Chủ nhật, 04/08/2024, 09:15[GMT+7]

Hưng Hà Phát huy lợi thế du lịch

Thứ 2, 07/07/2014 | 08:42:08
1,473 lượt xem
Tiềm năng du lịch ở Hưng Hà thể hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch nghề và làng nghề, du lịch sinh thái. Nhờ có sự phong phú này, nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch về Hưng Hà ngày một tăng.

Lễ hội đền Trần (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh

 

Nằm về phía Tây Bắc của tỉnh với quốc lộ 39A chạy qua, Hưng Hà từ lâu nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sinh ra bao danh nhân, danh tướng làm rạng rỡ, vẻ vang dân tộc. Trong phát triển kinh tế, Hưng Hà được biết đến với nhiều làng nghề: dệt chiếu làng Hới (Tân Lễ), dệt vải làng Mẹo (Thái Phương)… Không những thế, thiên nhiên còn ưu đãi mảnh đất này nhiều tài nguyên thiên nhiên quý hiếm: than nâu, nước khoáng Duyên Hải… Xác định được những lợi thế ấy, từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Hưng Hà đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương.

 

Lợi thế sẵn có

 

Tiềm năng du lịch ở Hưng Hà thể hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch nghề và làng nghề, du lịch sinh thái. Nhờ có sự phong phú này, nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch về Hưng Hà ngày một tăng.

 

Hưng Hà, vùng đất cổ mang nhiều dấu tích về sự tồn tại, phát triển của các triều đại phong kiến Việt Namon>. Nơi đây gắn với nhiều tên tuổi làm rạng danh lịch sử nước nhà: Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục, xã Hồng Minh là nơi xây dựng căn cứ và lập nghiệp của Lý Nam Ðế, Triệu Quang Phục. Hưng Hà cũng chính là nơi nhà Trần khởi nghiệp và lựa chọn Thái Ðường – Long Hưng, nay thuộc xã Tiến Ðức làm tôn miếu để xây dựng lăng tẩm, an táng các vị vua và hoàng hậu. Hưng Hà còn là quê hương của hai trạng nguyên: Lê Quý Ðôn, Phạm Ðôn Lễ cùng nhiều tên tuổi rạng danh khác: Tiến sĩ Lê Phú Thứ, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm… Toàn huyện còn bảo tồn, lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử văn hóa có giá trị, hàng chục di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Nổi bật là các cụm đền Cổ Trai, đình Thọ Phú (xã Hồng Minh), cụm di tích nhà Trần: lăng, mộ, đền thờ tại xã Tiến Ðức, cụm di tích lịch sử gồm 8 điểm thờ Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục tại 2 xã Tân Tiến và Ðoan Hùng… Lồng ghép trong mỗi lễ hội, Hưng Hà còn duy trì được nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: kéo lửa nấu cơm cần, tục thi cỗ cá, thi pháo đất, vật, đi cầu kiều… Ðặc biệt, đầu năm 2014, Lễ hội đền Trần được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ là điều kiện thuận lợi để địa phương làm tốt hơn nữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu mảnh đất, quê hương Hưng Hà nói chung đến với du khách thập phương, quốc tế.

 

Lễ rước kiệu ở đền Tiên La (Hưng Hà). Ảnh: Minh Đức

 

Không chỉ phong phú với du lịch văn hóa tâm linh, trong du lịch nghề, làng nghề, Hưng Hà cũng có nhiều tiềm năng. Là huyện có nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ khá lâu đời với các ngành nghề nổi tiếng: dệt chiếu, dệt khăn, mộc… Hưng Hà được biết đến với nhiều thương hiệu: dệt Phương La, chiếu Hới, hàng mộc Vế - Riệc, bánh đa làng Me... Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, các làng nghề còn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

 

Phát huy sức mạnh toàn dân

 

Tiềm năng sẵn có, lợi thế cũng nhiều tuy nhiên, để phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói” ở Hưng Hà không phải việc làm một sớm một chiều. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... là điều kiện cần có để phát triển du lịch. Vì vậy, bên cạnh xây dựng con người mới văn minh, giàu truyền thống, Hưng Hà cũng chú trọng  xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu du khách. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa rõ ràng, nhất là trong du lịch nghề, làng nghề vẫn còn nặng về hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu ra cho sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống của Hưng Hà gặp nhiều bất lợi. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức, khi hầu hết cơ sở hạ tầng của các làng nghề còn yếu, thiếu, chưa đáp ứng tốt cho kinh doanh du lịch. Cùng với đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch làng nghề chưa được quan tâm…

 

Trong lộ trình xây dựng NTM, Hưng Hà đã xác định, du lịch là một lợi thế. Ðể làm được điều này, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”,  trong những năm qua, phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc chung tay xây dựng NTM, Hưng Hà đã tạo ra được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ việc phát huy vai trò và ý thức gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa tại các xã, đến việc mỗi người dân và khu dân cư không ngừng quảng bá, phát huy tiềm năng du lịch vốn có ở địa phương mình với du khách thập phương. Cũng từ đó, trong mỗi dịp lễ hội, những nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tưởng như bị lãng quên nay đã được đông đảo người dân phục hồi và đưa vào lễ hội. Ở mỗi điểm du lịch, các tệ nạn như ăn xin, cờ bạc, cướp bóc, chèo kéo du khách dần được đẩy lùi. Ðiều đó làm cho mỗi địa điểm du lịch ở Hưng Hà thực sự là nơi lý tưởng cho du khách, góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương với lượng khách tham quan đến với Hưng Hà mỗi năm tăng từ 15 - 20%.

 

Hưng Hà hôm nay đang “thay da đổi thịt”, vươn mình trong phong trào xây dựng NTM. Cùng với nhiều chương trình, chính sách, phát triển du lịch sẽ là một trong những định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, là thế mạnh của địa phương trong lộ trình xây dựng Hưng Hà trở thành huyện NTM.

Lưu Ngần

 

 

  • Từ khóa