Chủ nhật, 28/07/2024, 17:27[GMT+7]

Làng Hội Trùng tu chùa An Hội

Thứ 2, 22/11/2010 | 15:44:19
2,986 lượt xem
Chùa An Hội nằm trong quần thể cụm di tích lịch sử văn hoá Đình Hội, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư- tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng ngay từ khi các tiên công về vùng này lập nên ấp An Hội, Thọ Lộc trang. Theo các bô lão trong làng cho biết: Tuổi thọ của Chùa An Hội khoảng trên 1000 năm.

Lễ động thổ xây dựng trùng tu ngôi Tam Bảo chùa An Hội.

Truyền thuyết và thần tích đình Hội cho thấy: Khi Đại Tướng Quân Cối Sớ theo lệnh của Trưng Nữ Vương đem quân về Thọ Lộc trang đánh đuổi quân Tô Định, Ngài đã đến chùa An Hội dâng hương, thỉnh cầu Thánh Mẫu Hồng Vân phù trợ. Đêm đó: Đại Tướng Quân Phạm Cối Sớ đã mộng thấy Thánh Nữ hiển linh, bảo rằng: “Đệ Nhị Công Chúa Quảng Cung và Ta: Thánh Mẫu Phạm Thị Hồng Vân ngự tại An Hội tự.

 

Biết Đại Tướng Quân theo lệnh Hai Bà hành binh về đất này dẹp giặc, Ngọc Hoàng sai Ta đến để phò giúp. Đại Tướng Quân hãy yên lòng, quân đi đến đâu, giặc tan đến đó.” Thánh Mẫu hỏi Đại Tướng Quân về gia sự, Phạm Cối Sớ thực bụng tỏ bầy: “ Tôi sinh ra tại trang Kim Đôi, huyện Vũ Giang, phủ Từ Sơn.

 

Cha là Phạm Điển, mẹ là Nguyễn Thị Thanh. Ngày sinh là mồng Mười tháng Giêng, cha mẹ đặt tên là Cối Sớ, huý là Ngọc Cục. 23 tuổi thì cha mẹ lần lượt về nơi Chín Suối . Khi ấy: Hán Vũ Đế sai Tô Định sang xâm chiếm Văn Lang, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, tôi về Hát Giang được Trưng Nữ Vương  phong làm Đại Tướng Quân, giao cho cầm quân về Thọ Lộc trang đánh giặc.” Thánh Mẫu Hồng Vân cười sảng khoái: “ Những chuyện đó Ta đều biết. Ta còn biết : Khi mới lên 7 tuổi, Đại Tướng Quân đã học thông kinh sử, lại là người văn võ toàn tài.” Nói đến đây thì Thánh Mẫu Hồng Vân cáo từ lui gót.

 

Quả nhiên, khi Đại Tướng Quân Phạm Cối Sớ xuất quân, giặc tan từng mảng. Tướng sỹ và dân làng rất vui mừng, mở tiệc khao quân. Đại Tướng Quân Phạm Cối Sớ chu cấp tiền  để dân An Hội lập miếu, sửa đình, trùng tu Chùa An Hội để thờ Thánh Mẫu và tạ ơn Trời- Đất. Đại Tướng Quân Phạm Cối Sớ dâng biểu xin Trưng Nữ Vương cho được ở lại Thọ Lộc trang, dậy dân học chữ và dậy dân  làm nông nghiệp .

 

Ngày mồng  Mười tháng Tư… dân làng thấy trời đất bỗng tối sầm, gần nhau mà không nhìn thấy mặt. Biết có điềm chẳng lành, cả làng chạy ra Chùa An Hội thì thấy Đại Tướng Quân đã hoá! Trưng Nữ Vương vô cùng thương xót, ban sắc phong  Phúc Đẳng Thần cho Đại Tướng Quân Phạm Cối Sớ và sức cho dân ấp Hội phối thờ Ngài trong miếu, chùa An Hội cùng Thánh Mẫu Hồng Vân.

 

Sắc phong viết:

“ Hoàng Bà Thiên Thượng nhữ cốt hiển linh, âm phù linh ứng tôn thần.

Đương cảnh Thành Hoàng hùng uy trí dũng trợ thắng bảo lưu đôn ngưng trung đẳng thần.”

 

Khi giặc Pháp chiếm Thái Bình, đình Hội và Chùa An Hội xã Minh Khai là nơi tập trung quân của du kích và R10 trước giờ tấn công tiêu diệt địch. Bọn giặc Pháp  đã hành quyết anh Ngôn, anh Khuê, hai du kích làng Hội ngay tại sân đình Hội. Khi người nữ du kích kiên gan của Minh Khai là chị Phạm Thị Thục hy sinh, dân làng Hội đã lấy những câu đối của đình Hội làm quan tài chôn cất chị. Giặc Pháp vô cùng tức tối. Chúng châm lửa thiêu cháy ngôi đình, dân làng Hội chỉ kịp cất giấu được một quả chuông, một khám thờ, một long đình, hai cỗ bài vị của Đại Tướng Quân và Thánh Mẫu.

 

Tuy nhiên: Đình Hội bị chúng đốt nhưng Chùa An Hội vẫn được dân bảo vệ an toàn. Đây vẫn là nơi hợp quân của du kích trước giờ xuất trận.

 

Mới đây: Thể theo nguyện vọng của dân làng, được các cấp có thẩm quyền cho phép, nhân dân thôn Hội góp tiền, góp sức, quyên góp tiền của người làng Hội ở các miền gần, xa để dựng lại ngôi đình ở ngay nền đình cũ. Đình có nơi trang trọng thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, bia ghi danh 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 44 liệt sỹ chống Pháp và chống Mỹ đều là người làng Hội.

 

Dân làng Hội còn tiến cúng tiền, gỗ, sơn và công sức để làng đóng  kiệu bát cống, phật đình, mua sắm nhạc cụ cho đội văn nghệ của thôn, quần áo cho các bà, các chị ở đội Tế nữ quan, khơi dậy các trò chơi dân gian mỗi khi làng mở hội. Đầu năm nay, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Đại Đức Thích Tâm Quán là người con làng Hội, hiện đang trụ trì một ngôi chùa lớn ở Thủ Đô, cùng Thượng Toạ Thích Bảo Nghiêm và ni trưởng Thích Đàm Thanh, Đại Đức Thích Thanh Định về thăm làng Hội, thăm An Hội tự. Đại Đức Thích Tâm Quán đã phát tâm cúng đường công đức tịnh tài toàn bộ vật liệu để dân làng Hội trùng tu Chùa An Hội.

 

Đây là lần trùng tu lớn nhất, chùa được tôn tạo hoàn toàn bằng thiết mộc, vẫn trụ vững trên nền chùa cổ. Ngày động thổ, hàng ngàn tăng ni, phật tử, cùng các chư tôn Đại Đức, Thượng Toạ từ Bắc đến Namon> đều tụ hội về An Hội tự để chứng kiến sự kiện đặc biệt này. Người đến dự đông như một ngày hội lớn.

 

Ông Hoàng Trọng Uy, một sỹ quan quân đội nghỉ hưu và ông Nguyễn Văn Cuông, phó chủ tịch HĐND xã Minh Khai lại được dân làng Hội cử vào ban chỉ đạo trùng tu Chùa An Hội. Trước đây hai ông đã là trưởng phó ban chỉ đạo xây dựng Đình Hội, có uy tín với dân làng. Trong lời khai mạc lễ động thổ, ông Nguyễn Văn Cuông nói: “ Làng Hội là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giầu truyền thống văn hoá, đặc biệt là văn hoá tâm linh.

 

Chùa An Hội là nơi người dân làng Hội gửi gắm cuộc sống tâm linh của mình qua lời kinh, tiếng kệ. Ngôi chùa cổ An Hội Tự đã chứng kiến những sự kiện oai hùng, những bước thăng trầm của miền quê giầu lòng yêu nước! Chùa An Hội sau khi đã trùng tu hoàn chỉnh sẽ là nơi đáp ứng đời sống văn hoá tâm linh của dân làng,  hiển thị giá trị văn hoá kiến trúc cổ kim, là nơi  thắng cảnh và Phật cảnh. Nhân dân làng Hội sẽ bảo quản, xây dựng An Hội Tự thành ngôi chùa đạt tiêu chuẩn : “ Chùa cảnh 4 gương mẫu”.

Cao Bá Khoát

Tự Tân - Vũ Thư

  • Từ khóa