Thứ 5, 25/07/2024, 00:30[GMT+7]

Thơ - tiếng lòng của người cao tuổi

Thứ 6, 31/10/2014 | 08:41:24
5,614 lượt xem
Thơ là tiếng nói từ tâm hồn, là cảm xúc của cá nhân trước con người và cuộc đời. Hiện nay, tại rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh, các câu lạc bộ thơ do người cao tuổi thành lập hoạt động khá sôi nổi. Sáng tác thơ, đọc thơ, nghe thơ đã trở thành thú vui không thể thiếu trong cuộc sống của một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn.

Tiết mục ngâm thơ trong lễ kỷ niệm ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 tại xã Thái Hòa (Thái Thụy).

Ở tỉnh ta, ngoài các câu lạc bộ thơ cấp huyện, nhiều câu lạc bộ thơ cấp xã hoạt động sôi nổi như: Tây Giang (Tiền Hải), Thụy Quỳnh, Thái Hưng, Thái Sơn (Thái Thụy)... Hội viên trong các câu lạc bộ thơ chủ yếu là cựu giáo chức, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí trong độ tuổi từ 60-80. Các cụ sinh hoạt câu lạc bộ theo tháng, theo quý dưới hình thức các thành viên câu lạc bộ tự sáng tác sau đó tại buổi sinh hoạt định kỳ ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ của nhau. Mặc dù số lượng bài thơ hay còn khiêm tốn, thơ còn mang tính phong trào nhưng việc sinh hoạt thơ tại câu lạc bộ đã giúp các cụ sẻ chia tiếng lòng, gửi gắm tâm sự.

Theo một số chủ nhiệm câu lạc bộ thơ, sở dĩ người cao tuổi yêu thơ, đến với thơ trước hết vì vẻ đẹp và sức hấp dẫn của thơ. Thông qua việc thưởng thức các tác phẩm thơ, các cụ tìm thấy những điều thú vị từ cuộc sống, sự đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc. Người cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng tính hay suy tư, một số người có cảm giác cô đơn nên nhu cầu tâm sự, sẻ chia nỗi niềm rất lớn. Thơ chính là cầu nối giữa những trái tim. Qua thơ người cao tuổi có thể trải lòng với chính mình, với người thân và bạn bè. Vì tính chất tự phát nên thơ của các cụ sáng tác thường theo thể thơ tự do hoặc lục bát.

Trong gia đình cụ Hoàng Hữu Tiên, 90 tuổi, ở xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ), vào những ngày lễ, tết, mỗi lần tổ chức chúc thọ, con cháu xa gần về đông đủ, cụ thường đọc các bài thơ do cụ sáng tác tặng con cháu. Những bài thơ của cụ chứa đựng tâm sự của người ông, người cha hướng con cháu mình đến việc sống cho phải đạo. So với việc dạy cháu con bằng cách ngồi răn dạy giáo điều lý thuyết thì việc dạy con cháu bằng thơ theo cụ Tiên sẽ giúp con cháu dễ thuộc, dễ nhớ và không bị tự ái. Một số người cao tuổi là hội viên câu lạc bộ thơ ở xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy) chia sẻ: Việc làm thơ không chỉ giúp các cụ có thêm những người bạn để dễ dàng nói lên tiếng lòng mà còn thúc đẩy tuyên truyền, cổ vũ các phong trào do địa phương phát động. Một tháng hai lần, trên đài truyền thanh xã thường phát những bài thơ có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị do các thành viên trong câu lạc bộ thơ sáng tác. Thơ của các cụ đã góp phần đa dạng hóa các chương trình trên đài truyền thanh xã, tuyên truyền có hiệu quả các phong trào của địa phương nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Người cao tuổi sáng tác thơ để thỏa mãn đời sống nội tâm, để răn dạy con cháu, để thêm bạn hiền, để góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên, quan điểm, thái độ về việc người cao tuổi làm thơ trong suy nghĩ của người dân hiện nay rất khác nhau. Nghe thơ của người cao tuổi trên đài truyền thanh xã, nhiều người nhận xét: Mặc dù chỉ có lời thơ, không có âm nhạc phụ họa, nghe thơ không du dương trầm bổng, vần điệu nhưng thấy được không khí quê hương đất nước ở thời điểm hiện tại. Song, bên cạnh đó lại có không ít bạn trẻ khi nghe thơ của các cụ lại bật cười, coi đó là việc làm vô bổ.

Đọc thơ, nghe thơ là phần không thể thiếu trong các tiết mục văn nghệ của hội nghị người cao tuổi. Điều đó chứng tỏ thơ là một “món ăn”, một “thức uống dinh dưỡng” cần thiết trong đời sống tinh thần của người cao tuổi. Khi người cao tuổi làm thơ, mỗi chúng ta nên có cái nhìn trân trọng thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp sau những vần thơ chân thành, mộc mạc ấy!

Vũ Hường

  • Từ khóa