Thứ 4, 22/05/2024, 05:44[GMT+7]

Thăm lại dấu xưa

Thứ 2, 05/05/2014 | 08:45:52
2,229 lượt xem
Tháng 3, hoa ban nở trắng rừng. Về với Điện Biên, mảnh đất 60 năm về trước ghi dấu bản anh hùng ca bất diệt của quân và dân ta trước thực dân Pháp xâm lược. Đến với mỗi địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), tôi như trào dâng cảm xúc, thật tự hào về truyền thống cha ông. Mọi sự đổi thay đang hiện diện giữa miền Tây Bắc nhưng còn đó những dấu xưa in đậm một thời máu lửa.

Di tích Hầm Đờ Cát.

Đại ngàn Mường Phăng

Từ thành phố Điện Biên Phủ ngược quốc lộ 279 đến Mường Phăng (huyện Điện Biên) chỉ hơn 30km. Cung đường này có nhiều dốc cao và những khúc cua tay áo rất hiểm trở. Cảnh vật núi rừng Tây Bắc đẹp hơn khi nắng đầu mùa vừa chớm xuất hiện. Con đường từ Nà Nhạn vào xã Mường Phăng ngoằn ngoèo bám núi dưới tán lá rừng xanh mát, hai bên đường đi rực sáng sắc hoa ban. “Rừng Đại tướng”, cái tên trìu mến và tự hào mà người dân Mường Phăng vẫn thường gọi ôm ấp Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

6 thập kỷ đã qua đi nhưng những gì còn lưu lại nơi này như chứng minh cho những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, hy sinh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc của quân và dân ta. Những địa danh như hang Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo), hang Huổi He, bản Nà Tấu (huyện Điện Biên), rừng Nà Nham, bản Nà Lơi, hồ Pá Khoang, hồ Loọng Luông… đã in dấu những bước chân người chiến sĩ Điện Biên ngày ấy làm nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Chiếc xe tăng của Pháp tại đồi A1 bị Trung đoàn 174 của ta tiêu diệt sáng ngày 1/4/1954.

Sở chỉ huy Mường Phăng nằm dưới đại ngàn nguyên sinh. 60 năm qua, “Rừng Đại tướng” được bà con xã Mường Phăng gìn giữ như báu vật trong nhà. Đến với mỗi điểm di tích trong quần thể di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện trầm mịch trong tiếng nhạc rừng, suối reo, chim hót, quá khứ như trở về. Từ điểm dừng chân tại khu quản lý di tích Mường Phăng phải mất gần 2km đi bộ, men theo lối mòn trên sườn núi để vào những điểm tham quan chính. Trên đoạn đường vào nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ chỉ huy chiến dịch, tôi được đắm mình trong không khí mát lạnh của núi rừng, thỏa mắt ngắm những ngôi nhà sàn, những thửa ruộng xanh non màu lúa.

Di tích cấp quốc gia Mường Phăng vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình có giá trị lịch sử như lán ở và làm việc của Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở và làm việc của Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên; ban thông tin, nhà tác chiến; hầm trú ẩn và bếp Hoàng Cầm… tất cả đều được làm từ tre, nứa và cỏ cây từ núi rừng Tây Bắc, gần gũi và quen thuộc với người dân nước Việt anh hùng. Ấy vậy mà trong những năm tháng chiến đấu, những mái nhà tranh, những căn lán đơn sơ ấy đã chở che cho quân ta đập tan chiến lũy, lô cốt vững chắc của kẻ thù.

Ðồi A1

Có lẽ, sức hút kỳ lạ mà Mường Phăng để lại trong lòng mỗi du khách đến nơi đây chính là sự thân thiện, gần gũi và mến khách của bà con các dân tộc. Và hơn thế nữa, Mường Phăng giống như từng trang sử vàng chói lọi mà đi đến đâu du khách cũng được gợi nhớ lại chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuốn sổ lưu niệm du khách ghi lại cảm xúc của mình khi đến thăm Mường Phăng đặt tại Ban quản lý di tích, tôi đọc được những dòng cảm xúc dạt dào, phút bồi hồi xúc động của những cựu chiến binh trở về thăm lại chiến trường xưa, niềm tự hào của lớp thanh niên ngày nay trước truyền thống của cha ông hay những cảm nhận của du khách nước ngoài về con người Việt Nam qua chiến dịch Điện Biên Phủ...

Nhà báo Trần Bá Dung có viết trong cuốn sổ lưu niệm khi đến thăm Mường Phăng ngày 26/10/2013: “Đoàn nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam thăm Khu di tích Mường Phăng, vô cùng biết ơn và cảm phục sự hy sinh anh dũng, sáng tạo của các bậc chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Kính cẩn tưởng nhớ Đại tướng và các vị tướng tài của nhân dân”. Bạn Phạm Văn Hưng đến thăm Mường Phăng ngày 6/4/2013 viết: “Chúng cháu sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Qua sử sách đã đọc và tìm hiểu về lịch sử dân tộc chiến thắng Điện Biên Phủ đọng lại nhiều ấn tượng. Hôm nay mới được về đây thăm lại nơi làm việc của Đại tướng cùng các chiến sĩ năm xưa. Nơi ghi dấu không phai mờ về những khó khăn, gian khổ với kết quả là chiến thắng hào hùng của dân tộc. Qua chuyến đi này, chúng cháu sẽ góp thêm một phần để Tổ quốc ngày thêm giàu đẹp”… và rất nhiều những dòng cảm xúc như thế, tất cả đều lắng đọng.

Lịch sử để lại trên mỗi địa danh

56 ngày đêm chiến đấu, mỗi thước đất, mỗi cái tên của rẻo cao Tây Bắc đã làm nên lịch sử. Đây đồi A1 nhìn xuống con sông Nậm Rốm chia đôi cánh đồng Mường Thanh trù phú. Kia Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập vẫn còn trong câu hát, lời thơ. Những địa danh ấy đã làm nên 56 ngày đêm kiên cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồi A1, vị trí chiến lược, quyết định đến chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm qua vẫn sừng sững trong lòng chảo Điện Biên với chiều cao 32m so với mặt đường 7/5 - thành phố Điện Biên Phủ, diện tích 83km2, cách Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp 500m về phía Tây. Nơi ấy đã có biết bao chiến sĩ Điện Biên anh dũng hy sinh để giành giật từng thước đất với kẻ thù.

Chứng tích xưa vẫn còn đó là minh chứng cho truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, quyết hy sinh xương máu để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Hiện nay trên đồi A1 còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ thống hầm chỉ huy, giao thông hào, lô cốt và hầm trú ẩn của thực dân Pháp, hệ thống hầm hào, hố bộc phá của quân đội ta trong những ngày chiến đấu ác liệt.

Hố bộc phá sau khi phát nổ tối ngày 6/5/1954.

Ngoài những địa danh trên, hầm Đờ Cát cũng là một điểm đến tham quan trong chuỗi hành trình tìm về lịch sử. Sở chỉ huy trung tâm của thực dân Pháp được ví như cánh cổng thép bất khả xâm phạm đã bị quân ta phá toang. Ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thực dân, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

Cánh đồng Mường Thanh trù phú, đón tháng 3 về trên mỗi thửa ruộng xanh mơn man. Phù sa của con sông Nậm Rốm đã làm nên hạt gạo Điện Biên dẻo thơm, nức tiếng. Cánh đồng Mường Thanh xưa phải chịu bao tấn bom đạn của kẻ thù, thấm bao giọt máu chiến sĩ Việt Nam để ngày nay ươm những mùa vàng tốt tươi.

Hầm chỉ huy phía trước của Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102.

Những ngày tháng 5 lịch sử đang về trên mọi miền của Tổ quốc. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay vắng bóng vị Đại tướng trong lòng dân. Đại tướng đã về cùng đồng chí, đồng đội, hòa vào lịch sử muôn đời. Tháng 3, tôi đến Điện Biên như để được gần Người hơn.

Tất Đạt

  • Từ khóa