Thứ 3, 14/05/2024, 01:39[GMT+7]

Đền Ngọc Quế Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử

Thứ 2, 21/04/2014 | 09:24:29
1,744 lượt xem
Nằm sát chân đê sông Luộc thuộc xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, đền Ngọc Quế là một trong những Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh ghé thăm. Đây không chỉ là công trình lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là nơi ghi dấu những trang lịch sử hào hùng của địa phương, của dân tộc.

Đền Ngọc Quế (xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ).

Theo cuốn “Quỳnh Côi dư địa chí” của tác giả Ngô Vi Liễn viết năm 1982 và cuốn thần tích của ngôi đền thì đền Ngọc Quế là nơi phụng thờ Đỗ Huyến – người có công dẹp giặc ngoại xâm thời Hùng Vương thứ 18, bảo vệ biên cương nước Văn Lang.

Đỗ Huyến vốn quê ở Châu Ái (Nghệ Tĩnh ngày nay). Sinh thời, ông là người văn võ toàn tài được vua Hùng thứ 18 vời vào cung giúp nước chống giặc ngoại xâm. Sau khi đánh đuổi giặc xâm lăng ra ngoài bờ cõi, đất nước thanh bình, dân cư yên ổn, nhân một chuyến đi qua vùng  này thấy thế  đất “long bình hổ phục”, Đỗ Huyến liền về tâu vua được đến khai dân lập ấp, xây dựng đồn doanh. Để tưởng nhớ công ơn sáng lập của ông, dân làng Ngọc Quế đã lập đền thờ và phong ông làm thành hoàng làng.

Thế kỷ thứ 13, quân Nguyên – Mông đem quân sang xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của nhà Trần, quân dân Đại Việt đã 3 lần đứng lên kháng chiến chống lại quân giặc hung bạo giành thắng lợi, giữ vững độc lập dân tộc. Qua sử sách và một số ngọc phả, thần tích thờ Trần Hưng Đạo và một số công thần triều Trần ngày nay ở huyện Quỳnh Phụ, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông ấy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã nhiều lần lãnh đạo quân lính qua sông Luộc,  sông Hóa về căn cứ A Sào (xã An Thái), Lộng Khê (xã An Khê) lấy thêm quân lương từng hành quân qua vùng đất của thôn Ngọc Quế để thực hiện các cuộc rút lui chiến lược rồi quay ra Lục Đầu hiểm trở hay lên vùng Đông Bắc đến Bạch Đằng Giang làm nên những chiến công kỳ tích trong lịch sử dân tộc.

Trong những lần hành quân đó, vua Trần Thái Tông và Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã từng dừng lại tuyển mộ binh lính, lấy thêm lương thực ở vùng này. Sau này, dân làng Ngọc Quế đã thờ phụng 2 ông ở đây nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công với đất nước, giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân địa phương.

Năm 2007, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của con em địa phương đang sinh sống xa quê, sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân thôn Ngọc Quế, đền đã được xây dựng, tu bổ khang trang. Hiện nay, ngôi đền gồm một số hạng mục chính như: cổng tam quan, tòa bái đường, tòa điện thờ và hậu cung, nhà khách trong đó tòa điện thờ và hậu cung còn giữ được nhiều nét kiến trúc tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nội thất của tòa điện có sự chau chuốt trong nghệ thuật chạm gỗ. Toàn bộ đường viền dưới mái của mặt hiên trước chạm hoa văn dây lá cách điệu. Hai vì kèo tại gian giữa các đầu dư đều được chạm đầu rồng tinh xảo.

Ngôi đền còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, đồ tế khí có giá trị thẩm mỹ cao bao gồm: 1 pho tượng thờ Đỗ Huyến; ngai thờ, 4 bức đại tự, 5 đôi câu đối sơn son thếp vàng; 1 bức hoành phi, 1 đôi câu đối khảm trai; 2 bộ kiệu bát cống;  nhiều đồ tế khí bằng đồng như: bát hương, đèn thờ, hạc thờ, chuông... nhất là một cuốn “Thần tích” từ thời nhà Lê.

Hiện nay, cứ vào  ngày 8/8 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Ngọc Quế lại được tổ chức thu hút đông đảo nhân dân trong làng, trong xã và các du khách thập phương đến tham quan, bái yết.

Vũ Hường

  • Từ khóa