Bản sắc dân tộc của văn hóa Thái Bình (kỳ 2)
(Tiếp theo và hết)
Kỳ II: Đặc trưng của văn hóa thái bình
Ở Thái Bình ngày nay hầu như xã nào cũng có lễ hội truyền thống, xã ít là một lễ hội, xã nhiều có tới bốn lễ hội với đủ các loại hình: lễ hội nhằm tái hiện cuộc sống nông nghiệp; lễ hội tôn vinh những anh hùng dân tộc, người có công với dân, với nước; lễ hội tái hiện phong tục tín ngưỡng; lễ hội đua tài, vui chơi giải trí...
Nhiều lễ hội có quy mô lớn như lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) một năm hai lần mở hội vào mồng 4 tháng Giêng và 13 - 15 tháng 9 âm lịch); lễ hội đền Trần (làng Tam Ðường, xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà) tổ chức vào dịp giỗ Trần Thừa, Thái tổ nhà Trần; lễ hội đền Tiên La, đền Buộm xã Ðoan Hùng, xã Tân Tiến (huyện Hưng Hà) tổ chức vào 17 - 20 tháng 3 âm lịch, ngày giỗ của Bát Nạn tướng quân; lễ hội đền A Sào, đền Ðồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ), đền Chòi (xã Thụy Trường), đền Lưu Ðồn, Vạn Ðồn, Tu Trình (huyện Thái Thụy) vào dịp tháng 8 giỗ Hưng Ðạo đại vương. Ðặc biệt, đền Ðồng Bằng còn thờ vua cha Bát Hải đại vương, các thánh mẫu, các quan hoàng..., nơi hội tụ con nhang đệ tử của đạo Mẫu trong cả nước... Những lễ hội này đã thu hút hàng vạn người về dự. Ngoài các lễ hội kể trên còn phải kể đến những lễ hội có quy mô vùng miền như hội Ðồng Xâm (huyện Kiến Xương), hội Lạng, hội miếu Hai Thôn, hội chùa Múa (huyện Vũ Thư), hội đền Quang Lang (huyện Thái Thụy), hội La Vân, hội Lộng Khê (huyện Quỳnh Phụ), hội làng Thượng Liệt, hội chùa Thiên Quý (huyện Ðông Hưng)...
Lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ảnh: Ngọc Trâm
Cùng với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian, diễn sướng dân gian, múa dân gian... Ngày nay, lễ hội trình nghề chỉ còn được tổ chức ở một số hội: trình nghề nông nghiệp chỉ còn được tổ chức ở làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ), trình nghề dệt chiếu ở hội làng Hới (huyện Hưng Hà), trình nghề chạm bạc ở hội Ðồng Xâm (huyện Kiến Xương) nhưng ở hầu hết các lễ hội trong tỉnh đều có những nghi thức gắn với nông nghiệp như tục rước nước, đua thuyền... Hội làng Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) rước nước trên vịnh biển; hội Bổng Ðiền, Kiến Xá (huyện Vũ Thư), hội làng Tam Ðường (huyện Hưng Hà) rước nước trên sông Hồng, nhiều hội rước nước trên sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa... Hội đua thuyền (bơi chải) diễn ra ở nhiều nơi như Ðồng Xâm, Lại Trì (huyện Kiến Xương), Ðồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ), chùa Keo (huyện Vũ Thư), Diêm Ðiền (huyện Thái Thụy)...
Múa dân gian như múa cờ, múa trống, múa sênh tiền - mõ lộn, múa sư tử, múa tứ linh được khôi phục ở nhiều lễ hội, múa trống trắc ở các nhà thờ Thiên chúa giáo... trong đó có những điệu múa có lịch sử lâu đời như: giáo cờ giáo quạt ở làng Thượng Liệt (xã Ðông Tân, huyện Ðông Hưng), múa bát dật ở làng Lộng Khê, làng Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ), múa kéo chữ ở nhiều làng thuộc huyện Quỳnh Phụ.
Các trò chơi mang tính thượng võ, thi tài diễn ra ở nhiều lễ hội như chơi đu, vật cầu, thi vật, đánh gậy, kéo co hố... Bên cạnh đó là các trò chơi tối cổ như trò ông Ðùng bà Ðà, trò đánh hổ, săn bắt cuốc... Các trò chơi đấu trí, thi tài như nấu cơm thi, làm cỗ thi... Nhiều hội làng còn tái tạo những phong tục đẹp để con cháu biết, làm theo như thi gói bánh chưng ở làng Nghìn, làm bánh giầy ở làng Bệ (huyện Quỳnh Phụ), thi làm cỗ chay ở làng Lạng (huyện Vũ Thư), thi bắt cá ở Tam Ðường, Lưu Xá (huyện Hưng Hà), làm cỗ cá ở Tam Ðường, Dương Xá, Vân Ðài...
Thái Bình là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, một vùng dân ca đồng bằng. Ngày nay, nhiều hội làng có thi hát chèo, diễn chèo, ở bất kỳ một hội làng nào người đi hội cũng bắt gặp những giọng hát chèo hay. Nhiều làng chèo nổi tiếng từ xa xưa như Khuốc, Sáo Ðền, Hà Xá... nay vẫn được duy trì. Giới nghiên cứu nghệ thuật suy tôn 7 nghệ nhân ca công là tổ nghề thì Thái Bình có 3 người (Ðào Văn Só, Ðặng Hồng Lân và Ðào Nương). Thái Bình có làng Ðào Ðộng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) - một làng hát chầu văn nổi tiếng. Xưa Thái Bình có hai vùng hát ca trù nổi tiếng là Diên Hà, Chân Ðịnh. Dân gian xưa đã có câu: “Diên Hà lắm bậc ca nhi/ Không sành âm luật chớ đi Diên Hà”. Các tài liệu Hán Nôm mới tìm thấy ở đền Ðồng Xâm khẳng định Trình Thị hoàng hậu (Trình Nương) thờ ở đền Ðồng Xâm và nhiều nơi khác trong huyện Kiến Xương là tổ nghề hát ca trù.
Ngoài hát diễn chèo, tuồng, hát ca trù, hát chầu văn, hát đúm, hát trống quân, cò lả... có ở nhiều làng, Thái Bình là một miền sông nước, xưa có rất nhiều làng quê có hát đò đưa, hò chèo thuyền. Hầu hết các làng trong tỉnh đều có lệ ca hát vào tháng Giêng, tháng hai..., được quy định trong hương ước của làng. Ngoài các tổ nghề ca công, nhiều ca khi chết được lập đền thờ, tôn làm thần. Làng An Ký (xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ) còn lưu giữ được một bài văn tế khi ca nhi nhập tịch.
Một loại hình nghệ thuật gắn với ao hồ là múa rối nước. Thái Bình xưa có 7 phường rối nước, nay còn 2 là làng Nguyễn và làng Ðống, đây là những phường rối có lịch sử lâu đời, có nhiều trò diễn đặc sắc. Rối cạn có chùa Keo (huyện Vũ Thư), làng Ðó (huyện Quỳnh Phụ), Thụy Trình (huyện Thái Thụy). Nhiều làng xưa có thi bơi chải, không chỉ bơi sông trong đồng mà ra cả sông Hồng, sông Trà như hội chùa Keo, hội đền Ðồng Xâm, hội đền Ðồng Bằng, hội làng Cọi, làng Thâm Ðộng, hội làng Lại Trì, làng Diêm Ðiền, nay chỉ còn Diêm Ðiền, Ðồng Xâm, Ðồng Bằng, Lại Trì duy trì vào ngày hội hàng năm.
Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục, phát triển ở nhiều làng quê làm rõ bản sắc dân tộc của văn hóa Thái Bình, cũng là bản sắc của văn hóa Thái Bình. Lễ hội, trò chơi, trò diễn trong lễ hội đã góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú; lễ hội dân gian tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển nền văn minh lúa nước đã có lịch sử hàng nghìn năm trên đất Thái Bình, nuôi dưỡng và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam của người Thái Bình.
Ngoài hát và diễn chèo, các loại hình diễn xướng dân gian như hát đúm, hát dân ca đồng bằng, hát đò đưa, hát ca trù... nay họa hiếm mới còn người hát, không còn làng nào có phong trào mang tính quần chúng rộng khắp. Xưa có hai làng có truyền thống hát tuồng là Ðô Kỳ (huyện Hưng Hà) và Vũ Hạ (huyện Quỳnh Phụ) nay không còn làng nào. Trò chơi kéo chữ chỉ có ở huyện Quỳnh Phụ, nay đã bỏ, chỉ còn làng La Vân, làng Lộng Khê thường tổ chức múa trong ngày hội làng. Thi pháo đất chỉ có ở một số làng ở hai huyện Ðông Hưng, Quỳnh Phụ, nay làng Tuộc, làng Vàng, làng Ðún, làng La Vân... vẫn tổ chức thi.
Kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh là dịp để nhìn lại cái được và chưa được trong thời gian qua. Hy vọng, việc gìn giữ và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp, duy trì và phát triển những di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa phi vật thể ở Thái Bình được đẩy mạnh hơn, làm sống lại những di sản văn hóa vốn có ở Thái Bình chưa được đánh thức để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã đề ra.
Phạm Minh Ðức
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, chúc tết Trường Đại học Y Dược Thái Bình
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chính trị dịp tết Nguyên đán tại phường Trần Hưng Đạo
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu ở một số cơ quan, đơn vị
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tặng quà Làng trẻ em SOS Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy trao quà tết tại xã An Thanh
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ