Thứ 4, 22/05/2024, 00:23[GMT+7]

Dấu ấn Ðiện Biên Phủ Trong lòng cựu chiến binh Tiền Hải

Thứ 5, 29/05/2014 | 09:21:48
1,250 lượt xem
Theo chân các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tiền Hải, chúng tôi đến thăm một số CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những câu chuyện xoay quanh về sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã cách đây tròn 60 năm vẫn rất sinh động trong lòng các nhân chứng lịch sử.

Dấu tích khối thuốc nổ 960kg của Quân đội Việt Nam đánh vào đồi A1.

 

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại tá Nguyễn Tằng, nguyên Chính trị viên phó Đại đoàn 304 bộ binh, đóng quân ở Sơn Tây (Hà Tây). Hiện ông đang sống tại xã Tây Giang. Ở tuổi 87 - tuổi xưa nay hiếm, với 65 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn đọc báo, xem phim, nghe đài cập nhật tin tức mới nhất về các sự kiện chính trị diễn ra trong nước, trong tỉnh và địa phương.

 

Mặc dù không hẹn trước, cũng không có cuốn sổ ghi chép về các sự kiện đã đi qua trong các cuộc chiến mà ông đã từng tham gia, nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm quân ngũ, cũng như Chiến dịch Điện Biên Phủ thì ông kể cho chúng tôi từng sự kiện, từng mốc thời gian với nhiều việc làm cụ thể như là cuộc chiến ấy mới diễn ra ngày hôm qua.

 

Sinh năm 1927, tại xã Nam Hà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lên 6 tuổi theo gia đình lên Sơn Tây (Hà Tây) để mưu sinh. Cha mất năm 1940, ông phải đi ở làm phụ việc cho một chủ tiệm sửa chữa xe đạp. Lúc đó chị gái ông là bà Nguyễn Thị Gái làm liên lạc cho Việt Minh (hiện bà Gái, 95 tuổi là lão thành cách mạng, đang sống tại xã Nam Cường). Chính vì thế ông đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm, ngay từ khi 13, 14 tuổi ông đã theo chị làm liên lạc. Tháng 8/1945, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ liên lạc Tiểu đoàn phó liên khu 2 tại Sơn Tây (Hà Tây). Do bị thương, đầu năm 1947 ông xuất ngũ về địa phương và làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Tiền Hải, được kết nạp Đảng tại quê hương.

 

Đầu năm 1950 ông tái ngũ, làm Thư ký chính trị Trung đoàn 66, Đại đoàn 304. Trong trận chiến Điện Biên Phủ đơn vị ông làm nhiệm vụ chặn đường tiến quân của Pháp từ Lào vào Việt Namon>. Do biết tiếng Pháp nên ngay sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ông là một trong 4 người được chọn làm nhiệm vụ hỏi cung và áp giải tù binh về Thanh Hóa.

 

Các cựu chiến binh ngày gặp mặt.

 

Qua khai thác tù binh địch, ông và các đồng chí nắm được nhiều thông tin cung cấp cho cán bộ lãnh đạo chỉ huy chiến dịch. Ông còn nhớ rõ ngày 14/3/1954, chiếc máy bay E119 thả xuống Điện Biên Phủ một chiếc dù, gồm một chiếc hòm, trong đó có thư của vợ Đờ Cát, cùng với quyết định tăng quân hàm đại tá lên thiếu tướng của Đờ Cát đã tạt vào phía quân ta. Bộ tư lệnh đã điện Đờ Cát ra lấy nhưng Đờ Cát không dám ra. Sau đó, tên Trung úy La-lăng của Pháp phải thức suốt một đêm để gò vỏ lon bia thành quân hàm thiếu tướng cho Đờ Cát. Đó là những sự kiện mà ông Nguyễn Tằng cho là “có một không hai”.

 

Những kỷ niệm ông Nguyễn Tằng nhớ mãi, đó là những lần được gặp Bác Hồ. Ông kể: “Vào năm 1951, Đại đoàn nhận vũ khí ở biên giới về đến Tuyên Quang đang nghỉ trong rừng nghe tin có cán bộ lãnh đạo đến thăm Đại đoàn. Ông cùng với 10 đồng chí trong tiểu đội có nhiệm vụ đi đón. Lúc đó, không ai biết đó là Bác Hồ. Khi nhìn thấy Bác, tất cả mọi người hò reo, xúm lại bên con ngựa Bác đang cưỡi.

 

Nói chuyện với các chiến sĩ Bác hỏi: “Trong chiến dịch này các chú định tiêu diệt bao nhiêu tên địch”. Mọi người trả lời: “Chúng cháu tiêu diệt một trung đoàn địch”. Bác cười và bảo: “Đừng có tếu. Cố tiêu diệt một tiểu đoàn thôi”. Khi đưa Bác về nghỉ ngơi tại doanh trại, thấy lán được dựng lên từ màn, chăn, đồ của bộ đội vừa được cấp, Bác nói ngay: Không được làm lán từ quân trang của bộ đội, các chú phải lấy lá cọ làm...

 

Sau ngày nghỉ hưu, năm 1990 ông Nguyễn Tằng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Tây Giang và đến năm 2004 ông nghỉ hưu. 44 năm trong quân đội, ông đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì… Ông cũng đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh nhiều kỷ vật quý như: gậy chỉ huy, bình tông, bót thuốc lá, võng…

 

Các cựu chiến binh tham quan triển lãm.

 

Hiện nay, mỗi tháng ông Nguyễn Tằng vẫn dành 150.000 đồng để đặt báo Quân đội nhân dân, Nhân dân, Sức khỏe và đời sống để đọc. Cuộc sống của ông cũng khá an nhàn, vui vẻ. Tất cả các con cháu đều thành đạt.

 

Chúng tôi thực sự xúc động, khi nghe những kỷ niệm thời vệ quốc quân của Đại úy Tô Tùng Dương, ông sinh năm 1931 tại Tây Giang. Năm 1951 ông nhập ngũ tại Tiểu đoàn 648, Đại đội 87, đóng quân ở Lào Cai. Sau khi được cấp trên cử sang Trung Quốc huấn luyện, năm 1954 ông về nước và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoàn cảnh chiến tranh vô cùng gay go, quyết liệt, đời sống anh em phụ thuộc hoàn toàn vào dân bản. Ông không thể quên được những nắm cơm, củ sắn mà bà con tiếp tế. Người dân bản rất quý và thương bộ đội. Ông vẫn thường kể với những người con của mình về tình quân dân cá nước, những tháng năm “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, sự đùm bọc nhường cơm, sẻ áo của đồng bào Điện Biên dành cho bộ đội với tấm lòng bùi ngùi, xúc động.

 

Còn với Trung tá Tô Văn Tuyên, nhập ngũ ở tuổi 17, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ông mới 19 tuổi là xạ thủ pháo cối. Ông cho biết: “Lúc bấy giờ đi là đánh, thầm lặng mà chiến đấu. Mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng chúng tôi rất kiên cường. Không dép, không giầy, tôi chỉ có mảnh nilon mỏng như cánh gián trải ra nằm và khi mưa thì làm áo, ướt át suốt ngày. Mừng nhất là lương thực được tiếp tế thường xuyên, đều là chiến lợi phẩm thu được của Pháp. Khi nghe tin quân Pháp đầu hàng, tất cả mọi người ai cũng phấn khởi, hò reo. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bộ đội ta trùng trùng điệp điệp vác súng trên vai vừa đi vừa hát “Giải phóng Điện Biên…”.

 

Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ. Người lính già đi qua hai cuộc chiến, nay về nghỉ hưu tại quê hương yên bình cùng người vợ hiền thục, đảm đang, các con đều đã trưởng thành. Cuộc sống làng quê đổi mới hàng ngày, ông nói với chúng tôi chẳng còn mong gì hơn thế nữa.

 

Những cựu binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ở quê hương Tiền Hải đến nay chỉ còn 108 người còn sống. 60 năm đã trôi qua, những kỷ niệm về “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm - mưa dầm cơm vắt” vẫn còn nguyên trong ký ức của họ. Dấu ấn Điện Biên Phủ vẫn còn khác ghi trong lòng những CCB Tiền Hải.

Trần Hiền

(Đài Truyền thanh Tiền Hải)

 

 

  • Từ khóa