Thứ 5, 08/08/2024, 08:21[GMT+7]

Tôn tạo giếng làng ở Nam Hưng

Thứ 2, 09/06/2014 | 09:17:01
7,654 lượt xem
Trong khi ở rất nhiều làng quê trên địa bàn tỉnh, giếng làng bị san lấp xây nhà hay đang bị biến thành những vũng nước tù đọng, chứa rác thải thì trên mảnh đất Nam Hưng, người dân đã không lãng quên một hình ảnh đặc trưng của nông thôn Việt Nam.

Giếng làng Quài (thôn Nam Hưng, xã Thái Sơn, Thái Thụy).

Trong chuyến đi cùng đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh xuống thôn Nam Hưng (xã Thái Sơn, Thái Thụy) chiếu phim phục vụ người dân nhân Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng ịch sử Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước hình ảnh một chiếc giếng làng tròn trịa, sạch sẽ mới được xây dựng, nằm ngay cạnh nhà văn hóa thôn.

Theo sự chỉ dẫn của nhân dân trong thôn, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ðình Văn, Bí thư chi bộ thôn Nam Hưng Ðông được ông cho biết: Thôn Nam Hưng còn có tên gọi là làng Quài. Khoảng năm 1994, thôn được chia tách thành thôn Nam Hưng Ðông và thôn Nam Hưng Tây. Mặc dù hai thôn đã được phân định ranh giới rạch ròi nhưng vẫn có tài sản chung đó là chiếc “giếng làng Quài”(nằm trên địa phận thôn Nam Hưng Ðông).

Người dân trong làng không ai biết chính xác giếng có từ bao giờ nhưng theo các bậc cao tuổi trong thôn, giếng làng đã có cách đây hơn 200 năm, nước giếng rất trong, ngọt và nhất là không bao giờ cạn nước. Khi các hộ gia đình trong làng chưa có giếng khoan, bể nước mưa to, ngày ngày, nhân dân vẫn thường ra giếng gánh nước về phục vụ cuộc sống sinh hoạt; không ít đôi trai gái trong làng đã nên vợ nên chồng từ những câu chuyện tâm tình bên cạnh giếng.

Ông Văn kể: Khi tôi còn là một đứa trẻ, mỗi ngày thường ra giếng xách giúp mẹ 2 ấm nước. Lúc đó thành giếng là đất. Ðến khoảng năm 1986, thành giếng   mới được xây gạch xung quanh. Vì nước giếng là nguồn nước phục vụ cho việc nấu nướng, tắm giặt của người dân trong làng nên nhân dân rất có ý thức bảo vệ, giữ gìn giếng nước luôn trong lành.

Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, các hộ gia đình trong làng đều sử dụng giếng khoan, người dân không ra giếng gánh nước nữa nên nhiều người  “tiện tay” vứt đủ mọi loại rác xuống giếng nhất là túi nilon làm cho nguồn nước giếng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan trong thôn. Các cụ cao tuổi - những người gần cả cuộc đời ăn nước giếng làng chứng kiến cảnh giếng làng xưa và nay không tránh được cảm giác “rầu lòng”.

Ðầu năm 2014, qua nhiều lần “thăm dò dư luận” nhân dân, với suy nghĩ tôn tạo giếng làng sẽ lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp, bồi đắp tình yêu quê hương trong thế hệ trẻ, cấp ủy 2 thôn Nam Hưng Ðông và Nam Hưng Tây đã tổ chức họp bàn thống nhất việc tổ chức nhân dân tôn tạo giếng làng. Các cuộc họp chi bộ, họp nhân dân  nhanh chóng được cấp ủy 2 thôn tổ chức ngay sau đó; hầu hết đảng viên, nhân dân đều nhất trí cao với việc mỗi hộ gia đình đóng góp 50.000 đồng kinh phí tôn tạo giếng.

Ông Phạm Ðình Văn cho biết thêm: Sau khi nhận được sự đồng thuận từ người dân thôn Nam Hưng Ðông và Nam Hưng Tây, Ban tôn tạo giếng làng Quài đã tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của việc xây dựng lại giếng làng trên hệ thống loa truyền thanh của 2 thôn và giao cho tổ tự quản của các thôn thu kinh phí tôn tạo giếng. 100% nhân dân đều đóng góp đầy đủ. Thôn Nam Hưng Ðông thu được 17 triệu đồng, thôn Nam Hưng Tây thu được 11 triệu đồng. Với tổng số tiền 28 triệu đồng do nhân dân đóng góp, trung tuần tháng 3, giếng làng bắt đầu được khởi công xây dựng.

Nhớ lại những ngày tôn tạo lại giếng thật đông vui, náo nhiệt, đông đảo nhân dân nhất là các bậc cao tuổi thường xuyên có mặt, động viên, góp sức xây dựng. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, việc tôn tạo giếng đã hoàn thành. Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5, Ban tôn tạo giếng làng Quài đã tổ chức khánh thành giếng làng, công bố kinh phí tôn tạo và nội quy bảo vệ giếng trong niềm phấn khởi của nhân dân trong thôn. Một số con em xa quê, biết tin làng tôn tạo lại giếng đã gửi tiền về ủng hộ việc bảo tồn và tu bổ giếng trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với cây đa, sân đình, giếng nước là yếu tố quan trọng cấu thành nên hồn cốt của mỗi làng quê Việt xưa. Việc cán bộ, nhân dân thôn Nam Hưng đoàn kết toàn dân, tôn tạo thành công giếng làng thực sự là việc làm thiết thực giữ gìn “văn hóa làng” trong thời hội nhập, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Phạm viết thịnh - 7 năm trước

2004 tách 2 thôn ra làm đông tây nhé, quê hương tôi đó

Huy thịnh - 7 năm trước

Mái đỏ là nhà mình. Ôi tuổi thơ.

Nguyễn Mạnh - 7 năm trước

Bài báo hay và ý nghĩa. Cảm ơn tác giả đã gợi nhớ lại ký ức tuổi thơ tôi.

Tải thêm