Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Ảnh: Minh Đức
Kỳ I: Di sản văn hóa vật thể
Thái Bình hiện tồn tại trên 2.200 di tích, là các thiết chế văn hóa làng xã gồm đình, đền, chùa, miếu, phủ, điện, từ đường dòng họ... Cùng với các thiết chế đó là hàng chục nghìn hiện vật, di vật được lưu giữ, bảo tồn tại di tích ở các huyện, thành phố và Bảo tàng tỉnh, trong đó có rất nhiều cổ vật và bảo vật quốc gia bằng nhiều chất liệu và loại hình (gỗ, đá, kim loại, giấy, vải, đất nung, gốm, sứ...).
Trên lĩnh vực di tích lịch sử văn hóa: Ngành Văn hóa Thông tin, nay là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành kiểm kê, nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp. Ðến nay đã kiểm kê trên 2.200 di tích, 2 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà). Ðã xếp hạng 110 di tích cấp quốc gia, 498 di tích cấp tỉnh với các loại hình: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học. Tiêu biểu như các di tích lịch sử: đền Tiên La (xã Ðoan Hùng, huyện Hưng Hà), đền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ), Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư), Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh (thị trấn Diêm Ðiền, huyện Thái Thụy), khu lăng mộ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải), đình, đền La Vân (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ), từ đường nhà bác học Lê Quý Ðôn (xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà).
Biểu diễn múa rối nước tại xã Nguyên Xá, huyện Ðông Hưng. Ảnh: Ngọc Trâm
Di tích khảo cổ: Khu lăng mộ các vị vua triều Trần (xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà); địa điểm chùa Còng (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà) - nơi phát hiện trống đồng Ðông Sơn đầu tiên ở Thái Bình và Hành cung Lỗ Giang thời Trần ở xã Hồng Minh, lăng mộ các vua Lê (xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà), khu lăng mộ thời Lê (xã Chương Dương, huyện Ðông Hưng)...
Bên cạnh đó, chúng ta đã và đang quản lý, sử dụng, bảo quản hàng chục nghìn hiện vật bảo tàng, trong đó có nhiều cổ vật và một số bảo vật quốc gia. Ðây là những di sản văn hóa phản ánh truyền thống đất và người Thái Bình được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Bảo tàng tỉnh là một thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh, là bảo tàng loại II trong hệ thống bảo tàng cả nước, có vị trí thuận lợi, trưng bày đẹp, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh phục vụ gần 2.000 lượt khách tham quan; tổ chức nhiều đợt trưng bày chuyên đề cố định và lưu động trên địa bàn tỉnh phục vụ nhân dân, nhiều cuộc trưng bày để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Ðã sưu tầm mỗi năm trên 200 tài liệu, hiện vật, tổ chức bảo quản, bảo dưỡng góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Ðể tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể nói riêng, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm kê di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh nhằm nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di tích phục vụ công tác xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ xếp hạng cấp cao hơn và tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích. Tiếp tục lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt: đình, đền Bến Tượng A Sào (huyện Quỳnh Phụ), Hành cung Lỗ Giang và đền Trần xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà); Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh (huyện Thái Thụy); đình An Cố (huyện Thái Thụy); Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư).
Lễ hội bơi chải truyền thống tại thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy) năm 2015. Ảnh: Ngọc Linh
Bên cạnh đó, cần điều tra, khảo sát các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên đáp ứng tiêu chí của di tích, đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh và đề nghị xếp hạng cấp tỉnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Triển khai lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh, trong đó ưu tiên các di tích liên quan đến lịch sử nhà Trần trên đất Thái Bình, các di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, các di tích lịch sử trọng điểm (các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân tiêu biểu qua các thời kỳ của tỉnh). Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích có liên quan đến không gian trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trở thành những địa điểm du lịch có giá trị cao, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hiện nay. Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm tham quan, di tích; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các di tích bảo đảm đạt yêu cầu cao về trình độ, ngôn ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách tham quan, nghiên cứu. Tăng cường hoạt động quảng cáo, hướng dẫn trực quan và các kênh thông tin đại chúng về các di tích lịch sử văn hóa.
Ðối với Bảo tàng tỉnh, là thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh nên những năm tới cần được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục như: nhà trưng bày cố định, nhà trưng bày chuyên đề, khu trưng bày ngoài trời, kho bảo quản hiện vật và nhà làm việc của cán bộ để đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống, là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch. Ứng dụng một cách hợp lý và hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản hiện vật bảo tàng; kết hợp giữa phương pháp trưng bày bảo tàng truyền thống với trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, thường xuyên bổ sung tài liệu hiện vật mới cho Bảo tàng tỉnh thông qua các hình thức sưu tầm, mua bán, trao đổi, hiến tặng; đẩy mạnh tư liệu hóa hiện vật gốc, nhất là những sưu tập hiện vật lịch sử, quý hiếm để nâng cao sức hấp dẫn của Bảo tàng tỉnh đối với công chúng.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh cần chú trọng nghiên cứu, lập hồ sơ các cổ vật, bảo vật quốc gia trình Hội đồng Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quản lý theo quy định của Luật Di sản; đầu tư xây dựng tại Bảo tàng tỉnh những khu vực hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, hát chèo, hát ca trù và các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh; xây dựng vườn cây lưu niệm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong khuôn viên nhà Bảo tàng, tạo không gian xanh, hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với trưng bày hiện vật và cây cảnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm đẩy mạnh và đổi mới công tác trưng bày tuyên truyền, đưa di sản về với công chúng và học đường thông qua các cuộc trưng bày lưu động tới các cơ sở, trường học trong tỉnh, tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại chỗ, xây dựng kế hoạch tổ chức phục vụ quần chúng phù hợp, lấy hiệu quả tuyên truyền làm mục đích quan trọng hàng đầu.
Một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này là cần khôi phục, xây dựng mới các nhà truyền thống huyện và xã. Ðây là một thiết chế văn hóa - nơi lưu giữ và trưng bày các tài liệu hiện vật phản ánh lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội của một địa phương qua các thời kỳ.
Di sản văn hóa là toàn bộ sản phẩm tinh thần, vật chất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tồn tại dưới dạng văn hóa vật thể (di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) và văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội tri thức dân gian và nghề thủ công, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình là hoạt động vô cùng cần thiết và quan trọng. Ðể thực hiện nhiệm vụ này sẽ phải xây dựng nhiều dự án đầu tư có trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh; đồng thời, cần có sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành trong tỉnh.
(còn nữa)
Vũ Ðức Thơm
(Giám đốc Bảo tàng tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2025 09.03.2025 | 18:18 PM
- Gần 350 vận động viên nữ tham gia hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần 14.02.2025 | 17:30 PM
- Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội đền Trần 13.02.2025 | 15:57 PM
- Lễ tế mở cửa đền và dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần 10.02.2025 | 15:12 PM
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
-
Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước