Thứ 4, 22/05/2024, 07:28[GMT+7]

Thăm lại Ðiện Biên

Thứ 4, 07/05/2014 | 08:55:16
1,575 lượt xem
Ðến Ðiện Biên Phủ, những cựu chiến binh, những anh bộ đội của Bác Hồ, từ lúc tuổi còn mười tám, đôi mươi nay người thấp nhất cũng ở độ tuổi 80 và rất nhiều cựu chiến binh đã ở tuổi 85, 90. Chúng tôi được thăm lại chiến trường xưa, thăm cánh đồng lúa trải dài, mượt mà dọc thung lũng Mường Thanh dài 18km rộng trên 7km...

Nghĩa trang liệt sĩ Ðồi A1. Ảnh: Tất Đạt

 

Một buổi sáng mùa xuân đang bước vào tiết Thanh minh, có mưa bụi bay bay, làm sống dậy sức xuân. Bảy chiếc xe du lịch đang sẵn sàng nổ máy, để đón 185 cán bộ, chiến sĩ Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 316, ở hầu hết các tỉnh phía Bắc về tập trung tại Nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội, hành quân lên Ðiện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa.

 

Ðúng 12 giờ trưa đoàn xe lên tới đỉnh dốc Pha Ðin. Trời nắng chang chang như đổ lửa, chúng tôi ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, song thú vị nhất là được ngắm nhìn cảnh hoa ban nở trắng rừng và những ngọn bông lau uốn mình theo chiều gió. Thấp thoáng dưới chân các thung lũng là những ngôi nhà sàn, mái lợp ngói đỏ, khác hẳn với những túp lều lụp sụp trong thời gian kháng chiến. Bên cạnh nương rẫy, các cô gái Thái, Mông, Cống, La Hủ, với những bộ quần áo đủ  màu sắc rực rỡ, đang mải miết lao động.

 

Nhìn phong cảnh dốc Pha Ðin hôm nay bỗng gợi nhớ trong tôi những tháng năm hành quân lên chiến trường, con đường này hiểm trở, gập ghềnh với hàng trăm khúc cua, lỡ xảy chân là có thể bị rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Ấy vậy mà con đường này giờ đây đã được rải đá, láng nhựa với những cọc tiêu và hàng rào che chắn, bảo đảm cho các phương tiện giao thông qua đây được an toàn. Ðây là sự đổi thay đến kỳ diệu.

 

Sau khi đoàn xe xuống chân dốc Pha Ðin, đến đoạn Pá Khoang, chúng tôi rẽ vào Mường Phăng chừng 18km để thăm căn hầm Chỉ huy sở của Ðại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Khu Chỉ huy sở nằm cạnh rừng nguyên sinh và hồ nước xinh đẹp Pá Khoang. Phong cảnh núi non kỳ vĩ, đứng trên đỉnh núi Mường Phăng, ta có thể quan sát được toàn cảnh chiến trường Ðiện Biên Phủ. Trước cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động, tưởng  nhớ tới một vị tướng tài ba thao lược đã vĩnh viễn đi xa trong niềm thương tiếc khôn cùng!

 

Rời Mường Phăng đoàn chúng tôi tiếp tục tiến vào thành phố Ðiện Biên, tới bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ðiện Biên. Vừa đặt chân tới nhà khách, đoàn chúng tôi được đích thân Ðại tá, Chỉ huy trưởng tiếp đón. Sau đó chúng tôi về nghỉ tại bản doanh của Trung đoàn 82 thành phố Ðiện Biên Phủ.

 

Mặc dầu qua ba ngày vượt bao đèo cao, dốc núi, chúng tôi ai nấy đều đã thấm mệt, song tất cả chỉ mong sao trời chóng sáng để đi thăm các di tích lịch sử.

 

Theo lịch trình đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 24/3/2014, 185 cựu chiến binh Sư đoàn 316 đến Nghĩa trang liệt sĩ Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi vào dâng hương và đặt vòng hoa trước tượng đài nghĩa trang liệt sĩ. Khi đoàn tiến vào khu tượng đài, chúng tôi vô cùng xúc động được nghe 3 hồi chuông ngân vang sâu thẳm. Đây là hồi chuông rước hồn các liệt sĩ về tập trung trước tượng đài để tiếp nhận tấm lòng thành kính, thân thương của những người đồng đội đã từng quyết tâm gắn bó máu thịt trên quả đồi A1 và 49 cứ điểm khác trong lòng chảo Ðiên Biên Phủ đầy máu lửa này.

 

Sau lễ dâng hương, đồng chí Hoàng Thiếu Sơn, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 316, bà Thục Chi, bà quả phụ của Thượng tướng Nguyễn Hữu An, nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 174, người chỉ huy trận quyết chiến trên đồi A1. Trung đoàn trưởng, Thượng tướng đã vĩnh viễn đi xa, bà Thục Chi đã thay chồng cùng đi với đoàn. Chúng tôi xúc động nhìn người chị cả Thục Chi mà cảm nhận như được thấy vị Trung đoàn trưởng dũng mãnh, tài trí vẹn toàn đang chỉ huy chúng tôi từ lô cốt gốc cây đa cụt, tấn công lên đồi A1.

 

Cũng tại đây chúng tôi được xem lại các đoạn chiến hào mà chúng tôi đã đào cách đây 60 năm. Ðặc biệt chúng tôi còn được thăm lại dấu tích nơi đặt khối thuốc nổ 990kg để tiêu diệt cứ điểm đồi A1, nơi cửa ngõ đánh vào khu trung tâm Mường Thanh và khu Chỉ huy sở của tướng Ðờ Cát. Chúng tôi còn được sờ tận tay những khẩu pháo hạng nặng, những cỗ xe tăng của giặc Pháp vẫn còn nằm chỏng quèo trên mặt đất...

 

Tỉnh Ðiện Biên có diện tích 9.000m2 dân số 44.523 người, trong đó có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, với hai đường biên giới, trong đó có 38,5km tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và 360km giáp với nước bạn Lào anh em. Năm 1432 sau khi Vua Lê Thái Tổ diệt xong quân phản loạn, nhà vua đã ghi bài thơ trên tấm bia đá đặt tại tỉnh Lai Châu, đại ý nói: “Lai Châu - Ðiện Biên Phủ là một tấm phên dậu vững chắc, không có kẻ phản loạn nào là không bị tiêu diệt...”.

 

Tại ngôi đền Bản Phủ thờ Tướng quân Hoàng Công Chất, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm 1754 ông đã đến Ðiện Biên để hợp quân cùng tướng Ngải, tướng Khanh người dân tộc Thái, cùng các dân tộc anh em đánh đuổi giặc ngoại xâm tại Mường Thanh. Cây đa cổ thụ cùng với cây bồ đề và cây si quyện thành một gốc, với chục người ôm không xuể, đây là một chứng tích keo sơn của mối tình giữa người Kinh với các dân tộc anh em đã kết thành một khối, không gì có thể chia cắt nổi.

 

Ðến Ðiện Biên Phủ, những cựu chiến binh, những anh bộ đội của Bác Hồ, từ lúc tuổi còn mười tám, đôi mươi nay người thấp nhất cũng ở độ tuổi 80 và rất nhiều cựu chiến binh đã ở tuổi 85, 90. Chúng tôi được thăm lại chiến trường xưa, thăm cánh đồng lúa trải dài, mượt mà dọc thung lũng Mường Thanh dài 18km rộng trên 7km. Ðến thăm Ðiện Biên Phủ, một vùng đất tươi đẹp có phong cảnh núi rừng hùng vĩ, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh  đẹp của rừng nguyên sinh Mường Nhé, Mường Toong, Hồ nước Pá Khoang, động Tiên Sơn, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, suối nước nóng Vàng Pó, nước khoáng nóng Hua Pe, U Va...

 

Trên nửa thế kỷ đã trôi qua, thành phố Ðiện Biên Phủ đã được trung ương hết sức quan tâm, được Ðảng, chính quyền địa phương và các dân tộc anh em dệt nên một bức thổ cẩm giàu màu sắc của sự ấm no, trù phú, với thế mạnh của các ngành: nông lâm, công nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái đã đóng góp ngày càng tăng cho GDP của tỉnh từ 8,3% năm 2001 lên gần 10% trong năm 2013.

 

Ðến Ðiện Biên Phủ chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những điệu múa xòe, điệu múa sạp của các cô gái Thái, những điệu múa ô của các cô gái Mông duyên dáng, được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực của Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Uyên, Tứ Tốc; được hiểu biết những phong tục tập quán phong phú, đa dạng giàu bản sắc văn hóa của 21 dân tộc anh em.

 

Trở lại Ðiện Biên Phủ, các cựu chiến binh Sư đoàn 316 chúng tôi đã ngược dòng thời gian để tìm lại trong quá khứ đầy oanh liệt. Chia tay với Ðiện Biên Phủ chúng tôi lại về với cuộc sống đời thường, trong cuộc gặp gỡ trùng phùng sau 60 năm xa cách.

Nguyễn Ngọc Thường

(Thụy Văn, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa