Thứ 7, 19/07/2025, 08:04[GMT+7]

Nét đẹp văn hóa làng Hổ Ðội

Thứ 4, 27/08/2014 | 08:13:11
10,978 lượt xem
Mỗi một miền quê đều có những nét truyền thống, văn hóa riêng để mỗi ai đó đi đâu xa khi nhớ về quê hương thì kỷ niệm lại ùa về ắp đầy trái tim. Làng Hổ Ðội, xã Thụy Lương (Thái Thụy) quê tôi là một làng quê như thế…

Làng Hổ Ðội nằm ở cửa sông Gú đổ ra cửa biển Diêm Ðiền với diện tích 358,53 ha, 5.300 nhân khẩu. Phía Bắc giáp xã Thụy Trình, phía Tây và Nam giáp thị trấn Diêm Ðiền và xã Thụy Hải còn phía Ðông giáp xã Thụy An. Hổ Ðội là một làng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước. Nơi đây có một quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thờ các vị thành hoàng làng đã có công phò vua dẹp giặc thời Trần. Với biết bao sự thay đổi cùng thời gian, quần thể di tích này đang được xây dựng lại khang trang, bề thế, uy nghi và rộng rãi hơn trước.

Trước cửa đình Ðông còn một cây đa cổ thụ có niên đại trên dưới 600 năm, đường kính từ 2,5 - 2,7 m, chiều cao 25 m. Vòm lá rộng, xanh tốt vươn ra bốn bên  trông bề thế uy nghi, trầm mặc. Ðó là cây đa được trồng  từ lúc các đức thủy tổ đến khai hoang, lập ấp, lấp làng Hổ Ðội bây giờ. Cây đa cổ này là cây đa đầu tiên ở Thái Bình được “Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam” công nhận là cây di sản Việt Nam. Nó là biểu tượng tinh thần và ý chí của người dân nơi đây với những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc. Dưới gốc đa cổ kính này, nhân dân đã xây dựng lại đình Ðông khang trang, uy linh, khánh thành năm 2009. Nơi đây xưa kia là sân tập võ của các sĩ phu yêu nước chống quân xâm lược nhà Minh và là một tiền đồn chống giặc Pháp của Đề đốc Tạ Quang Hiện.

Chùa Hổ Ðội trước đây ở ngoài đê Ðồng Mới sau được chuyển quy hoạch về đây. Hiện nay Ðảng bộ và nhân dân xã Thụy Lương, con em xa quê cùng quý khách thập phương công đức đang xây dựng lại chùa mới bên cạnh chùa cũ với diện tích 700m2 trong khuôn viên rộng 3 mẫu với số tiền gần chục tỷ đồng. Việc quy hoạch thành cụm di tích lịch sử tạo thuận tiện cho nhân dân địa phương và du khách thập phương trong việc tâm linh lễ Phật, lễ Thánh cầu cho quốc thái, dân an, no ấm, mùa màng bội thu, con cái ngoan ngoãn đỗ đạt, gia đình hạnh phúc. Khu di tích có vườn ao sơn thủy hữu tình, có “long chầu hổ phục” tạo  nên một cảnh quan đẹp đẽ, an bình ở chốn tâm linh.

Hàng năm ở đình Ðông, nhân dân tổ chức lễ hội vào tháng hai âm lịch để tưởng nhớ Mẫu Chợ và tháng tám âm lịch để nhớ ơn Thành hoàng  và các đức Thủy tổ của 12 dòng họ. Trong lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như tế lễ của đội tế nam quan, nữ quan trong các thôn, các hối trong làng và của các xã bạn, khách về hội còn bị thu hút bởi các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, lặn bắt vịt, nấu cơm niêu, đánh đu… Và cũng ngay dưới gốc đa già, dân làng đã lập bia tưởng niệm 153 liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Toàn xã có 18 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ðặc biệt, anh hùng Trần Bá Giản, người chiến sĩ công an quả cảm đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang mãi là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây…

Khu di tích lịch sử văn hóa đình làng Hổ Ðội là nơi hội tụ đoàn kết bao đời của các dòng họ lập nghiệp trên mảnh đất nơi đây. Một làng quê giàu truyền thống văn hóa như vậy đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển. Làng tôi từng ngày thay da đổi thịt từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Người Hổ Ðội cần cù, chăm chỉ đúng như câu ca: “Ăn Bao Hàm, làm Hổ Ðội”. Là một xã nông nghiệp, cây trồng truyền thống là lúa, thuốc lào và hành tỏi, ngoài ra còn thâm canh xen vụ dưa gang để bán cho công ty xuất khẩu. Một vùng quê đồng sâu nước mặn nơi cửa biển khi xưa, mồ hôi nước mắt cùng thời gian đã làm nên những cánh đồng màu mỡ, tốt tươi. Hạt lúa và những sợi thuốc lào đã nuôi biết bao người con ăn học nên người… Chợ Gú đã được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, là nơi buôn bán, trao đổi thông thương hàng hóa với các xã lân cận lúc nào cũng nhộn nhịp. Chợ họp cả ngày nhưng có một phiên chợ duy nhất trong một năm đó là vào ngày 27 tháng Chạp nhân dân khắp trong vùng đổ về giao lưu buôn bán nông sản.

Ngoài làm ruộng, trồng màu, người Hổ Ðội còn giỏi buôn bán. Ở đây có nhiều thương lái đi thu mua nụ hòe không chỉ ở các xã trong huyện mà còn ở các huyện, tỉnh khác về nấu ép ra tinh dầu xuất khẩu. Lúc nông nhàn, người dân còn sang các xã lân cận để làm cá hoặc các công ty may, giày da trong vùng để kiếm thêm thu nhập. Nghề mộc, thương mại dịch vụ cũng phát triển, nhiều trang trại, gia trại mọc lên. Sự đa dạng về nghề nghiệp và nguồn lực kinh tế tạo đà cho đời sống xã hội được nâng cao hơn. Việc học hành của con trẻ được các bậc cha mẹ quan tâm. Tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT cao so với mức bình quân chung của huyện. Nhiều em đỗ đại học. Các dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học để động viên kịp thời những em có thành tích học tập tốt và giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn.

Ðặc biệt, Quỹ khuyến học xã được những người con thành đạt đứng ra thành lập, hàng năm tổ chức khen thưởng cho các cháu… Làng Hổ Ðội có nhiều giáo sư, tiến sĩ đỗ đạt giữ chức vụ cao trong nhiều ngành trên cả nước. Ba trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang. Cả bốn thôn đều có nhà văn hóa. Riêng thôn Hổ Ðội 4 được UBND tỉnh công nhận là thôn văn hóa cấp tỉnh giai đoạn 2004 - 2009, ba thôn còn lại phấn đấu đạt thôn văn hóa cấp huyện năm 2014. Các con đường ngõ xóm được bê tông hóa rất sạch sẽ, đặc biệt ấn tượng là con đường trải nhựa mới ở cầu Hòn Ðá. Trạm Y tế xã được xây mới theo chuẩn, rất sạch đẹp, có 12 phòng các loại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, mỗi năm khám và điều trị  trên 3.000 lượt  bệnh nhân. Kinh tế, văn hóa phát triển, đời sống được nâng lên, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn  2,9%. Ðảng bộ và nhân dân Thụy Lương đang huy động các nguồn lực để về đích nông thôn mới đúng kế hoạch. Những người con của làng Hổ Ðội càng thấy yêu quý hơn nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Mùa thu mát mẻ lại về, trong cái heo may se lạnh, lòng tôi lại nao nức đón chờ tiếng trống hội làng vang lên. Tôi chờ đợi những nụ cười móm mém của các cụ già khi đi lễ Phật, những nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt rám nắng của người nông dân, nụ cười trong trẻo của các em nhỏ hồn nhiên... Và cũng tại lễ hội, tình làng nghĩa xóm như càng gần gũi, tha thiết hơn, mọi người càng thêm tự hào về làng Hổ Ðội của tôi.

Lê Thị Nhung

(Thụy Lương, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Thuỷ kính - 7 năm trước

Bỏ cái câu ăn bao hàm làm hổ đội xuống, đừng có động vào người bao hàm, họ chửi ngoa lắm, gỡ ra kẻo họ lại sang tận nhà họ chửi ngày 1 tết đó, tớ bị 1 lần rùi

Tải thêm