Thứ 7, 26/04/2025, 08:11[GMT+7]

“Thép đã tôi thế đấy” Bạn đồng hành của tuổi trẻ

Thứ 2, 03/11/2014 | 10:17:02
4,419 lượt xem
“Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”. Bất cứ ai đã từng đọc, hay thậm chí nhiều người chưa đọc “Thép đã tôi thế đấy” đều biết đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel. Qua bao tháng năm, câu nói đó vẫn là kim chỉ nam, thúc giục con người, nhất là người trẻ dấn thân, tôi luyện, sống có ích cho đời.

 

“Thép đã tôi thế đấy” là cuốn tiểu thuyết do Nikolai A. Ostrovsky (1904 - 1936) viết vào những năm 1934 - 1935, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt: Những ngày cuối cùng của nước Nga Sa hoàng, sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, cuộc đấu tranh với bè lũ phản động, Cách mạng Tháng Mười và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước trên thế giới, với số lượng hàng chục triệu bản. Tại Việt Namon>, sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, bản dịch của Thép Mới và Huy Vân.

 

Như Thép Mới đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách: “Thép đã tôi thế đấy” ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên”. Pavel cùng các bạn, anh em của anh, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev… cả một lớp thanh niên lao động mà tuổi trẻ sống trong cơn bão táp của phong trào Cách mạng Tháng Mười. Dưới ngọn cờ của Ðảng Cộng sản, họ trui rèn trong ngọn lửa cách mạng trường kỳ, qua những nhiệm vụ, thử thách gian khổ, để rồi trưởng thành thành những thanh thép bền cứng, không bao giờ bị bẻ gãy, khuất phục, trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn chiến thắng và giữ nguyên vẹn bản chất của người cộng sản bôn-sê-vích chân chính. Họ đã sống một cuộc đời mà “khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

 

Ðây "không phải tác phẩm chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống trong nó rồi mới viết" (Thép Mới). Pavel Korchagin chính là hóa thân của tác giả - Nikolai A. Ostrovsky, một người cộng sản chân chính, kiên cường nhất. Cuộc đời ông, cũng như nhân vật trong trang sách, luôn sống bằng trái tim nồng nhiệt, khát vọng sống và hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, không khi nào chùn bước. Bị bại liệt toàn thân, mù cả đôi mắt, bệnh tật tàn phá khiến thân thể chịu đau đớn đến cùng cực, không cầm súng được nữa, nhưng cũng không chịu xa rời chiến đấu, ông lấy bút làm vũ khí. Và với thứ vũ khí mới này, dồn vào mọi tâm huyết, lý tưởng, ông đã thổi bùng lên một ngọn lửa, truyền một chất thép hào hùng làm sôi sục trái tim bao thế hệ thanh niên trên khắp thế giới. Cuốn tiểu thuyết là sách gối đầu giường của họ, nhân vật chính Pavel đã trở thành hình mẫu lý tưởng để học hỏi, là người bạn, người đồng chí đi trước luôn dìu dắt, khuyến khích và tiếp thêm ý chí cho họ.

 

"Thép được tôi trong lửa đỏ và trong nước rất lạnh trở nên cứng rắn. Thế hệ chúng tôi cũng được tôi luyện như vậy trong đấu tranh và trong những thử thách ghê gớm nên đã học được cách không quỵ ngã trước cuộc sống" – tác giả đã giải thích nhan đề “đứa con tinh thần” của mình như thế. Cả cuốn sách cháy rực lên bầu nhiệt huyết, khát khao sống, khát khao cống hiến cho một lý tưởng hết lòng say mê, cho Tổ quốc và nhân dân hết mực yêu quý. Trải qua “lửa đỏ” và “nước rất lạnh”, khát khao ấy vẫn vô cùng sáng trong, không một chút nghĩ cho mình, sẵn sàng chịu đựng gian khổ và hy sinh lợi ích cá nhân một cách ngoan cường nhất. Ðược hiến dâng là niềm tự hào, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của người chiến sĩ, trái tim không lúc nào ngừng tin tưởng và hy vọng. Ðó là vẻ đẹp, là giá trị, cũng là cái làm nên sức sống, sức mạnh lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến vậy. Nguyễn Văn Thạc - liệt sĩ “Mãi mãi tuổi 20” của chúng ta đã viết trong cuốn nhật ký chiến trường của mình: “Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Ðó là cuộc sống của người đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Ðảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng...".

 

Là tài năng nghệ thuật xuất thân từ quần chúng, Nikolai A. Ostrovsky đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học của nước Nga Xô Viết bằng những hình tượng bình thường mà vượt qua hoàn cảnh phi thường, những thanh thép nhân dân được tôi luyện đã làm nên cách mạng, những cá thể “tận tụy làm người” (Vương Trí Nhàn). Một tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn lao, gợi cảm hứng bất tận, buộc người đọc phải hành động, đi tìm mục đích và lý tưởng sống và sống hết mình cho lý tưởng đó. Quan trọng hơn, đó là phải rèn luyện ý thức, đạo đức, ý chí lao động sáng tạo; tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, cống hiến; bản lĩnh đối mặt với những thử thách, chiến thắng nghịch cảnh, chiến thắng chính mình để kiên định với lý tưởng, với giá trị bản thân.

 

Trong bối cảnh ngày nay, càng cần một “Thép đã tôi thế đấy” với lý tưởng cao đẹp ngời sáng và trung trinh, đầy cảm hứng và niềm tin để là nguồn động viên, dẫn đường, thức tỉnh và thúc giục thanh niên dũng cảm tìm đường đi và nhận lấy trách nhiệm cho tương lai của chính mình và xã hội.

Mai Hiền

  • Từ khóa