Thứ 3, 21/05/2024, 16:11[GMT+7]

Vang vọng điệu chèo trên đất Điện Biên

Thứ 3, 06/05/2014 | 22:48:59
1,801 lượt xem
Trên mỗi cung đường đến với Điện Biên xa xôi, chúng tôi được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ. Giữa tháng 3, nắng đã ngập tràn núi rừng Tây Bắc. Sắc trắng hoa ban bung nở trên những sườn núi, dưới thung lũng, cho ta cảm giác như đi giữa mùa xuân. Chuyến công tác của chúng tôi vì thế càng thú vị và hào hứng. Đến với mỗi bản làng người Thái Bình trên mảnh đất Điện Biên kiên trung, được nghe những câu chuyện, những lời tâm tình xa xứ. Và hơn thế, tiếng hát chèo gợi nhớ quê hương sao mượt mà, nặng

Tổng duyệt tiết mục chèo trước ngày khai hội Thành Bản Phủ. Ảnh: Anh Phương

Cánh đồng Mường Thanh rộng dài và tốt tươi màu lúa. Đi trên con đường vào xã Thanh Hưng, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên mới thấy cánh đồng Mường Thanh như thể bờ xôi ruộng mật của đồng lúa Thái Bình. Những ngôi nhà bám theo sườn núi, ấp ôm lấy lòng chảo Mường Thanh trù phú. Những người con Thái Bình lên đây xây dựng vùng kinh tế mới mang theo điệu chèo truyền thống như một món ăn tinh thần giúp họ vượt qua những khó khăn, gian khổ. Điệu chèo đằm thắm, mượt mà cứ vậy sinh sôi, giao hòa với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc nhưng không hề mất đi nét riêng của nghệ thuật chèo Thái Bình.

Nắng tháng 3 đổ đầy trên con đường vào Noong Hẹt, xã có phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi của huyện Điện Biên, nơi có Thành Bản Phủ thờ anh hùng Hoàng Công Chất, người con Thái Bình, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân vào cuối thế kỷ 18.

Trò chuyện với anh Trần Đức Kha, Chủ tịch UBND xã, người con quê hương Tân Lễ (Hưng Hà) theo gia đình lên Điện Biên từ năm 1960, anh cho biết: “Noong Hẹt trước đây nghèo lắm, lúa chỉ trồng được 1 vụ, năng suất thấp. Có nhiều gia đình không chịu được đói, khổ nên rủ nhau về quê. Cả xã có hơn 60% dân số là người Thái Bình, chủ yếu ở huyện Hưng Hà. Noong Hẹt có đội chèo được thành lập từ lâu, nay vẫn duy trì và phát triển bậc nhất huyện Điện Biên”.

Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, khi đền Thành Bản Phủ khai hội là bà con các xã Noong Hẹt, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh An, Pom Lót… của huyện Điện Biên lại nô nức kéo về xem hội, nghe hát chèo. Mặc dù không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng những điệu chèo “cây nhà, lá vườn” vẫn làm mê mẩn lòng người. Anh Trần Thế Sơn, giáo viên Trường THPT Điện Biên chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Thái Bình nhưng lớn lên ở Điện Biên, từ nhỏ đã được nghe các bà, các mẹ ở đây hát chèo. Nghe mà thấy quê hương gần gũi, yêu thương. Ở Noong Hẹt, cụ Dự là người biết hát những làn điệu chèo cổ. Chỉ tiếc bây giờ chúng tôi không còn được nghe cụ hát nữa”.

Hiện nay, huyện Điện Biên đã thành lập được nhiều đội văn nghệ quần chúng, chủ yếu là các đội hát chèo của chị em phụ nữ các bản, làng. Mọi hoạt động cũng như kinh phí đều trên tinh thần tự nguyện. Ban đầu có vài người hát rồi tham gia biểu diễn tại hội diễn văn nghệ thôn xóm, dần dần chị em tham gia nhiều, tự dàn dựng những tiết mục chèo công phu, chất lượng để phục vụ bà con vào các ngày lễ, tết. Cũng chính từ niềm đam mê hát chèo của mỗi cá nhân đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, say sưa với những làn điệu chèo của người dân huyện Điện Biên nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung, từ đó đưa phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh Điện Biên thêm phần phong phú và đa dạng sắc màu văn hóa.

Thành lập được 7 năm, đội văn nghệ xóm 22 xã Noong Hẹt đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong mỗi hội diễn của xã, huyện. Những ngày đầu thành lập, đội chỉ có 7 thành viên, không có nhạc công, hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu tham gia cùng Hội Phụ nữ xã trong các hội nghị do xã tổ chức. Chị Nguyễn Thị Sen, đội trưởng tâm sự: “Quê tôi ở gần bến đò Lưu Gia, thôn Lưu Xá, xã Canh Tân (Hưng Hà) nổi tiếng về chèo. Tôi cũng thích nghe hát chèo từ ngày còn bé. Lớn lên, xa quê, tôi đã vận động chị em trong thôn tham gia văn nghệ, cùng tập luyện những làn điệu chèo cổ, sưu tầm và học hát những điệu chèo mới ca ngợi quê hương, đất nước để phục vụ bà con và giao lưu với xã bạn. Những năm đầu thành lập, chị em rất khó khăn, quần áo, trang phục biểu diễn phải đi thuê. Tuy vậy ai cũng nhiệt tình, càng tham gia càng thấy cuốn hút”.

Nhớ lại lần đầu tiên biểu diễn tại Liên hoan hát chèo huyện Điện Biên lần thứ nhất tại xã Thanh Yên, chị em đội văn nghệ xóm 22 phấn khởi và hăng say tập luyện để chuẩn bị. Tiết mục chèo “Điện Biên quê hương tôi” theo điệu Lới lơ được chị em chuẩn bị công phu, bà con các xã đến tham dự đều khen ngợi. Điều đó càng thôi thúc chị em tham gia đóng góp tâm huyết xây dựng lên “chiếu chèo” Noong Hẹt lớn mạnh như bây giờ.

Từ một đội văn nghệ quần chúng nhỏ, hoạt động theo phong trào đến các câu lạc bộ chèo của huyện Điện Biên phải kể đến công lao của các đồng chí cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, những “cây” văn nghệ không chuyên như chị Sen, chị Miền, chị Loan, chị Hồng… và đội văn nghệ các xã Thanh An, Thanh Hồng, Thanh Chăn, Thanh Hưng… Mỗi người một công việc, người làm nông nghiệp, người buôn bán, người là công chức xã, giáo viên… nhưng họ có một điểm chung đều là những người con quê lúa Thái Bình yêu nghệ thuật chèo.

Chị Hà Bích Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Hưng chia sẻ: “Cũng như nhiều câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của bà con huyện Điện Biên, câu lạc bộ Hoa Ban - bản Noong Pết, xã Thanh Hưng  hoạt động rất hiệu quả. Thông qua những làn điệu chèo, những bài dân ca của các dân tộc, những ca khúc cách mạng hay vở kịch được chính các thành viên câu lạc bộ tự biên kịch và dàn dựng đã góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ của xã Thanh Hưng nói riêng, huyện Điện Biên nói chung. Bên cạnh đó, về mặt tuyên truyền, câu lạc bộ đã tích cực vận động bà con các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, tham gia xây dựng đời sống văn hóa bản làng, đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.

Niềm vui lớn nhất của thành viên câu lạc bộ chèo huyện Điện Biên chính là được đi khắp nơi trong tỉnh Điện Biên để biểu diễn giao lưu, phục vụ nhân dân. Từ niềm đam mê và yêu thích nghệ thuật chèo, câu lạc bộ chèo của huyện Điện Biên ngày càng lớn mạnh với hơn 30 thành viên có dàn nhạc công và đầy đủ trang phục biểu diễn, duy trì hoạt động luyện tập vào chiều chủ nhật hàng tuần.

Năm nay, cả nước hướng về Điện Biên để cùng nhau ôn lại chiến thắng lịch sử cách đây 60 năm. Câu lạc bộ chèo huyện Điện Biên và đội văn nghệ quần chúng của các xã lại bận rộn với những kế hoạch mới phục vụ cho ngày kỷ niệm. Niềm vui càng nhân lên khi những tiết mục, những điệu chèo mượt mà từ quê lúa Thái Bình xa xôi cứ vang vọng mãi trong tâm hồn người Điện Biên.

Thiên Tân

  • Từ khóa