Chủ nhật, 30/06/2024, 00:22[GMT+7]

Khơi dậy niềm tự hào quê hương làm động lực xây dựng nếp sống văn hóa

Chủ nhật, 30/11/2014 | 13:55:25
2,238 lượt xem
Huyện Hưng Hà nằm ở phía Bắc tỉnh. Ðây là vùng đất cổ được hình thành cách đây hơn 2.500 năm, một miền quê đã sản sinh, nuôi dưỡng, chở che nhiều danh nhân làm rạng rỡ những trang sử của đất nước. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta” thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà đã lãnh đạo, tổ chức tuyên truyền lịch sử văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước của địa phương đến đông đảo nhân dân dưới nhiều hình thức nhằm khơi dậy niềm tự hào quê hương trong mỗ

Trích đoạn “Vùng quê sáng nghiệp” trong hoạt cảnh chèo sử thi “Âm vang hào khí Đông A” do đội văn nghệ Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Hưng Hà biểu diễn tại buổi gặp mặt các tiểu thương thị trấn Hưng Nhân và thị trấn Hưng Hà.

Lật giở từng trang sử của huyện Hưng Hà, những năm 40 đầu Công nguyên, nữ tướng Vũ Thị Thục đã chọn đất này để dấy binh khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Ðông Hán xâm lược. Từ năm 542 – 544, cũng tại nơi đây, Lý Bí đã lập căn cứ đánh đuổi giặc Lương, khai sinh ra nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập đầu tiên ở nước ta. Và đặc biệt, đây là vùng quê phát tích và dựng nghiệp của nhà Trần - một vương triều cường thịnh vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Là vùng đất  “địa linh”, quê hương Hưng Hà cũng sinh ra nhiều “nhân kiệt” trong lịch sử. Tiêu biểu như: Nhị vị Thái phó Lưu Khánh Ðàm, Lưu Ðiều - những danh tướng có công dựng nghiệp thời nhà Lý; Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung – những người sáng nghiệp nhà Trần; Tam nguyên Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ, Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, nhà văn hóa Nguyễn Tông Quai, Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, nhà bác học Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Ðôn, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm…

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, Ðảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã đóng góp to lớn sức người, sức của. Hơn 80.000 người vào bộ đội và thanh niên xung phong, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó 6.178 người đã anh dũng hy sinh, 4.384 người trở thành thương binh, bệnh binh. Ðến nay, 9 làng, 26 gia đình và cá nhân được tặng kỷ niệm chương, bằng có công với nước, 527 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà cho biết: Ðể phát huy đặc trưng, ưu thế của một huyện có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, tháng 2/2014, Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về giáo dục, phát huy truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Hà giai đoạn 2014 – 2020 và những năm tiếp theo đã được ban hành. Nghị quyết tập trung vào việc tuyên truyền lịch sử, truyền thống tốt đẹp của địa phương nhằm khơi dậy niềm tự hào quê hương, hướng người dân đến việc xây dựng lối sống văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác tuyên truyền Nghị quyết được chú trọng. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh, Huyện ủy Hưng Hà đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết đến các xã, thị trấn đồng thời trực tiếp tổ chức nhiều buổi gặp mặt chủ đề “Long Hưng – Hưng Hà miền quê huyền thoại hội tụ và phát triển” với sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Tôi có dịp tham dự một buổi gặp mặt nằm trong chương trình tuyên truyền Nghị quyết ấy. Thành phần buổi gặp mặt thật đặc biệt, là các tiểu thương thị trấn Hưng Hà, Hưng Nhân, những người làm dịch vụ đám cưới, xe ôm trong huyện. 19 giờ 30 phút, chương trình được bắt đầu. Sau các tiết mục văn nghệ ca ngợi mảnh đất và con người Hưng Hà, trong hơn 1 tiếng đồng hồ, cả hội trường lắng nghe đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp giới thiệu lịch sử văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước của địa phương đến đông đảo các tiểu thương, những người làm dịch vụ. Kết thúc phần giới thiệu, đồng chí Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Ban tổ chức hy vọng sau buổi gặp mặt này, những người buôn bán, kinh doanh trên địa bàn hai thị trấn sẽ hình thành văn hóa bán hàng; những người làm dịch vụ đám cưới thay vì mở những bản nhạc sàn đinh tai nhức óc sẽ bật những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi quê hương Hưng Hà; những người làm nghề xe ôm không chặt chém khách, thể hiện thái độ lịch sự thông qua việc đưa đón khách huyện khác, tỉnh khác góp phần quảng bá về mảnh đất và con người Hưng Hà. Một tràng pháo tay rộn rã vang lên trước những lời chân thành của đồng chí Bí thư Huyện ủy, những ánh mắt ánh lên niềm tự hào quê hương. Bác Nguyễn Thị Loan, tiểu thương thị trấn Hưng Hà tâm sự: Hơn 50 năm sống trên đất Hưng Hà, có những nhân vật lịch sử nghe danh từ lâu nhưng nay mới biết đó chính là những người con của quê hương mình. Buổi gặp mặt đã giúp bác hiểu thêm về lịch sử địa phương, tự hào vì được sinh ra trên vùng quê Hưng Hà huyền thoại. 

Trong khi văn hóa ngoại lai đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, việc dạy và học môn Lịch sử còn nhiều bất cập, việc lấy lịch sử, truyền thống của địa phương để tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào quê hương, hình thành nếp sống văn hóa cho người dân là việc làm thể hiện sự sáng tạo trong cách lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Hưng Hà. Hy vọng thời gian tới, từ chỗ hiểu được lịch sử địa phương, mỗi người dân trong huyện sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, hình thành lối sống văn hóa, xứng danh là người dân của một vùng đất “địa linh”.

Vũ Hường

  • Từ khóa