Thứ 2, 05/08/2024, 21:25[GMT+7]

Công diễn vở cải lương Mai Hắc Đế

Thứ 4, 28/01/2015 | 16:39:50
1,690 lượt xem
Vở cải lương "Mai Hắc Ðế" (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên), kể về ông vua đen Mai Hắc Ðế - Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, đã chính thức ra mắt khán giả Thủ đô vào tối ngày 27/1, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ.

Một cảnh trong vở cải lương Mai Hắc Đế.

 

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới dự buổi công diễn.

 

Vở diễn đặt trong bối cảnh không gian lịch sử thế kỷ 8, nhưng vẫn hấp dẫn khán giả thông qua những lát cắt thi vị về cuộc đời người anh hùng dân tộc, vị vua tài danh Mai Hắc Đế.

 

Vở cải lương Mai Hắc Đế tập trung phản ánh cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và làm nổi bật hình ảnh thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa này. Hình ảnh nhân vật lịch sử Mai Hắc Đế được xây dựng theo hướng người nông dân bình dị, ý chí kiên cường chứ không phải hình ảnh một người lẫm liệt, đao to búa lớn.

 

Vở diễn gồm tám cảnh, tái hiện cuộc đời Mai Hắc Đế, từ khi chào đời đến khi ông đập tan ách đô hộ của nhà Đường, giành độc lập cho đất nước. Kịch bản tập trung khai thác giai đoạn từ tuổi 20 đến hơn 40 - khi Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu thành công. Đại Đường khi đó rất hùng mạnh. Mai Hắc Đế chỉ là một hào trưởng bản địa, đã đứng lên liên kết cả 32 châu ở An Nam, đồng thời kết giao với ba nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, với lực lượng liên quân thủy – bộ lên tới 40 vạn người.

 

formulas>

 

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi vẻ vang, được sự ủng hộ của nhân dân, Mai Thúc Loan xưng Đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.

 

Vở cải lương Mai Hắc Đế thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, được một số tổ chức xã hội tài trợ về kinh phí để vở diễn có thể sử dụng máy chiếu màn hình led, với rất nhiều hình ảnh minh họa phụ trợ cho phần biểu diễn của các nghệ sĩ trên sân khấu, tái hiện cụ thể hơn không khí của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Việc sử dụng công nghệ chỉ là một trong những thủ pháp nghệ thuật để các vở diễn cải lương đề tài lịch sử trở nên gần gũi và sinh động hơn.

 

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ - kỹ thuật, cùng sân khấu hoành tráng, vở Mai Hắc Đế còn được chú trọng rất kỹ về trang phục cùng sự tham gia của 140 cán bộ, nghệ sĩ, nhạc công, vũ công, võ sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật.

 

Cùng với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật, ghi nhận lớn nhất là những nỗ lực của các nghệ sĩ tham gia vở diễn: Quang Khải (vai Mai Thúc Loan), Dạ Hương (vai Mai Thị - mẹ Mai Thúc Loan), Minh Lý (vai Ngọc Tô - vợ Mai Thúc Loan), Hoàng Tùng (vai Đinh Thế - bố vợ Mai Thúc Loan)... Các nghệ sĩ đều ca và diễn xuất rất tốt, lột tả được đời sống nội tâm của từng nhân vật lịch sử. Đặc biệt, nghệ sĩ Quang Khải trong nhân vật chính Mai Hắc Đế - Mai Thúc Loan đã thể hiện rất thành công thần thái của nhân vật cũng như những diễn biến khá phức tạp. Qua những vai diễn, các nghệ sĩ đã truyền cho khán giả niềm tự hào về một vị anh hùng của dân tộc, khiến họ thêm yêu Tổ quốc mình.

 

Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, với hơn 800 chỗ ngồi, đã không còn chỗ trống. Điều này cho thấy, nếu báo chí truyền thông cũng như các tổ chức xã hội vào cuộc thì sân khấu truyền thống vẫn có sức hút riêng.

 

Vở sẽ công diễn tiếp trong hai đêm 28 và 29/1, số lượng vé mời miễn phí đã hết ngay từ trước đêm công diễn đầu tiên.

 

Sau đó, vở cải lương Mai Hắc Ðế sẽ có chuyến lưu diễn tại Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 1.302 năm khởi nghĩa Hoan Châu, vào các ngày 3 và 4/3.

 

Việc tái hiện hình tượng Mai Hắc Đế trên sân khấu cải lương đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc, nhất là truyền thụ cho thế hệ trẻ hiện nay niềm tự hào về truyền thống oanh liệt, hào hùng của cha ông.

 

Theo NDĐT

  • Từ khóa