Thứ 3, 30/07/2024, 21:15[GMT+7]

Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

Chủ nhật, 07/09/2014 | 15:14:45
1,477 lượt xem
Trung thu là tết của trẻ em. Mỗi trẻ em luôn háo hức, mong chờ đón ngày tết này bởi được sống trong không khí vui tươi, rộn ràng, được nhận nhiều món quà thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của ông bà, cha mẹ... Tết Trung thu càng ý nghĩa hơn bởi không chỉ trẻ em vui mà người lớn cũng được vui lây niềm vui của con trẻ khi cùng sum họp, tất bật chuẩn bị các hoạt động đón tết cho các em.

Vui Tết Trung thu ở Trường Tiểu học xã Thụy Hồng (Thái Thụy).

 

 Cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn, những năm gần đây, ở một số nơi, đặc biệt là khu vực thành phố, thị trấn, nhiều thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư còn tổ chức gặp mặt, liên hoan ăn uống, vui chơi. Nhưng điều đáng nói, niềm vui lây của người lớn đôi khi quá đà tạo hình ảnh xấu trong mắt con trẻ, làm mất đi ý nghĩa thực sự của tết Trung thu.

 

Chị bạn tôi kể với giọng hài hước: Không biết là Trung thu của con hay là của bố nữa. Khi còn 4 ngày nữa mới Tết Trung thu, thế mà mấy ông bố trong cụm dân cư đã í ới rủ nhau dựng trại một cách rất “đoàn kết” với lý do dựng sớm cho có không khí tết, để các con chơi được dài ngày, bõ công trang trí trại. Ðiều này nghe cũng hợp lý bởi dựng và trang trí trại mất nhiều thời gian, nếu đến ngày Trung thu mới dựng, phá cỗ xong dỡ luôn thì phí vì các con được chơi ít quá. Song bà vợ nào cũng biết các ông bố bên cạnh việc quan tâm tổ chức cắm trại Trung thu cho con, cũng muốn nhân cơ hội này để tụ tập "coi trại" ban đêm mà không bị vợ cằn nhằn. Cu Tí nhà chị mới 5 tuổi nhưng rất biết quan sát. Nó phụng phịu nói với ông nội là Trung thu của bố, trại cũng của bố vì nghe thấy bố bảo với các chú là cắm trại sớm để chúng ta giao lưu, một năm có vài Trung thu thì tốt. Và bố cứ giục con đừng đánh trống nữa, về ngủ sớm đi để bố và các chú còn “coi trại”. Nhưng cu Tí lại ghé tai mách nhỏ với ông: Không phải coi trại đâu ông ạ, đánh bài mất tiền đấy. Sáng về bố còn ngủ bù và thế là đi làm muộn…

 

Cũng là câu chuyện về Tết Trung thu, ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, cứ khoảng 19 đến 21 giờ hằng ngày, các đội, nhóm múa lân thường đi biểu diễn mua vui khắp các tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai... Ðịa điểm ưa thích của đoàn là các quán bia, quán cafe, nơi tập trung đông người; có khi đoàn múa đi dọc phố, đến từng nhà, sau đó xông vào quạt cho khách, cho gia chủ, nhảy múa xung quanh, có người ngả mũ, đưa rổ xin tiền. Ðiều phản cảm chính là các nhóm múa không chịu rời đi nếu như chưa xin được tiền. Những quán cafe nổi tiếng vì có không gian yên tĩnh thì nay bị “phá tung” do tiếng trống ầm ầm, tiếng hò hét, thậm chí có cả những lời tục tĩu của người trong nhóm múa khi khách cho quá ít tiền hay tranh giành “lãnh địa” với nhóm khác. Không chỉ xông vào quán, vào nhà xin tiền, có nhóm còn đứng ở các ngã ba, ngã tư để xin tiền các chủ phương tiện dừng đèn tín hiệu. Các nhóm còn kéo theo hàng chục người đi cùng, dòng người tràn cả xuống đường, gây ách tắc giao thông. Có thể nói bên cạnh việc mất mỹ quan đô thị còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

Vui Trung thu là một nét đẹp văn hóa truyền thống song thiết nghĩ để ngày tết này thực sự có ý nghĩa, trách nhiệm thuộc về ý thức của mỗi người chúng ta.

Hà Dung - Lương Thế Lộc

 

  • Từ khóa