Thứ 5, 29/05/2025, 12:17[GMT+7]

Bảo tàng Thái Bình Trang sử bằng hiện vật

Thứ 2, 08/12/2014 | 09:33:54
6,523 lượt xem
Nằm ở khu trung tâm của thành phố Thái Bình, Bảo tàng Thái Bình là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh phản ánh quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ. Một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa thường so sánh nơi đây giống như trang sử bằng hiện vật của quê lúa.

Bảo tàng Thái Bình.

Ông Vũ Ðức Thơm, Giám đốc Bảo tàng Thái Bình cho biết: Không gian trưng bày của Bảo tàng gồm không gian trong nhà và ngoài trời. Không gian trong nhà, Bảo tàng tổ chức trưng bày các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến điều kiện tự nhiên; đời sống kinh tế, văn hóa; những mốc son tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của người dân Thái Bình. Không gian ngoài trời gồm các hiện vật có thể khối lớn gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ví dụ như máy bay Mig21 mà Anh hùng Phạm Tuân từng lái, xe tăng 843 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong vai khách tham quan, chúng tôi có dịp quan sát, tìm hiểu không gian trưng bày trong nhà của Bảo tàng. Bắt đầu từ tầng 2, với phương thức trưng bày theo chuyên đề, Bảo tàng trưng bày, giới thiệu đến người xem các tổ hợp hình ảnh, tài liệu, hiện vật khảo cổ học, địa chất học liên quan đến lịch sử mảnh đất, con người Thái Bình trước khi có Ðảng. Các hiện vật như mảnh gốm phong cách Ðường Cồ, mảnh khuôn đúc trống đồng phong cách Ðông Sơn, mũi tên đồng mang phong cách Cổ Loa tìm thấy ở vùng đất phía Tây Bắc tỉnh chứng minh Thái Bình là vùng đất cổ, hình thành cách đây hơn 2.500 năm. Trong quá trình định cư, sinh sống, người dân Thái Bình cần cù, chịu khó, dũng cảm chống lại thiên tai khắc nghiệt, chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Là tỉnh có văn hóa đa dạng, cái nôi của các nghệ thuật truyền thống đặc sắc như chèo, múa rối nước.

Trong nửa phần còn lại của tầng 2, các tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong Bảo tàng hướng tới chủ đề truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thời kỳ phong kiến suy tàn của người dân Thái Bình từ đầu Công nguyên tới trước khi thành lập Ðảng. Theo đó, từ những năm đầu Công nguyên, các tướng quân Vũ Thị Thục, Lê Ðô... đã lãnh đạo nhân dân dấy binh cùng Hai Bà Trưng đánh tan quân Ðông Hán. Thời Trần, với những di tích, hiện vật khảo cổ khai quật ở thôn Tam Ðường (xã Tiến Ðức, Hưng Hà) chứng minh Hưng Hà, Thái Bình là nơi phát tích của nhà Trần, một hậu phương lớn, góp phần cùng quân dân Ðại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông… Bước sang thế kỷ XVIII, sự khủng hoảng của chế độ phong kiến làm bùng nổ các phong trào đấu tranh của đông đảo nông dân chống lại cường quyền, áp bức; ở Thái Bình, nhiều anh hùng áo vải đã đứng lên, tiêu biểu như Hoàng Công Chất, Phan Bá Vành...

Trong không gian tầng 3, truyền thống cách mạng của nhân dân Thái Bình từ khi có Ðảng lãnh đạo được trưng bày khoa học. Từ cuộc biểu tình nông dân Tiên – Duyên – Hưng (1/5/1930) và nông dân Tiền Hải (14/10/1930) đến hoạt động nuôi giấu cán bộ, gây dựng phong trào cách mạng; từ bức tranh nạn đói thảm khốc năm 1945 đến phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, xóa nạn mù chữ; từ hậu phương lớn thực hiện tốt khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức” chi viện cho miền Nam những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay được tái hiện sinh động qua tổ hợp hình ảnh, tài liệu, hiện vật phong phú, đa dạng.

Các em học sinh tham quan Bảo tàng Thái Bình.

Em Ðỗ Linh Chi, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình – một khách tham quan Bảo tàng cho biết: “Mặc dù thường xuyên đến Quảng trường 14/10 cùng các bạn nhưng đây là lần đầu tiên em bước chân vào Bảo tàng Thái Bình. Tham quan Bảo tàng, em được tận mắt nhìn thấy những hiện vật chỉ thấy trong sách giáo khoa, qua ti vi, có một cảm giác rất thú vị. Em hiểu biết thêm rất nhiều về mảnh đất và con người Thái Bình, thấy tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương này”.

Là nơi lưu giữ cả quá khứ đất và người Thái Bình, Bảo tàng Thái Bình là kho tư liệu quý đối với người yêu thích tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa xã hội, là nơi giảng dạy truyền thống rất hữu ích cho học sinh. Hy vọng trong tương lai, cánh cửa Bảo tàng sẽ được chào đón nhiều khách đến tham quan, học tập, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến, lịch sử cho nhân dân địa phương, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Thái Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế.

*Bảo tàng Thái Bình có tổng diện tích sàn gần 3.000m2, gồm 3 tầng, thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống kết hợp với hiện đại

*Năm 2003, Bảo tàng khánh thành; mỗi năm phục vụ miễn phí trên 20.000 lượt khách tham quan

*Bảo tàng mở cửa từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần theo giờ hành chính

Vũ Hường

  • Từ khóa