Thứ 3, 23/07/2024, 02:40[GMT+7]

Ðiểm đến hấp dẫn, bổ ích của thiếu nhi

Thứ 3, 12/08/2014 | 08:50:06
1,353 lượt xem
Trên địa bàn thành phố Thái Bình xuất hiện ngày càng nhiều loại hình, địa điểm vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng nhưng Phòng đọc Thiếu nhi của Thư viện tỉnh vẫn là một địa chỉ thu hút lứa tuổi học trò, nơi nuôi dưỡng thói quen đọc sách, tạo nền tảng hình thành văn hóa đọc cho các em.

Thư viện tỉnh - điểm đến hấp dẫn, bổ ích của các em thiếu nhi.

 

Bước vào Thư viện tỉnh, dễ dàng thấy ngay Phòng đọc Thiếu nhi được bố trí ở vị trí rất thuận lợi. Ðể đáp ứng nhu cầu của các độc giả nhí từ 3 - 4 năm nay, Thư viện tỉnh đã quan tâm, dành cho các em không gian riêng, mở cửa 6 ngày/tuần, từ năm 2014 phục vụ cả ngày chủ nhật với 19.500 đầu sách các thể loại từ truyện tranh, cổ tích, sách văn học, sách tham khảo, sách khoa học thường thức… của các tác giả trong và ngoài nước, tất nhiên là không thể thiếu các tờ báo '"ruột" của "tuổi ô mai", "mực tím" như: Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Toán tuổi thơ, Văn học và tuổi trẻ...

 

Phòng đọc Thiếu nhi đang thu hút số lượng bạn đọc đông nhất Thư viện tỉnh, trung bình mỗi ngày đón khoảng 150 - 200 lượt, trong những ngày hè lên tới trên 200 lượt. Phòng đọc có trên 800 thẻ trong tổng số 1.800 thẻ của cả thư viện. Chị Vũ Thị Quỳnh Trang, cán bộ Phòng đọc Thiếu nhi giới thiệu với chúng tôi hai bạn đọc thân thiết là hai anh em sinh đôi Trần Tuấn Anh, Trần Việt Anh, học sinh lớp 6 Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình). Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng em được bố đưa đến đây từ hè năm lớp 3, từ đó chúng em thường xuyên đến đọc. Nhất là mỗi kỳ nghỉ hè, ngày nào chúng em cũng đến vì ở đây có rất nhiều loại sách, truyện chúng em yêu thích, như Ðôrêmon, Thần đồng đất Việt, các cuốn sách về danh nhân thế giới…”.

 

Bạn Nguyễn Trường Thi, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Ðôn đã gắn bó với Phòng đọc Thiếu nhi từ ngày khai trương, tâm sự: “Ðiều em thích nhất là ngoài các loại truyện tranh, truyện trinh thám… để đọc giải trí, còn có sách tham khảo để phục vụ học tập, mượn đọc xong đem trả không phải mua giúp tiết kiệm tiền, rất tiện lợi”. Chị Vũ Thị Quỳnh Trang cho biết thêm: “Nhiều phụ huynh đều đặn đưa con đến, coi đây là nơi gửi gắm con cái, nhất là trong những ngày hè, họ rất yên tâm vì con có chỗ giải trí an toàn, lành mạnh, bổ ích, tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hiểm. Chúng tôi cũng xác định được ý nghĩa công việc của mình, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các em đến đây đều hài lòng”.

 

Phòng đọc Thiếu nhi luôn được lãnh đạo Thư viện tỉnh ưu tiên kinh phí để bổ sung, lựa chọn đầu sách theo tiêu chí phù hợp với lứa tuổi, thời gian học tập của bạn đọc. Những năm 2008 - 2010, mỗi năm Thư viện đầu tư 50 - 60 triệu để bổ sung khoảng 4.000 bản, có năm lên đến 6.000 bản. Năm nay, mặc dù kinh phí cắt giảm nhưng Phòng đọc Thiếu nhi vẫn được cấp 1/3 tổng số kinh phí của cả Thư viện tỉnh. Ðồng thời Thư viện còn quan tâm đến chất lượng phục vụ bạn đọc.

 

Ngoài 3 thủ thư phục vụ thường xuyên, trong dịp hè, nhu cầu của bạn đọc tăng cao, Thư viện tỉnh đã tăng cường thêm một thủ thư đến làm việc. Chị Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng Công tác phục vụ bạn đọc chia sẻ: “Thư viện đã giảm chi tiêu để hỗ trợ cán bộ Phòng đọc Thiếu nhi 80.000 đồng/người/ngày khi mở cửa ngày chủ nhật. Vào năm học, thời gian phục vụ của phòng cũng kéo dài hơn các phòng khác, chúng tôi mở cửa sớm trước giờ vào học, đóng muộn sau giờ tan học để thuận tiện cho các em đến mượn, trả sách". Ðể khuyến khích phong trào đọc trong thiếu niên, nhi đồng, hàng năm, Thư viện chỉ đạo và phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách” ở cấp từ trường, huyện, thành phố đến cấp tỉnh, tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, khơi dậy phong trào đọc sách và hình thành văn hóa đọc của giáo viên và học sinh các cấp.

 

Ðiều băn khoăn hiện nay của những người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi đó là tuy điều kiện ánh sáng và quạt tương đối đầy đủ, nhưng phòng đọc chỉ có 70 chỗ ngồi, không đủ đáp ứng số lượt bạn đọc nên các em chỉ có thể mượn sách về hoặc cán bộ phải linh hoạt hướng dẫn các em ngồi nhờ các phòng đọc bên cạnh.  Ước mong về phòng đọc sách khang trang, rộng rãi, đủ tiêu chuẩn dành cho các em với đúng nghĩa sân chơi văn hóa bổ ích, lý thú, hỗ trợ đắc lực việc học tập, góp phần tích cực hình thành nhân cách và văn hóa đọc cho các em cần được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ.

Mai Hiền

 

 

  • Từ khóa