Chủ nhật, 28/07/2024, 17:26[GMT+7]

Đào tạo diễn viên chèo lựa "khuôn vàng" trao "thước ngọc"

Thứ 2, 15/11/2010 | 15:14:21
3,504 lượt xem
Trong suốt chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thái Bình, nhà trường luôn tự hào là nơi ươm mầm những tài năng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.

Đã có biết bao thế hệ học sinh chuyên ngành Chèo của trường, khi tốt nghiệp đều được tuyển chọn về công tác tại các đoàn nghệ thuật và sớm nổi danh, trở thành những nghệ sĩ ưu tú, xuất sắc; những cán bộ giáo viên giỏi tiếp tục góp phần đắc lực giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo truyền thống.

 

Ban Giám hiệu trường Cao đẳng VHNT Thái Bình luôn xác định: trường được thành lập trên nền tảng một tỉnh thuần nông nhưng giàu truyền thống văn hóa, “sáng rối, tối chèo”, là một trong những cái nôi Chèo của vùng duyên hải Bắc Bộ. Việc đưa bộ môn chèo vào đào tạo không chỉ gìn giữ mà còn để phát huy giá trị văn hoá truyền thống của quê hương.

 

Cũng bởi chèo là môn nghệ thuật được nảy sinh từ quần chúng mà vốn dĩ Thái Bình có tỷ lệ 80% người dân làm nghề nông, nó còn là “kênh” chuyển tải sử dụng rất nhiều tục ngữ và ca dao dân gian do nhân dân Thái Bình sáng tạo ra qua hàng trăm năm. Loại hình sân khấu chèo ở Thái Bình liên tục phát triển, mang đậm tính dân tộc và đại chúng.

 

Chèo Thái Bình không nằm ngoại lệ trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình dễ hiểu, dễ nhớ.

 

Ban giám hiệu trường đã có quan điểm rõ ràng là: ưu thế  trong nghệ thuật cơ bản trong các vai của diễn viên Chèo là múa mà qua đó thể hiện được tất cả sự uyển chuyển nhịp nhàng của những con người “hai sương, một nắng”. Điệu múa trong Chèo của Thái Bình không hoàn toàn mang tính trừu tượng và tượng trưng, ước lệ như một số loại hình nghệ thuật thông thường khác bởi một lẽ nguồn gốc múa chèo ở Thái Bình là những hình ảnh sinh hoạt, lao động qua các buổi diễn ở nông thôn.

 

Đó cũng là sở trường đào tạo của trường từ trước đến nay nhưng lại có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe mang tính “khuôn vàng, thước ngọc”. Vì vậy khi  môn nghệ thuật chèo truyền thống được đưa vào giảng dạy đã được công chúng và dư luận hoan nghênh.

 

Lịch sử của chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ X, người dân Thái Bình đã liên tục sáng tạo và phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn đem diễn cho công chúng cùng thưởng thức như các vở nổi tiếng: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên... trong đó nội dung của các vở chèo lại lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc.

 

Cách cười của chèo thường ngụ ý chê thói xấu của người đời như các vai: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Chèo Thái Bình luôn thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của người nông dân, trong đó nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn.

 

Thời gian trôi đi, một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân và những vở chèo nổi tiếng kinh điển như: Chu Mãi Thần, Đồng tiền Vạn Lịch, Hoàng Trìu kén vợ, Kim Nham, Lưu Bình Dương Lễ, Nghêu sò ốc hến, Quan Âm Thị Kính, Tuần Ty Đào Huế, Từ Thức gặp tiên, Trần Tử Lệ, Trương Viên; một số trích đoạn chèo tiêu biểu: Thị Mầu lên chùa; Xã trưởng - Mẹ Đốp (vở Quan Âm Thị Kính), Súy Vân giả dại (vở Kim Nham), Đánh ghen (vở Tuần ty Đào Huế), Hồ Nguyệt Cô hóa cáo..., một số giai điệu chèo cổ : Quân tử dịch, Sử bằng, Đò đưa, Tò vò, Nhịp đuổi, Du xuân, Đào liễu, Ngâm bốn mùa, Đường trường trong rừng, Tuyết sương, Quá giang... đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật có cá tính riêng.

 

Dạy chèo, hiểu chèo và hiểu rõ đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng, được coi là “khuôn vàng, thước ngọc”, là cơ sở để giảng viên khoa chèo truyền dạy cho các thế hệ học sinh.

 

Với hướng đi đúng, hiệu quả đào tạo diễn viên chèo của nhà trường những năm qua luôn đạt số lượng, chất lượng cao. Tính đến nay nhà trường đã đào tạo 14 khóa trung cấp chính quy, hai khóa tại chức mỗi khóa từ 20 đến 30 học sinh; Bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn hàng nghìn diễn viên, nhạc công chèo cho cơ sở. Học sinh ra trường được trọng dụng với 100% đều có việc làm. Gần đây nhất, tại Liên hoan ca múa nhạc và sân khấu dân tộc các trường Cao đẳng VHNT toàn quốc, Trường Cao đẳng VHNT Thái Bình có 40 học sinh sinh viên và giáo viên tham gia với chương trình thuần chèo, chủ đề “Mái trường quê lúa hát chèo”. Kết quả, trường Cao đẳng VHNT Thái Bình đoạt bốn huy chương vàng trong đó có một huy chương vàng, về chỉ đạo nghệ thuật; ba huy chương vàng cho các tiết mục đồng thời đoạt giải xuất sắc toàn đoàn.

 

Riêng cá nhân em Quách Thị Xiêm, sinh viên lớp chèo năm thứ hai đoạt nhiều giải nhất với một huy chương vàng tiết mục hát ru đào liễu; cùng với Dương Thị Dung giành huy chương vàng trích đoạn “Thị màu lên chùa” và giành giải tài năng trẻ.

 

Những năm gần đây, nhiều tài năng trẻ của nghệ thuật chèo toàn quốc xuất hiện trong đó có nhiều gương mặt điển hình được đào tạo từ trường như Nguyễn Thu Hằng (nhà hát chèo Hà Nội); Dịu Hương (nhà hát chèo Việt Nam); Văn Mởn (nhà hát chèo Hải Phòng). Mới đây, học sinh Bùi Quốc Phòng tại hội diễn sân khấu toàn quốc giành Huy chương vàng đồng thời nhận luôn giải “Tài năng trẻ sân khấu”. Khi vừa “chân ướt, chân ráo” ra trường đã được nhà hát chèo Hà Nội tuyển dụng, vừa vào đoàn đã được giao đảm nhận vai chính.

 

Nắm được các yếu tố cơ bản và tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa chủ đạo đậm sâu của Thái Bình là nghệ thuật chèo truyền thống, trường Cao đẳng VHNT Thái Bình đã và đang tiếp tục dành nhiều tâm sức để lựa chọn “khuôn vàng” trong vốn văn hóa phong phú của nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời tìm cách tốt nhất để trao “thước ngọc”, ươm mầm những tài năng nghệ thuật Chèo cho tương lai.

Hà Dung

 

  • Từ khóa