Thứ 3, 20/05/2025, 12:57[GMT+7]

Tìm hiểu lịch sử qua vở cải lương “Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế”

Chủ nhật, 31/08/2014 | 16:56:39
2,619 lượt xem
“Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế” được đánh giá là vở cải lương có nhiều tìm tòi, sáng tạo về kết cấu nội dung và xử lý nghệ thuật. Không chỉ mang đậm chất cải lương trữ tình, phối hợp sử dụng các thủ pháp nghệ thuật nhuần nhuyễn, vở diễn thành công còn bởi có sự đồng tâm hiệp lực của một tập thể diễn viên say nghề, một lòng cống hiến tài năng nghệ thuật của mình để tôn vinh cái tâm, cái đức của vị vua triều Trần anh minh, có công lao to lớn trong gây dựng, khởi đầu một triều đại hùng mạnh

Một cảnh trong vở cải lương.

Vở cải lương “Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế” do Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng và công diễn cuối năm 2013. Chuyển thể từ kịch bản văn học của Phạm Văn Quý, vở do Trưởng đoàn, NSƯT Xuân Vũ đạo diễn; NSƯT Song Hào thiết kế mỹ thuật; NSƯT Anh Tú phụ trách âm nhạc; biên đạo múa NSND Hương Thơm; trang trí Công ty Mỹ thuật Hồng Long; thiết kế ánh sáng NSƯT Phan Lân và Đàm Kha; các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Cải lương Thái Bình đảm nhận các vai diễn. Đây là một trong những vở cải lương về danh nhân lịch sử quê hương và là vở thứ 5 về chủ đề triều Trần được Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng.

Vở diễn kể về mối tình vô cùng cao đẹp của đức Vua Trần Thái Tông - vị vua đầu triều Trần anh minh, đức độ và Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng. Tuy nhiên mối tình trong sáng ấy lại chịu nhiều nỗi oan nghiệt đến tột cùng. Vì gánh nặng giang sơn xã tắc mà các nhân vật phải hy sinh tình riêng và chịu nỗi đau khổ, trái ngang, day dứt không tả xiết.

Là vị vua cuối cùng của triều Lý, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, giao giang sơn xã tắc cho chồng là Trần Cảnh với tâm hồn và tình yêu trong sáng mà không hề biết rằng việc làm này có sự sắp đặt của người chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ và mẹ của mình là Trần Thị Dung. Tuy nhiên, tình yêu đẹp của họ bắt đầu gặp sóng gió bởi sau 12 năm kết hôn mà không thể sinh con. Nhằm giữ an toàn cho ngai vàng nhà Trần, Thái sư Trần Thủ Độ và Quốc mẫu Trần Thị Dung đã ép Vua Trần Thái Tông phế ngôi Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng. Đồng thời ép vua lấy Công chúa Thuận Thiên, là chị gái của vợ và là vợ của anh trai mình, lúc ấy Thuận Thiên đang mang thai. Sự sắp đặt với lý do củng cố triều Trần, giữ yên giang sơn xã tắc khiến các nhân vật không thể không nghe theo dù biết đây là chuyện ngang trái và ngược với đạo lý truyền thống.

Vở diễn hấp dẫn, kịch tính thu hút người xem ngay từ khi mở màn với cảnh một cuộc gặp gỡ căng thẳng giữa Vua Trần Thái Tông và Thái sư Trần Thủ Độ tại Điện Thiên An. Lời nhân vật đầu tiên vang lên sửng sốt và đầy chua xót, uất hận chính là của Vua Trần Thái Tông: “Quốc trượng phụ Thái sư! Trẫm có còn là vua nữa không?”. Cùng với đó là hành động dứt khoát, vứt tờ biểu đòi phế truất Lý Chiêu Hoàng khỏi ngôi Hoàng hậu, bắt Công chúa Thuận Thiên nạp cung, do Trần Thủ Độ vừa dâng xuống sập. Trần Thủ Độ với thái độ thuyết phục cương quyết: “Xin Hoàng thượng hãy nhìn xa trông rộng/ Triều vững thịnh hưng tiếp nối dải sơn hà/ Trải qua bao trận phong ba/ Thân già day dứt thế thời quặn đau/ Lòng này trước cũng như sau/ Tìm ngôi kế vị để triều đình khỏi âu lo”.

Bi kịch chuyện tình theo sắp đặt không chỉ làm cho Lý Chiêu Hoàng đau khổ vì bị phế ngôi, mất chồng, mà Trần Cảnh đường đường là một vị vua đứng đầu một nước lại phải day dứt vì không giữ được tình riêng, dằn vặt vì phải phụ bạc người vợ yêu dấu của mình. Vợ chồng Trần Liễu và Công chúa Thuận Thiên cũng đang vui vẻ hạnh phúc đón chờ ngày con chào đời bỗng dưng lâm cảnh “tan đàn xẻ nghé”… Ngay cả Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung cũng nuốt xót xa trong lòng khi phải chia cắt tình duyên các đôi trẻ, gây nên việc trái luân thường đạo lý với chính người thân, thậm chí với chính hai con gái ruột của mình…

Coi trọng ân nghĩa và phản đối kế hoạch bất nhân của Thái sư Trần Thủ Độ, Vua Trần Thái Tông nói với vợ: “Chiêu Hoàng ơi, ta không muốn làm vua mà phải mất nàng. Vì để mất nàng là mất hết cái đạo lý, ân tình ở đời” và ông quyết định rũ bỏ ngai vàng, cung điện tìm nơi cửa Phật để tu hành. Tuy nhiên, do tình thế của vương triều Trần cũng như vận nước lúc đó liên tục bị ngoại bang đe dọa; những việc đau lòng trong nội tộc lại liên tiếp xảy ra khiến Trần Thái Tông không thể làm ngơ. Trần Liễu nổi loạn chống lại triều đình. Biết anh trai tài hèn sức mọn, mắc tội tày đình chống lại triều đình sẽ không tránh khỏi bị xử chết dưới tay Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông quyết định quay về tiếp tục ngôi vua để có thể cứu anh. Lúc này ông cũng nhận thấy mình không thể rũ bỏ trách nhiệm mà cần phải cố gắng dùng tâm tài để dẹp giặc, giữ yên bờ cõi…

Bằng tài đức của mình, Vua Trần Thái Tông đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, chiến thắng quân Nguyên Mông, đem lại cuộc sống bình yên no ấm cho muôn dân, tướng sĩ. Qua biết bao biến cố thăng trầm, cuối cùng vua tôi đã hòa đồng vào một mối, trăm họ muôn dân gắn kết một lòng, riêng đức vua vẫn dành tình yêu sâu sắc cho Lý Chiêu Hoàng như ngày nào. Song ông đã không làm thế mà tự tay vun đắp tình duyên giữa Lý Chiêu Hoàng - người mình yêu thương nhất với Lê Tần - vị tướng thân cận ông tin tưởng nhất, mong muốn họ sẽ sống cuộc sống hạnh phúc mà ông từng mơ ước. Kết thúc vở diễn là cảnh Vua Trần Thái Tông nhẹ nhàng nhường ngai vàng, điện ngọc cho con trai, từ từ tiến về cõi Phật bằng con thuyền sư rực rỡ hoa đăng, bỏ lại kinh thành Thăng Long dần lùi xa để tiếp tục con đường tu tịnh, nguyện cầu cho quốc thái dân an…

“Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế” được đánh giá là vở cải lương có nhiều tìm tòi, sáng tạo về kết cấu nội dung và xử lý nghệ thuật. Không chỉ mang đậm chất cải lương trữ tình, phối hợp sử dụng các thủ pháp nghệ thuật nhuần nhuyễn, vở diễn thành công còn bởi có sự đồng tâm hiệp lực của một tập thể diễn viên say nghề, một lòng cống hiến tài năng nghệ thuật của mình để tôn vinh cái tâm, cái đức của vị vua triều Trần anh minh, có công lao to lớn trong gây dựng, khởi đầu một triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

“Tình sử Trần Thái Tông Hoàng đế” cùng với cụm tác phẩm về nhà Trần không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh, mà còn góp phần để “dân ta phải biết sử ta” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy. Đồng thời giúp khán giả hiểu thêm về Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ các vua Trần - từng là nơi lập nghiệp, phát tích của triều Trần trên đất Thái Bình. Vở diễn đang được Hội đồng Nghệ thuật Hội nghệ sĩ Việt Nam xét trao giải Tác phẩm sân khấu xuất sắc toàn quốc năm 2014.

Hà Dung

  • Từ khóa