồi đình Quán” trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Dự án được thực hiện vào quý IV năm 2013 tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Hiện nay đơn vị thi công đang xây dựng các hạng mục công trình của giai đoạn I (gồm Tòa Bái đình, sân trước, Nghi môn, tường dậu phía trước và ngang sân vận động). Do nguồn lực trong làng xã còn hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu, UBND, Ủy ban MTTQ xã, Ban quản lý di tích đình làng Quán rất mong được sự giúp đỡ của các tập thể, cá nhân, con em trong làng xã tại địa phương và đang học tập, công tác, lao động, cư trú trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là hậu duệ nhà Trần, quý khách thập phương phát tâm công đức để công trình sớm được hoàn thiện.

BAN QUẢN LÝ DTLS ĐÌNH QUÁN

XÃ ĐÔNG XUÂN, HUYỆN ĐÔNG HƯNG

  • Từ khóa