Chủ nhật, 25/05/2025, 05:58[GMT+7]

Ðình Sồng Một thiết chế văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 24/11/2014 | 09:25:57
1,280 lượt xem
Ðình Sồng là một di tích kiến trúc cổ, được xây dựng tại làng Sồng (tên nôm) nằm ở thôn Hưng Quan (xã Trọng Quan, Ðông Hưng); cách thành phố Thái Bình khoảng 10km về phía bắc. Ðình được xây dựng lại từ thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái 1890. Trải qua trên 100 năm lịch sử, chiến tranh và thiên tai tàn phá, song nhân dân vẫn đồng tâm hợp lực gìn giữ tu sửa ngôi đình cổ kính xưa kia – một di sản của văn hóa làng xã.

Theo các tài liệu sử sách và 8 đạo sắc phong còn lưu giữ tại đình, đình Sồng thờ vị Thành hoàng Trần Ðức Ruệ - một vị quan triều Lê đã có công phò vua giúp nước. Ngài là quan Thái y chữa bệnh trong cung vua. Năm Tân Dậu 1671, ngài từ quan về vùng này chiêu mộ nhân dân khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp (làng Sồng ngày nay). Ngài là người nhân từ đức độ, yêu thương cứu giúp kẻ nghèo khó, dành tiền lương bổng phát cho dân, chữa bệnh cho dân... nên khi ngài mất, dân lập đền thờ, các triều đại nhà vua đã 8 lần phong sắc.

Ðình Sồng là một công trình kiến trúc cổ, nằm ở phía Nam làng Sồng, được tọa lạc trên thửa đất rộng 1.860m2, được tu bổ 3 lần vào các năm Tân Mùi 1691, Ất Tỵ 1785, năm Tân Dậu 1921.

Ngôi đình còn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc gỗ thời Nguyễn. Các vì kèo làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, hoặc “thượng rường hạ kẻ”. Hệ thống đấu trạm hoa sen, rường trạm lá lật, cốn trạm tứ linh: “long, ly, quy, phượng”; tứ quý: thông, trúc, cúc, mai; có rồng chầu phượng múa, nghê vờn, rùa đội đài sen trông rất hài hòa và mỹ thuật. Hệ thống đầu dư rất lớn dài 0,7m chạm lộng đầu rồng dáng vẻ dữ tợn, bờm râu uốn lượn như đang rẽ sóng bơi về phía trước. Bộ khung được nâng đỡ bởi 24 cột cái, cột quân to khỏe bằng gỗ lim, đặt trên các tảng đá xanh, chạm cổ bồng hoa sen. Nhìn chung đình Sồng là một kiến trúc điêu khắc gỗ thời Nguyễn tiêu biểu của Thái Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với kiến trúc to lớn hoành tráng, điêu khắc gỗ tinh xảo lại có cảnh quan đẹp nên di tích rất thuận tiện cho việc mở hội và đón khách tham quan.

Ngoài giá trị về kiến trúc, đình Sồng còn là một cơ sở hoạt động của dân quân du kích thời kỳ kháng chiến ở địa phương (1946 – 1954). Từ tháng 5/1945 – 1/1946 đình là nơi thành lập và làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời xã Trọng Quan, nơi thành lập đội dân quân du kích đầu tiên bảo vệ chính quyền cách mạng, nơi mở lớp bình dân học vụ của xã. Năm 1949 đình là nơi đặt xưởng quân khí của Quân khu Tả Ngạn để rèn vũ khí phục vụ kháng chiến. Từ tháng 1/1950 – 1954 đình là nơi tập kết các đơn vị chủ lực cùng dân quân du kích đi đánh bốt Sú, bốt Tràng Quan, đường 10 Gia Lễ; nơi đặt trạm cấp cứu thương binh... góp phần cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Ngày nay xã Trọng  Quan đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng, bộ mặt nông thôn mới như điện, đường, trường, trạm cũng được đổi mới khang trang, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Xứ đạo thôn Tràng cũng xây lại Thánh đường uy nghiêm, ngôi chùa làng Sen cũng được tu bổ tôn tạo. Cùng với các thiết chế văn hóa của làng xã, đình Sồng là một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh – nơi sinh hoạt văn hóa làng xã – một di  sản văn hóa tiêu biểu của địa phương, đang được nhân dân phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.

Tống Thị Vân

Bảo tàng Thái Bình

  • Từ khóa