Thứ 4, 09/04/2025, 16:41[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 2014) “Hà Nội trong mắt tôi” - Hạt bụi vàng lấp lánh

Thứ 2, 06/10/2014 | 09:31:46
4,995 lượt xem
Tập truyện ngắn kết lắng tình cảm, sự ngưỡng vọng và những suy tư, trăn trở của nhà văn Nguyễn Khải về Hà Nội qua hình ảnh những con người Hà Nội bình dị nhưng mang đậm hồn cốt văn hóa và bản lĩnh của mảnh đất kinh kì nghìn năm văn hiến.

“Hà Nội trong mắt tôi” là tập truyện gồm 10 truyện ngắn được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành lần đầu năm 1995, là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải (1930 – 2008) ở giai đoạn sáng tác gần với công cuộc đổi mới của đất nước, trong đó có đổi mới văn chương. Nguyễn Khải sinh ra ở Hà Nội và có nhiều năm sống ở đây. Sau năm 1975, ông xa Hà Nội vào định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn có ý dành tập truyện “Hà Nội trong mắt tôi” để trình bày những hiểu biết sâu sắc và tinh tế của riêng ông về nét đẹp của thành phố Thủ đô, nơi ông hằng yêu mến, gắn bó.

Cả 10 truyện ngắn đều dùng lối trần thuật chủ quan với người trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Các câu chuyện, con người được kể dưới sự dẫn dắt của nhân vật “tôi” đan xen những dòng suy nghĩ nội tâm của người kể chuyện. Nhân vật “tôi” xuyên suốt tập truyện hiện lên là một người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội, nhiều trải nghiệm, giỏi quan sát, ưa triết luận, hóm hỉnh, có cái nhìn nhân hậu. Nhịp điệu câu chuyện chậm rãi, lắng sâu vào những chiêm nghiệm của nhân vật “tôi”, từ đó đem đến cho người đọc suy tư trước những vấn đề của cuộc sống hiện đại. Vì thế, tác phẩm như một sự đối thoại, chia sẻ với bạn đọc.

Qua các cuộc “đối thoại”, ta thấy tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm của một người con viễn xứ đi tìm lại hồn thiêng của mảnh đất kinh kì. Cái hồn ấy kết tinh trong những con người Hà Nội mà tác giả vô cùng yêu thương, trân trọng và kính phục. Họ chỉ là những người rất bình thường, từ bà cô trong "Nếp nhà", cô Hiền trong "Một người Hà Nội", bà nội của Nghĩa trong “Người của người xưa”, bà Bơ trong "Nắng chiều" đến các gia đình danh sĩ văn nhân nhưng lặng lẽ giản dị như vợ chồng Hồ Dzếnh trong “Đất kinh kì”, vợ chồng Trần Dần trong “Người vợ” hay một nghệ nhân điêu khắc như Dụ trong “Nghệ nhân ở làng”… Dưới con mắt của “tôi”, tất cả các nhân vật đều sống động như thực sự đang sống giữa chúng ta. Người nào cũng có một vẻ đẹp, một nhân cách, tuy mỗi người mỗi khác nhưng đều là những biểu tượng của Hà thành, là một thế hệ mang đậm cái hồn cốt một vùng văn hóa kinh kì xưa còn ở cùng với Hà Nội hôm nay.

Kết tinh mọi tình cảm, mọi suy tư của nhà văn về Hà Nội chính là “Một người Hà Nội” - một nhan đề không thể đầy đủ và thỏa mãn hơn. Linh hồn của truyện - cô Hiền, không chỉ là một con người cụ thể mà còn là tinh túy, là di sản văn hóa của Hà Nội. Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau của đời người, song hành cùng những biến động lớn lao của đất nước, cô Hiền vẫn giữ vững cốt cách của mình “thuần túy Hà Nội, không pha trộn”. Một người phụ nữ trí thức, thanh lịch, hiểu biết, đầy bản lĩnh, một chiều sâu văn hóa thấm từ trong cốt tủy, một nhân cách cao đẹp, giàu lòng tự trọng. Cô Hiền không chỉ làm chủ cuộc sống, cô còn làm chủ cả thời thế, một cái thời đầy xáo trộn với những biến động khó lường. Cô là người giữ hồn thiêng Hà Nội, là đại diện của “giai tầng thượng lưu” của xã hội để “làm chuẩn cho mọi giá trị”.

Có nét tương đồng với cô Hiền cũng là một bà cô, nhân vật trong “Nếp nhà”. Một tay bà gìn giữ một đại gia đình yên ấm, hòa thuận, hạnh phúc suốt bao năm. Gia đình ấy sống rất bình thản, tỉnh táo ở ngay giữa chốn nhiều cám dỗ nhất; mặc thời thế đổi thay, cách sống của họ “dứt khoát không thay đổi”. “Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó lại hoàn toàn không dễ”.

Hai văn nhân Hà thành Hồ Dzếnh và Kim Lân xuất hiện trong tập truyện cũng là những con người thật đẹp. Hồ Dzếnh với mối tình đẹp đồng hành cùng ông đến cuối đời, tạo nguồn cảm hứng cho thơ ông. “Là người của tự do, thứ tự do vì nhu cầu tự tại chứ không phải là để khoe, để diễn nhưng là một người biết mình”. Các nhân vật trong các truyện ngắn khác như bà Mặm trong "Người của ngày xưa" lấy chồng tuần phủ nhưng vẫn giữ được phẩm giá, nhân cách, ảnh hưởng lớn đến chồng; bà Bơ trong “Nắng chiều” đi giúp việc cho các em làm niềm vui, tuy nghèo nhưng có một tấm lòng đẹp đẽ, cả đời sống vì mọi người… là những con người tuy ở những địa vị, công việc, tính cách khác nhau, chỉ chung tâm hồn và phẩm cách Hà Nội.

Nhưng Hà Nội trong mắt Nguyễn Khải cũng là Hà Nội sắp tuột khỏi tay chúng ta. Những giá trị văn hóa là gốc rễ của Hà Nội đang bị cơn bão thời đại cuốn đi không kiểm soát được. Hà Nội ngày nay “mỗi ngày một đẹp ra, trẻ ra”, nhưng chỉ “phần xác thôi, còn phần hồn thì chưa”. Những con người giúp nó đứng vững - những “hạt bụi vàng của Hà Nội” sắp “rơi xuống, chìm sâu vào lớp đất cổ”. Nhưng như cây si đền Ngọc Sơn bật rễ rồi lại đâm chồi, qua tập truyện ngắn, tác giả cho chúng ta thêm yêu và tin tưởng, Hà Nội “thời nào cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi”. Hồn cốt Hà Nội đã lắng sâu qua bao thế hệ, là giá trị vĩnh cửu, bất biến, nằm ngoài vòng xoáy của thời gian, bởi còn có “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng”.

Mai Hiền

 

  • Từ khóa