Thứ 7, 23/11/2024, 12:04[GMT+7]

Tọa đàm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Thứ 5, 21/10/2010 | 14:45:34
2,374 lượt xem
Tại Hà Nội, Ban Tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam". Đông đảo nhà quản lý, nhà sản xuất và phát hành phim trong và ngoài nước đã tham dự tọa đàm

Điện ảnh Việt Nam đã và đang bước ra thế giới. Ảnh minh họa

Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Công nghiệp điện ảnh trên thế giới đã có từ những năm đầu của thế kỷ trước, nhưng ở Việt Nam đây vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ.

Tuy nhiên nhìn vào thực tế việc sản xuất và phổ biến phim trên thế giới và thực tế của điện ảnh Việt Nam, muốn cho nền điện ảnh phát triển bền vững thì không thể không xây dựng điện ảnh như một ngành thương mại thực thụ. Điện ảnh Việt Nam đã có những giai đoạn phát triển nền công nghiệp điện ảnh theo mô hình Xô Viết mà đỉnh cao là giai đoạn sau khi đất nước thống nhất cho đến những năm 1988.

Mô hình này phát huy tác dụng được trong thời kỳ bao cấp, nhưng bộ lộ khiếm khuyết và không thích ứng được khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. lên, đã có những năm đã sản xuất được hơn 30 bộ phim truyện nhựa (1992). Tuy vậy, chất lượng của các phim không cao và càng về sau càng “chết yểu”.

Do đó, cơ hội để xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh theo cơ chế thị trường đã được manh nha tạo dựng nhưng không đủ sức để tồn tại vì nhiều lý do, trong đó có lý do chất lượng phim. Bước sang đầu thế kỷ XXI, nhất là khi nền công nghiệp điện ảnh xuất hiện trở lại, điện ảnh Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể: số lượng phim tăng, rạp tăng và những nhà sản xuất cũng tăng.

Tuy nhiên, để có nền điện ảnh phát triển theo tiêu chuẩn công nghiệp điện ảnh, Việt Nam cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, đồng thời phải hướng đến một nền điện ảnh chuyên nghiệp, đa dạng và chất lượng cao; có chế độ chính sách của nhà nước; xây dựng nền công nghiệp quảng bá điện ảnh; mỗi nhà điện ảnh Việt Nam cũng cần phải có những nỗi trăn trở, những đau đớn trước thực trạng tụt hậu của nền điện ảnh.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà văn Hà Phạm Phú, nguyên Giám đốc Hãng phim Hội nhà văn cho rằng: Để xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh; Việt Nam cần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đủ để đảm bảo sản xuất phim; có hệ thống rạp chiếu bóng; xây dựng được một thị trường điện ảnh và cần phải có sự hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước với nhau, các nhà làm phim trong nước với các nhà làm phim nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội nhà văn cho hay:

Để bước đầu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành điện ảnh, nhất là hệ thống trường quay. Trong tương lai, Nhà nước cũng nên chọn lọc, xây dựng 1 đến 2 phim lớn để từ đó hình thành nên 1,2 khu vực trường quay đề tài. Có như vậy, nền điện ảnh của chúng ta mới có thể phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì cho rằng: Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh là “giấc mơ” mà điện ảnh Việt Nam phải hướng tới.

Để thực hiện được “giấc mơ” đó, nền điện ảnh Việt Nam cần phải có qui trình sản xuất hiện đại, có kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần phải sản xuất được nhiều phim có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Song song với đó, điện ảnh Việt Nam cũng cần tạo dựng thị trường điện ảnh trong và ngoài nước; có chế độ chính sách ưu đãi để thúc đẩy, nuôi dưỡng những tài năng điện ảnh.

Với vai trò là một diễn viên, NSND Thế Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của con người trong việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh nước nhà. Ông cho rằng: Yếu tố con người là quan trọng nhất trong việc xây dựng nền điện ảnh Việt Nam. Nếu điện ảnh Việt Nam có nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ, giỏi, có tài năng và được đào tào bài bản ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư để điện ảnh thúc đẩy nền điện ảnh phát triển hơn nữa.

Ngoài ý kiến của các đại biểu Việt Nam, tạo đàm còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Quốc tế Hongkong, Liên hoan phim Quốc tế Pusan, Liên hoan phim Quốc tế Beclin... Hầu hết các đại biểu quốc tế đều cho rằng: để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, Việt Nam cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể sản xuất và quảng bá phim ở trong và ngoài nước. Đồng thời, cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, xây dựng hệ thống rạp quy chuẩn, chất lượng để thu hút khán giả.

Bên cạnh đó, để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh cũng cần sự phối hợp của các hãng phim tư nhân với các hãng phim nhà nước. Ngoài ra, việc quảng bá và phát hành phim cũng là một yếu tố quan trọng trong tiến trình xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Việc phát hành và quảng bá không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà cần phải có sự giao thoa với các nước trên thế giới để thúc đẩy nền điện ảnh phát triển.

Theo Báo điện tử ĐCSVN

  • Từ khóa