Thứ 2, 06/01/2025, 17:46[GMT+7]

Hiện hữu nếp sống văn hóa nông thôn mới

Thứ 7, 03/01/2015 | 15:35:29
2,191 lượt xem
Quyết định số 17/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 20/11/2012 quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm triển khai thực hiện, tại nhiều địa phương, nếp sống văn hóa nông thôn mới đang dần hiện hữu trong đời sống người dân.

Hát giao duyên tại lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư).

 

Thụy Ninh là xã xa trung tâm của huyện Thái Thụy. Những năm trước, việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang của xã còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lệ đón đường gây khá nhiều phiền phức trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, từ khi Quyết định 17 của UBND tỉnh được triển khai xuống cơ sở, việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang ở đây đã có chuyển biến rõ nét. Lệ đón đường không còn, số lượng cỗ bàn trong đám tang giảm đáng kể, công tác tổ chức tang lễ gọn nhẹ nhưng vẫn trang trọng. Thụy Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc tang.

 

Cũng là một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) có cách làm hay trong quy hoạch nghĩa trang nhân dân. Ông Nguyễn Quốc Việt, cán bộ văn hóa xã cho biết: Trước đây, nghĩa trang nhân dân xã Vũ Đoài được xây tự do, gây lãng phí đất đai, mất mỹ quan, đôi khi còn làm phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Khi Quyết định số 02, nay là Quyết định số 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa được triển khai xuống cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức họp bàn xây dựng dự thảo quy chế quy định việc quy hoạch và quản lý nghĩa trang nhân dân, sau đó chỉ đạo các thôn tổ chức họp, vận động nhân dân đề xuất ý kiến, xây dựng quy chế thống nhất trong toàn xã. Được xây dựng trên tinh thần dân chủ nên quy chế được nhân dân đồng tình ủng hộ, làm theo. Đến nay, xã đã quy hoạch được nghĩa trang theo tiêu chí nông thôn mới, không có sự phân biệt giàu, nghèo.

 

Thực hành tiết kiệm trong tổ chức lễ tang, quy hoạch nghĩa trang văn minh, sạch đẹp, thời gian qua không chỉ tại hai xã trên mà rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Minh, An Ấp (Quỳnh Phụ), Minh Quang (Vũ Thư), An Ninh (Tiền Hải), Thụy Dân, Thụy Văn, Thụy Hà (Thái Thụy), Hồng Minh, Tiến Đức (Hưng Hà)… nếp sống văn hóa trong việc tang cũng hiện hữu trong đời sống người dân. Trong việc tổ chức tang lễ, các hủ tục lạc hậu đang dần được loại trừ, thời gian tổ chức khâm liệm, đưa tang bảo đảm theo đúng quy định.

 

Bên cạnh đó, nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội cũng dần hình thành trong ý thức người dân. Tại các lễ hội lớn của tỉnh như đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà), chùa Keo (Vũ Thư), đền A Sào (Quỳnh Phụ), công tác tổ chức lễ hội văn minh, lịch sự, không có hiện tượng chen lấn trong đền; các hoạt động mê tín dị đoan, trộm cắp, ăn xin giảm rõ rệt, người dân đến lễ hội với tâm thức hướng về văn hóa nguồn cội của dân tộc. Nếp sống văn hóa không chỉ hình thành trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn đang dần hiện hữu thường xuyên, từng ngày tại các địa phương. Hiện nay, hầu hết các thôn làng trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ vệ sinh, người dân thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy định, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng khá sôi nổi. Nếp sống văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng dần hình thành nên số lượng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa trên địa bàn tiếp tục tăng. Năm 2014, số lượng thôn làng văn hóa trên địa bàn tỉnh tăng 3,6% so với năm 2013.

 

Năm 2014:

  • 442.835 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm gần 80% tổng số gia đình toàn tỉnh
  • 25 xã không có thôn, làng đạt danh hiệu “Thôn làng văn hóa”, giảm 12 xã so với năm 2013
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận Thái Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Vũ Hường

  • Từ khóa