Thứ 4, 27/11/2024, 01:24[GMT+7]

“Bắt trẻ đồng xanh” giữ lấy điều tinh khôi nhất

Chủ nhật, 30/11/2014 | 13:50:28
6,647 lượt xem
“Bắt trẻ đồng xanh” là một tác phẩm đặc biệt. Ẩn sau lớp ngôn từ xù xì, thô ráp là những thông điệp đẹp đẽ, sâu sắc giúp nó có vị trí đặc biệt trong nền văn học thế giới. Cuốn tiểu thuyết là những sẻ chia, an ủi của người đi trước về những hoang mang trước ngưỡng cửa trưởng thành đầy khó khăn. Ở đó có ước mơ kỳ lạ nhưng đẹp đẽ - “Bắt trẻ đồng xanh”, hay chính là bảo vệ trẻ em, bảo vệ những điều trong trẻo, thuần khiết nhất của cuộc đời.

 “Bắt trẻ đồng xanh” là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger (1919 – 2010), xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1951 - thời điểm đời sống tinh thần nước Mỹ nhiều dao động, hoài nghi, xuất hiện trào lưu phản kháng những giá trị, chuẩn mực. Nhân vật chính, Holden Caulfield đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ. Một thời đứng đầu danh sách những cuốn sách bị phê phán, bị kiểm duyệt cắt bỏ ở Mỹ nhưng sau đó cuốn tiểu thuyết đã được đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh và được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới, được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay. Ở Việt Nam, “Bắt trẻ đồng xanh” được biết đến chủ yếu nhờ bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng do Nhà sách Thanh Hiên phát hành năm 1965, năm 2008 tái bản với tên Phùng Khánh. Gần đây, xuất hiện một bản dịch nữa của Ðức Dương và Bùi Mỹ Hạnh (nhà xuất bản Phụ nữ, 1992; nhà xuất bản Văn học tái bản, 2005).

Ðược kể bằng ngôi thứ nhất, tác phẩm là câu chuyện của Holden Caulfield trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những hồ nghi, chán chường, bất mãn. Với mật độ chửi thề dày đặc, giọng văn hằn học, rất dễ để lên án Holden là hư hỏng. Nếu chỉ có thế, bao năm qua “Bắt trẻ đồng xanh” chẳng thể khơi những cảm xúc đồng điệu trong lòng độc giả khắp thế giới, Holden đã chẳng có ảnh hưởng đến thế đối với lớp độc giả trẻ. Mỗi người đều tìm thấy chính mình ở Holden, chàng thanh niên trẻ lạc lối trước ngưỡng trưởng thành. Và sau vẻ bất cần, nổi loạn ấy là một tâm hồn đẹp.

Holden chán ghét cùng cực sự giả dối, “bộ tịch” – như cậu nói. Cậu thấy mọi thứ xung quanh đều giáo điều, giả tạo, do đó “chán chường ghê gớm” và “sợ rằng mọi việc sẽ trở nên kinh khủng nếu không làm một cái gì để thay đổi”. Việc bỏ học, thi trượt dẫn đến bị đuổi học liên miên là cách cậu phản kháng môi trường đầy những kẻ đạo đức giả. Cậu muốn chạy trốn đến một nơi thật xa, sống tách biệt với xã hội và những lề thói sáo rỗng của nó. Song song với nỗi thất vọng, hằn học với xã hội, Holden dành sự thương cảm cho những người yếu thế, cô độc; tôn trọng những người trung thực, tốt bụng và tự trọng. Chàng trai trẻ có tấm lòng đầy yêu thương, nhất là tình yêu gia đình. Cậu đi lang thang không phải vì ham chơi, hư hỏng mà vì không dám đối mặt với nỗi buồn, thất vọng của bố mẹ. Và bất cứ ai cũng không thể kìm lòng trước tình cảm yêu thương vô bờ, rất đỗi ấm áp, thân thương mà Holden dành cho em trai, em gái. Nhà nghiên cứu Jun Edwards (Ðại học West Virginia, Mỹ) đã gọi Holden là “con người bối rối mà đức hạnh”.

Ảnh: VIỆT HÙNG

Trong những năm tháng trưởng thành cô đơn, lạc lối và tuyệt vọng đến nỗi có lúc cậu đã buông xuôi cuộc đời, Holden, và qua đó, cả chúng ta, được bảo rằng ta “không phải người đầu tiên đã từng hoang mang, giật mình kinh hãi hay cả đến nôn mửa vì cách xử sự của người ta… Nhiều, rất nhiều người cũng đã bị dao động về phương diện luân lý và tâm linh…”. Rằng: “Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là, họ muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp, trong khi dấu hiệu của người trưởng thành là họ muốn sống một cách khiêm nhường vì một sự nghiệp”. Trong suốt lịch sử, nhiều người đã ghi lại những kinh nghiệm trưởng thành của mình hòng giúp ích cho người đi sau. Có thể Holden chưa hiểu rõ những điều này nhưng cậu đã “muốn là một thành viên có trách nhiệm của xã hội, hướng dẫn và bảo vệ những người nhỏ tuổi hơn anh” (Jun Edwards). Cậu yêu vô cùng những đứa trẻ, hết sức bảo vệ sự trong sáng, ngây thơ của chúng đến mức ám ảnh. Giữa hoang mang, tuyệt vọng, điều duy nhất cậu thích là “làm người bắt trẻ đồng xanh các thứ”, giữ những đứa trẻ khỏi mải chơi mà ngã xuống vực, hay là giữ cho những gì trong sáng nhất, tinh khôi nhất khỏi rơi xuống bờ vực tối tăm, bẩn thỉu của cuộc đời.

Chàng trai 17 tuổi Holden đã bầu bạn với bao thế hệ độc giả đi qua quãng đời trưởng thành đầy hoang mang, phiền muộn. Trong nỗi cô đơn khi không thể và không thấy được thấu hiểu, ta nhìn thấy chính mình trong “Bắt trẻ đồng xanh” để tìm thấy sự an ủi, đồng cảm. Trên hết, tác phẩm đã nhắc nhở chúng ta về một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất nhưng dễ bị coi nhẹ, đó là bảo vệ điều tốt đẹp hiếm hoi trên đời - giữ gìn sự trong sáng của con trẻ: “Nếu một đứa nào bắt được đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh… Thế đấy, anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò chơi gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con… anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy tới gần mỏm đá. Nghĩa là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, anh sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng… Anh sẽ làm người bắt trẻ đồng xanh các thứ”.

Mai Hiền

  • Từ khóa