Chủ nhật, 04/08/2024, 03:27[GMT+7]

Chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa

Thứ 6, 01/08/2014 | 08:18:47
7,767 lượt xem
Ngày 9-6-2014, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” - văn kiện quan trọng, định hướng chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tư tưởng chủ đạo về xây dựng nền văn hóa Việt Nam là phát huy nhân tố con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Ngọc Linh

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa; kế thừa và phát huy giá trị các văn kiện của Đảng ta về văn hóa từ khi thành lập Đảng đến nay, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp cần tập trung thực hiện.

Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết số 33-NQ/TW trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong xây dựng văn hóa, lấy xây dựng, phát triển con người làm trọng tâm; thực hiện tốt việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Kế thừa, bổ sung và phát triển 3 quan điểm từ Đề cương Văn hóa 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa là:

- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

-  Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Nghị quyết số 33-NQ/TW đã bổ sung thêm 2 quan điểm mới để làm rõ nét hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện là:

- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

- Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Để thực hiện tư tưởng chủ đạo về xây dựng nền văn hóa Việt Nam là phát huy nhân tố con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, Nghị quyết đã đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí hàng đầu trong nhóm các nhiệm vụ, mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng giá trị cao đẹp, nhân văn; đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời với đó là các nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cũng được đặc biệt chú trọng và các giải pháp về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết thể hiện rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong sự phát triển của đất nước, có mối quan hệ mật thiết với nhau, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, thường xuyên, liên tục và lâu dài ở tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, trong suốt thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phòng Văn hóa Văn nghệ
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

  • Từ khóa