Thứ 7, 17/05/2025, 21:47[GMT+7]

Ðộc đáo tục giao chạ ở Vân Ðài

Thứ 2, 27/10/2014 | 09:15:20
2,101 lượt xem
Vân Ðài là một làng lưu giữ được nhiều nét văn hóa xưa. Nét đẹp của ngôi làng này đến từ sự trang nghiêm cổ kính của đền làng; từ sự rêu phong, trầm mặc, linh thiêng của miếu làng; từ hình ảnh những cây cổ thụ - nhân chứng chứng kiến bao thăng trầm biến động của làng và từ một tục lệ thể hiện cái tình, cái nghĩa của người dân nơi đây: tục giao chạ.

Miếu thờ Diệu Dung công chúa tại làng Vân Ðài (xã Chí Hòa, Hưng Hà).

 

Ðến Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Hưng Hà, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu về một làng quê đẹp của huyện - làng Vân Ðài (xã Chí Hòa). Theo ông Khanh, Vân Ðài là một làng lưu giữ được nhiều nét văn hóa xưa. Nét đẹp của ngôi làng này đến từ sự trang nghiêm cổ kính của đền làng; từ sự rêu phong, trầm mặc, linh thiêng của miếu làng; từ hình ảnh những cây cổ thụ - nhân chứng chứng kiến bao thăng trầm biến động của làng và từ một tục lệ thể hiện cái tình, cái nghĩa của người dân nơi đây: tục giao chạ.

 

Nói về tục giao chạ, người dân Vân Ðài, già, trẻ, gái, trai ai ai cũng biết. Tương truyền: Vào thời Trần, vua Trần Nhân Tông sinh hạ được hai nàng công chúa: Diệu Từ Ân (tức Huyền Trân công chúa) và Diệu Từ Dong (tức Diệu Dung công chúa). Khi còn nhỏ, hai công chúa sống với nhau gắn bó, keo sơn. Khi lớn lên, trước tình cảnh đất nước bị giặc Nguyên Mông xâm lược, theo điều luật của triều đình hoàng tử phải ra trận còn công chúa và hoàng gia phải tổ chức tăng gia lấy lương thực để nuôi quân đánh giặc. Ðể giữ mối bang giao với Chiêm Thành, tập trung đối phó với quân Nguyên Mông, Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Diệu Dung công chúa đã đưa dân về vùng đất Vân Ðài ngày nay dựng ấp lập làng, khai khẩn đất hoang, cấy lúa lấy lương thảo nuôi quân. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, vì có công lao to lớn trong việc mở mang đất nước, giữ cho quốc thái dân an, Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa đã được Vua ban sắc: “Trung hưng phiên bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Khi công chúa Huyền Trân mất, dân làng Thái Ðường (thôn Tam Ðường, xã Tiến Ðức ngày nay) lập đền thờ bà. Cả cuộc đời công chúa Diệu Dung gắn bó với mảnh đất Vân Ðài nên khi bà qua đời, mộ chí của bà được đặt tại làng, dân làng cũng lập đền thờ và tôn bà làm Thánh mẫu.

 

Ðể tưởng nhớ và tri ân công đức của hai chị em công chúa, dân làng Vân Ðài lấy ngày mất của Thánh mẫu Diệu Dung để mở hội và dâng lễ, đón dân làng Thái Ðường nơi thờ công chúa Huyền Trân về dự, xin kết làm chị em. Ðến nay, trải qua hơn 700 năm, lễ giao chạ vẫn được nhân dân hai làng gìn giữ.  Hàng năm, cứ vào ngày giỗ của Huyền Trân công chúa (15/2 âm lịch), thôn Tam Ðường mở hội, dân làng Vân Ðài chạ dưới cử 64 người quần áo chỉnh tề lên tổ chức tế lễ, tổ chức giao hiếu. Ngược lại, vào ngày giỗ của Diệu Dung công chúa (ngày 15/9 âm lịch) khi làng Vân Ðài mở hội thì 84 người làng Tam Ðường chạ trên xuống tổ chức tế lễ, tổ chức giao hiếu.

 

Trong suốt hai ngày diễn ra tục giao chạ, dân hai làng có dịp chia sẻ vui buồn, chia sẻ cách làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh, giao lưu văn hóa văn nghệ. Người dân chạ Vân Ðài gặp người dân chạ Tam Ðường ở bất kỳ lứa tuổi nào đều gọi là anh/chị và xưng em một cách tự nhiên, trân trọng. Người dân Tam Ðường gặp chạ em Vân Ðài luôn luôn thân chiều nhau như anh chị em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Những thời khắc gặp mặt tại các gia đình luôn được thể hiện trong bầu không khí đoàn kết, ấm cúng và thân thiết. Khi chia tay, dân hai làng bịn rịn tiễn chân nhau ra tận đầu làng.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Tạc, Trưởng ban Quản lý di tích làng Vân Ðài, một người thường xuyên tham dự tục giao chạ giữa hai làng Vân Ðài và Tam Ðường thì giao chạ là tục lệ từ lâu đã được ghi trong hương ước của làng,  các thế hệ con cháu Vân Ðài nối nhau thực hiện theo bản hương ước đã hơn 700 năm. Nét nổi bật trong tục giao chạ giữa hai làng là mặc dù không có quan hệ huyết thống nhưng nhân dân hai thôn coi nhau như ruột thịt trong nhà, trai gái hai thôn Tam Ðường - Vân Ðài bao đời nay không bao giờ kết làm phu thê.

 

Ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Ðài thì cho hay: Tục giao chạ giữa hai làng Vân Ðài và Tam Ðường là nét văn hóa độc đáo mà ít vùng quê ở Việt Namon> có được. Mặc dù trải qua bao thăng trầm và biến động của lịch sử nhưng mối quan hệ giữa chị là Tam Ðường và em là Vân Ðài ngày càng gắn bó, mật thiết hơn. Thông qua tục giao chạ, nhân dân hai làng cùng nhau hội tụ, tri ân công lao to lớn của hai công chúa nhà Trần. Ðây cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về quê hương, hướng các thế hệ cháu con tới những giá trị văn hóa nguồn cội.

 

Mỗi một miền quê có những tục lệ riêng, ăn sâu vào tiềm thức người dân. Nhắc đến tục giao chạ, người dân Vân Ðài luôn nhớ câu:

“Lệ làng tháng chín

tháng hai

Tam Ðường chị xuống,

Vân Ðài em lên”

Vũ Hường

 

  • Từ khóa