Thứ 7, 03/08/2024, 09:12[GMT+7]

Hiệp Lực Giữ văn hóa làng trong thời kỳ hội nhập

Thứ 2, 09/02/2015 | 09:02:16
1,278 lượt xem
Trong thời kỳ hội nhập, trước làn sóng văn hóa ngoại lai, việc cán bộ, nhân dân thôn Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) khôi phục và duy trì các tục lệ truyền thống của làng thật đáng trân trọng.

Một xóm của thôn Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) tham dự lệ lợn. Ảnh: Tư liệu

Khôi phục điệu múa bát dật

 

Múa bát dật là điệu múa có từ xa xưa. Tương truyền, sau khi đánh thắng quân Hán, Hai Bà Trưng mở tiệc khao đãi ba quân. Tướng Lê Ðô - một người con của thôn Hiệp Lực, có mặt trong buổi tiệc đó đã được thưởng thức điệu múa bát dật. Về quê, ông đem điệu múa ấy truyền dạy cho dân làng. Ðầu thế kỷ XX, múa bát dật vẫn thường xuyên được biểu diễn trong những ngày làng mở hội nhưng từ khoảng năm 1935 thì điệu múa bị thất truyền. Với suy nghĩ khôi phục lại điệu múa bát dật sẽ góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, ông Ngô Trọng Phàn, thành viên Ban quản lý di tích đình Hiệp Lực đã đi gặp các bậc cao niên trong thôn, trong xã - những người đã được xem múa bát dật từ những năm 20, 30 của thế kỷ trước để nghe các cụ kể lại những điều mắt thấy tai nghe về lời hát, điệu múa của múa bát dật. Sau đó, ông nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thành các lớp múa và bắt tay vào giai đoạn làm “sống lại” điệu múa. Ðược sự giúp đỡ, hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sau quá trình tập luyện, ngày hội làng, đội múa bát dật thôn ra mắt trong niềm vui mừng của nhân dân địa phương vì đã gìn giữ được nét đẹp văn hóa của quê hương.

 

Giữ lệ cho làng

 

Ở Hiệp Lực, mỗi năm có 4 lệ chính là: lệ bánh giầy, lệ lợn, lệ xôi gà và lệ cá nướng. Theo ông Chu Công Tạm, một người cao tuổi trong thôn, bốn lệ này được các thế hệ dân làng Hiệp Lực đời nối đời duy trì gìn giữ. Hình thức tổ chức, cách thức tiến hành lệ lợn có chút thay đổi so với trước kia còn các lệ khác “xưa như nào nay vẫn vậy”. Trước đây, làng ít dân, số lượng người tham gia vào các lệ không nhiều như bây giờ. Ông Ngô Trọng Phàn, thành viên Ban quản lý di tích đình Hiệp Lực cho hay: Các lệ này đều diễn ra ở đình Hiệp Lực - nơi thờ tướng quân Lê Ðô và thân mẫu của người. Lệ bánh giầy được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng âm lịch. Nguồn gốc của lệ bánh giầy liên quan đến câu chuyện thân mẫu tướng quân Lê Ðô làm bánh giầy đầu năm khao quân sĩ. Ðể tổ chức lệ này, một tháng trước đó, Ban quản lý di tích đình Hiệp Lực phối hợp với chính quyền địa phương thông báo tới nhân dân trong thôn. Những người tham gia sẽ tự nguyện đóng góp kinh phí. Ban quản lý di tích đình Hiệp Lực sẽ mua gạo nếp cái hoa vàng về nấu xôi sau đó 11 xóm trong thôn sẽ cử mỗi thôn 2 nam thanh niên trẻ khỏe để giã xôi, dân làng ngồi cạnh đó tập trung vê bột thành bánh dâng lễ tạ sau đó thụ lộc. Tổ chức vào dịp tết Nguyên đán nên số lượng người tham dự lệ khá đông, người dân tham gia với tinh thần hồ hởi, đoàn kết.

 

Lệ lợn được tổ chức vào ngày 6/2 âm lịch. Nguồn gốc của lệ này bắt nguồn từ câu chuyện xưa kia tướng quân Lê Ðô thắng trận mở tiệc khao quân. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Trước đây lệ lợn cầu kỳ hơn ở chỗ người dân trong thôn sẽ tự nuôi những chú lợn cho ăn trứng, tinh bột, bây giờ các xóm tự mua phục vụ ngày làng có lệ”. Xóm đông dân sẽ mua chú lợn to, xóm ít dân mua chú lợn bé. Trước ngày diễn ra lệ lợn, Ban quản lý di tích sẽ phát áo lính ngày xưa cho các xóm, các xóm tự giết mổ lợn, sáng 6/2 xóm nào làm xong sẽ cử người ra đình báo, một đội chiêng trống do Ban quản lý di tích bố trí sẽ cùng nhân dân trong xóm đó rước lợn ra đình. Các chú lợn được đeo biển xóm và đặt theo thứ tự đến trước, đến sau. Ông Ngô Trọng Phàn, thành viên Ban Quản lý di tích đình Hiệp Lực cho biết thêm: Sau khi tế lễ tại đình Hiệp Lực, các xóm sẽ khiêng các chú lợn về làm cỗ. Cả xóm cùng tham dự, giống như ngày hội thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Lệ xôi gà được diễn ra vào ngày làng mở hội (10/8 âm lịch) tưởng nhớ ngày sinh của tướng quân Lê Ðô. Vào ngày này, các hộ dân trong làng sẽ tự chuẩn bị xôi, gà đến dâng lễ tại đình làng.

 

Là địa phương vừa cán đích nông thôn mới năm 2014, ở xã An Khê nói chung, thôn Hiệp Lực nói riêng, cảnh quan làng quê có nhiều thay đổi. Song những nét đẹp văn hóa cổ truyền không hề bị mai một theo thời gian. Các tục lệ vẫn được duy trì để tri ân công đức của các bậc anh hùng có công với đất nước, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương trong mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Có được điều đó là do đội ngũ cán bộ địa phương, thành viên Ban quản lý di tích thôn chưa từng “bỏ quên” những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, biết hướng người dân xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc quê hương.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa