Thứ 2, 06/01/2025, 18:26[GMT+7]

Bản sắc dân tộc của văn hóa Thái Bình (kỳ 1)

Thứ 4, 11/03/2015 | 08:22:03
6,830 lượt xem
Bản sắc dân tộc của văn hóa là nét đặc trưng để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Chính nhờ bản sắc riêng ấy mà sau hàng nghìn năm bị xâm lược, bị thống trị, bị thực hiện âm mưu đồng hóa, dân tộc Việt (Lạc Việt và Âu Việt) vẫn tồn tại, vẫn phát triển đi lên. Việc xác định bản sắc dân tộc của văn hóa, việc giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi địa phương là rất cần thiết, rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sự tồn vong cũng nh

Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà) thu hút đông đảo du khách thập phương. Ảnh: Ngọc Linh

 

Kỳ I: Bản sắc con người Thái Bình

 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chỉ rõ bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bản sắc dân tộc còn đậm nét trong các hình thức thể hiện mang tính dân tộc độc đáo. Nói đến bản sắc dân tộc trong văn hóa là nói đến con người, con người là kết tinh của bản sắc  dân tộc.

 

Người Thái Bình ngoài bản sắc chung của người Việt Nam còn có những nét riêng, nổi trội do nền sản xuất nông nghiệp riêng lẻ chi phối hàng nghìn năm, do vị trí của vùng đất (ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, muốn mở rộng đất con người chỉ có thể tiến ra biển):

 

- Người Thái Bình lao động cần cù siêng năng, chịu đựng gian khổ, cần, kiệm trong lao động, trong cuộc sống; kiên cường đấu tranh chống thiên tai; coi trọng nghề nông, qua lao động đã  tích góp được những kinh nghiệm thâm canh lúa nước và một số nghề truyền thống. “Nghề làm ruộng nước đòi hỏi ở người nông dân bản lĩnh lao động cần cù và thông minh. Không cần cù và thông minh thì không thể trụ được ở vùng đất cửa biển, ven sông này mà nước và trời vừa là bạn, là môi trường sản xuất, lại vừa là đối thủ phải chống chọi hàng ngày, “có cứng mới đứng trước gió”. Không cần cù và thông minh thì không thể có được một hệ thống đê điều, sông đào, mương máng chằng chịt khắp nơi. Không cần cù và thông minh thì không thể có ăn trong nghề làm ruộng nước với những đòi hỏi cao về đầu tư sức lao động và kỹ thuật canh tác”. Thành quả của đức tính cần, kiệm đã biến đất Thái Bình thành đồng ruộng tốt tươi, làng mạc trù phú, đời sống nhân dân ngày càng ấm no...

 

- Người Thái Bình kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống áp bức, chống xâm lược, dám xả thân vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp của dân tộc, của đất nước. Thái Bình từ xa xưa thuộc trấn Sơn Namon> là vùng đất đông dân, lắm thóc nhiều gạo, vựa lúa của vùng đồng bằng sông Hồng, “các triều phí dụng nuôi quân đều ở đấy”. Thái Bình có vị trí chiến lược quan trọng: ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, trong đồng thì “sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, cưỡi một chiếc thuyền nhỏ bỏ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng ai biết lối mà tìm”. Kẻ thù xâm lược không có súng to, tàu lớn nên Thái Bình đã là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Hán, Lương, Tùy, Ðường..., là hậu phương, là tiền tuyến của các cuộc kháng chiến chống quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh, chống Chiêm Thành, chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Những cuộc kháng chiến ấy đã tôi luyện nên phẩm chất: “Nói đến người Thái Bình là phải nói đến khả năng hưởng ứng việc nghĩa, độ nhạy cảm chính trị xã hội của người dân nơi đây”.

 

- Người Thái Bình có ý thức học hỏi, rèn trí, rèn đức để thành tài rồi đem tài năng ra giúp nước, giúp dân, mạnh dạn, thông minh sáng tạo trong cuộc sống. Sống trên đất Thái Bình, người dân không chỉ cần có sức lực mà phải có trí tuệ... Từ xa xưa, người Thái Bình đã cầu tiến, chăm học. Thời phong kiến, Thái Bình có hơn 120 đại khoa trong tổng số hơn 3.000 đại khoa của cả nước, trong đó có những nhà nho “có đức nghiệp lớn”, nhiều người “phò tá có công lao tài đức”, nhiều người là “bề tôi tiết nghĩa”. Công việc làm ăn, đánh giặc giữ nước, xây dựng quê hương hun đúc nên truyền thống hiếu học, nếp sống văn hóa của người Thái Bình. Vì vậy, Thái Bình  được đánh giá “là một vùng quê có học phong nổi trội”. Tiêu biểu cho lớp trí thức Thái Bình thời phong kiến là Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), nhà bác học Việt Namon> thế kỷ XVIII.

 

" Thái Bình - quê hương của nhà bác học Lê Qúy Ðôn, mảnh đất thiêng liêng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, quê hương của cách mạng và khoa học, quê hương của những khó khăn hôm nay và những thành tựu rực rỡ ngày mai..., quê hương của những con người bất diệt, nơi đã bùng lên bao ngọn lửa của phong trào cách mạng, nơi đã giương cao ngọn cờ đầu của năng suất lúa, nơi đã cống hiến bao người con cho sự nghiệp của chúng ta ngày nay..."

 

(Giáo sư Vũ Khiêu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Namon>)

 

Ngoài những phẩm chất kể trên, nét nổi trội của người Thái Bình là tính khảng khái, cương trực. Các sử gia thời phong kiến như Phan Huy Chú (1778 - 1840), Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đều dùng hai chữ “cứng cỏi”, “thẳng thắn”, “cương trực” khi nói về người Thái Bình. Thời phong kiến, các triều đều thiết lập cơ quan Ðô ngự sử để trông coi việc giữ gìn kỷ cương, phép nước, để can gián vua, hặc tội các đại thần... Thái Bình đã có gần 20 đại khoa được giữ cương vị ấy; nhiều người vừa giữ chức Thượng thư vừa kiêm chức Ðô ngự sử. Ðiển hình như: Bùi Sĩ Tiêm (Ðông Hưng) đỗ Nhị giáp tiến sĩ, làm quan tới chức Thái thường tự khanh; tiến sĩ Nguyễn Văn Kiệt, tiến sĩ Nguyễn Tùng Mục, Hoàng giáp Ðặng Ất, Hoàng giáp Ðoàn Nguyên Thục... Trong lĩnh vực cải cách, đổi mới cũng có nhiều tên tuổi được sử sách ghi nhận như Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ (1194 - 1261), nhà bác học Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), nhà canh tân Bùi Viện (1841 - 1878)...

 

125 năm đã qua (1890 - 2015), đặc biệt từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Thái Bình đã là một tỉnh, một vùng đất rộng hơn 1.500 km2, với dân số từ 1 triệu tăng lên đến hơn 1,8 triệu người. Nhân dân Thái Bình đã viết tiếp những trang sử oanh liệt, yêu quê hương đất nước, gắn bó với quê hương đất nước, sẵn sàng xả thân vì quê hương đất nước là truyền thống đạo đức đã thấm vào xương máu các thế hệ người dân Thái Bình.

 

Cùng với việc phát huy những truyền thống, những phẩm chất tốt đẹp, nhiều thập kỷ qua, việc giáo dục để hình thành những phẩm chất của con người mới được coi là nhiệm vụ thường xuyên. Nếp sống tập thể “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” được xem trọng song những ảnh hưởng của nếp sống cũ vẫn còn sâu nặng trong nhiều tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cục về đạo đức và nếp sống của người Thái Bình thì những thiếu sót chỉ là nhỏ, vượt lên trên tất cả là những đạo đức truyền thống đáng kính trọng.

 

Nghiên cứu về Thái Bình, giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã viết: “Tại sao những con người như Lê Quý Ðôn, Bùi Viện, Kỳ Ðồng lại ra đời ở đây chứ không phải ở nơi nào khác? Tại sao Hoàng Công Chất, Phan Bá Vành lại có nguyên quán ở Thái Bình? Tại sao những con người có vinh dự là những anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Namon> như Nguyễn Thị Chiên, Phạm Thị Mỹ, Vũ Tiến Ðề, Trương Ðắc Uy... đều là dân Thái Bình cả? Rồi còn những sự trùng hợp lý thú khác cũng đều từ Thái Bình ra đi như Tạ Quốc Luật, người chỉ huy bắt sống tướng Ðờ Cátxtơri ở Ðiện Biên Phủ, Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975, Phạm Tuân - người đầu tiên ở Ðông Nam Á bay vào vũ trụ... Cũng theo hướng ấy mà sưu tầm còn nhiều trường hợp khác. Sự tình cờ, nếu chỉ là một lần, là chuyện ngẫu nhiên nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần thì phải được xem là có nguyên nhân nào đó mang tính quy luật”.

 (còn nữa)

  Phạm Minh Ðức

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa