Chủ nhật, 28/07/2024, 17:12[GMT+7]

VÀI SUY NGHĨ VỀ MỸ THUẬT THÁI BÌNH TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Thứ 2, 29/11/2010 | 08:04:17
2,371 lượt xem
Mỹ thuật Thái Bình là lĩnh vực sớm hoà nhập được với khu vực và toàn quốc. Một số nhà chuyên môn, phê bình lý luận Mỹ thuật trong cả nước đã bắt đầu chú ý và đánh giá tiềm năng của Mỹ thuật Thái Bình.

Đội ngũ nghệ sỹ và người yêu Mỹ thuật ngày càng một đông đảo. Các nguồn thông tin được mở rộng qua nhiều phương tiện như sách, báo, tạp chí, internet… các Gallery, các nhà sưu tập, người chơi và tiêu thụ tác phẩm nghệ thuật cũng đã ngày một nhiều hơn.

Chính sách của Nhà nước đã có những thay đổi để phù hợp với thời kỳ đổi mới. Hoạt động hợp tác, trao đổi triển lãm, các cuộc thi Mỹ thuật, các cuộc triển lãm trong nước và Quốc tế diễn ra ngày một nhiều, phong phú và sinh động hơn. Bên cạnh đó là các Trung tâm Văn hoá của các khu vực cũng như của các địa phương hoạt động tích cực. Chính sách hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật của Nhà nước và các Quỹ hỗ trợ nghệ thuật của các tổ chức trong nước cũng như Quốc tế đã góp phần làm sinh động và kích thích bầu không khí sáng tạo của giới hoạ sỹ.

Đối với phong trào Mỹ thuật của Thái Bình thực sự có nhiều đổi mới và ít nhiêù đã khẳng định được vị thế của mình trong khu vực cũng như cả nước.  Một thời kỳ giao thoa giữa các thế hệ hoạ sỹ trong Mỹ thuật Thái bình. Triển lãm khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Tây (năm 1996) với sự tham gia của 17 hoạ sỹ.

 

Trong đó có tới 8 người là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt nam (6 Hội hoạ và 2 Điêu khắc). Một lực lượng khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy vậy phong trào sáng tác thời kỳ này rất thú vị và thực sự chi hội Mỹ thuật Thái Bình là cầu nối cho các hội viên tham gia sáng tác.

 

Các tác giả thường xuyên thăm hỏi động viên nhau mỗi khi có tác phẩm mới hoặc giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong sáng tác. Đó chính là động lực thúc đẩy tích cực, và thu hút càng nhiều lực lượng hoạ sỹ trẻ tham gia vào phong trào sáng tác của Chi hội.

 

Góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động Mỹ thuật của Thái Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ, sau mỗi lần triển lãm khu vực hay triển lãm ở Thái Bình các hoạ sỹ lại thêm một lần nhận thức được trách nhiệm và thái độ làm việc của mình. Phong trào Mỹ thuật trở thành nhịp cầu nối giữa các thế hệ hoạ sỹ và các ngành nghệ thuật khác. Góp phần phản ánh công cuộc đổi mới và phát triển của Thái Bình trong xu thế hội nhập và phát triển toàn diện.

 

Các hoạ sỹ đã chuyên tâm cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật và dành trọn tâm huyết của mình vì một nền Mỹ thuật phát triển. Chính vì vậy mà Chi hội mỹ thuật Thái Bình ngày càng thu hút đông đảo các hoạ sỹ trẻ và những người yêu mên Mỹ thuật tham gia vào phong trào sáng tác Mỹ thuật. Hàng năm chi hội nhận được rất nhiều hồ sơ xin tham gia vào hoạt động tại Chi hội.

 

Phần lớn là các hoạ sỹ trẻ, điêù này cho thấy các lớp đàn anh đi trước đã có một đội ngũ kế cận đáng tin tưởng. Cho tới thời điểm hiện tại Chi hội đã có tổng số 27 hội viên, trong đó một tác giả nữa được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt nam. Nâng số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam lên con số 9 trên 27 hội viên, điều mà ít địa phương nào có được. Phong trào hoạt động sáng tác càng trở nên sôi nổi hơn khi các hoạ sỹ tự khẳng định mình.

 

Cụ thể đã có nhiều hoạ sỹ sáng tác tích cực và đầu tư nhiều hơn cho chất liệu và tác phẩm. Trong những thành quả lao động đó là triển lãm cá nhân của một số hoạ sỹ được giới thiệu và trưng bày tác phẩm của mình tại Hà Nội và Thái Bình. Như hoạ sỹ Đỗ Như Điềm, Hoàng Trung Dũng, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Sinh Cung… được đông đảo các đồng nghiệp, Hội Mỹ thuật Việt Nam, các nhà phê bình lý luận và những người yêu mến Mỹ thụât trong và ngoài nước đánh giá, ghi nhận. Một số hoạ sỹ đã sống được bằng tác phẩm của mình thông qua việc triển lãm và công bố tác phẩm tại nhiều trung tâm và các Galary trong toàn quốc.

 

Ghi tên mình vào trong danh sách những hoạ sỹ đương đại của Mỹ thuật Việt Nam Hiện đại. Ngoài hoạt động triển lãm thường kỳ tại các khu vực, Hội mỹ thuật Việt còn tổ chức các trại sáng tác cho Hội viên và Chi hội Mỹ thuật địa phương. Chi hội mỹ thuật Thái Bình là một chi hội địa phương được Hội Mỹ thuật Việt đặt niềm tin rất cao.

 

Hội Mỹ thuật Việt đã 6 lần tổ chức cho Chi Hội mỹ thuật Thái Bình dự trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại. Đây chính là cơ hội cho các hoạ sỹ được dịp giao lưu học hỏi và cọ sát với những đồng nghiệp ở các nơi trong toàn quốc. Những lần tham gia trại sáng tác tại Hà Nội đều được các hoạ sỹ nhiệt tình tham gia với một tinh thần làm việc tập trung cao độ, ý thức học hỏi, cầu thị và đầy trách nhiệm khi các hoạ sỹ được tiếp cận những chất liệu và loại hình nghệ thuật mới.

 

Những tác phẩm sáng tác tại trung tâm đều được Hội đồng nghệ thuật của Hội mỹ thuật Việt đánh giá rất cao, một số tác phẩm được lưu giữ tại trung tâm. Đây là niềm tự hào của Mỹ thuật Thái Bình trong thời kỳ đổi mới. Chính vì những thành tích đầy tự hào mà các thế hệ đàn anh đã và đang có được cho nên thế hệ hoạ sỹ trẻ kế cận cũng ý thức được trách nhiệm của mình.

 

Do điều lệ của Hội VHNT có tiêu chí nhất định nên một số hoạ sỹ trẻ chưa được kết nạp vào Chi hội Mỹ thuật. Đó cũng là một thách thức và cơ hội cho thế hệ hoạ sỹ trẻ ý thức hơn nữa trong con đường sáng tác của mình. Chính vì lẽ đó mà các anh em trẻ đã hội tụ nhau lại và thành lập nên Câu lạc bộ Hoạ sỹ trẻ Thái Bình. Câu lạc bộ hoạt động độc lập (có điều lệ, mục đích, tôn chỉ riêng), tự đóng góp kinh phí và tự tổ chức sáng tác trưng bày.

 

Triển lãm đầu tiên của CLB ra mắt nhân ngày Thị Xã Thái Bình được nâng cấp lên thành Thành phố Thái bình (năm 2004) được đông đảo các hoạ sỹ và những người yêu mến Mỹ thuật đánh giá cao và sau đó các hoạ sỹ trẻ tổ chức triển lãm tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, dưới sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hiện tại ở Việt Nam mới có 2 CLB hoạ sỹ Trẻ do Hội Mỹ thuật Việt nam thành lập, 1 ở Hà Nội, 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đây cũng lại là một dấu mốc đầy ấn tượng nữa cho Mỹ thuật Thái Bình. Hội Mỹ Thuật Việt nam cũng đang rất quan tâm đến việc thành lập các CLB hoạ sỹ trẻ ở các địa phương và có thể CLB hoạ sỹ trẻ Thái Bình là một mô hình phát triển đáng được nhân rộng trong toàn quốc.

 

Trong lần triển lãm khu vực gần đây nhất tổ chức tại Hà Nội (tháng 7 năm 2008) Mỹ thuật Thái Bình một lần nữa cho thấy thế hệ hoạ sỹ trẻ của Thái Bình đang tiếp nối và phát huy những thành tích của thế hệ đi trước, với 4 tác phẩm của 4 tác giả trẻ được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giấy khen và giới thiệu tham dự giải thưởng UBLH VHNT toàn quốc. Đây là một cơ hội tạo đà cho Mỹ thuật Thái Bình phát triển.g thời gian tới  cùng với chế độ, chính sách hỗ trợ các tác giả và tác phẩm, Mỹ thuật Thái Bình sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.

 

Tuy vậy, trong quá trình phát triển có tính chất bùng nổ như hiện nay, Mỹ thuật Thái Bình không tránh khỏi những vấn đề mà nhiều khi các nghệ sỹ, các nhà quản lý, người thưởng thức, các nhà phê bình… chưa chia sẻ được với  nhau?

 

Với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ đổi mới này, không ít chế độ, chính sách kể cả năng lực quản lý của chúng ta cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định? Do vậy một phần nào đó cũng tác động đến quá trình phát triển của ngành văn hoá nghệ thuật nói chung, và riêng với Mỹ thuật còn có những khó khăn hơn vì dù sao chăng nữa Mỹ thuật đến với công chúng lại là điều không dễ chút nào?

 

Quả là khó? Bên cạnh đó công tác lý luận, phê bình hạn chế và yếu kém?? Chưa theo kịp với thực tế của nghệ thuật! Vấn đề giáo dục nghệ thuật ở các cấp phổ thông và trong xã hội còn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của công chúng yêu nghệ thuật! Vai trò xã hội của người nghệ sỹ cũng như văn hoá tạo hình của người nghệ sỹ cũng còn nhiều điều cần trao đổi.?

 

Qua hơn 10 năm đổi mới, từ một xu hướng chung là Mỹ thuật hiện thực XHCN chuyển sang một thời kỳ nghệ thuật phong phú, đa dạng, đa chiều. Mỹ thuật Thái Bình tuy phát triển mạnh nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thăng trầm, bộc lộ những mặt yếu kém, thiếu chuyên nghiệp và năng lực quản lý hạn chế?

 

Đây thật sự là một thách thức lớn đối với những người quản lý, những nhà phê bình lý luận, những nghệ sỹ sáng tác, và cả những người yêu mến nghệ thuật tạo hình.

 

Hy vọng những suy nghĩ về Mỹ thuật Thái Bình trong thời kỳ đổi mới tạo được một diễn đàn cởi mở cho tất cả mọi người chúng ta hiểu nhau hơn, cùng nhìn nhận lại những thành tựu và các vấn đề của Mỹ thuật TháI Bình trong thời gian qua.

 

Cùng nhau chia sẻ  những kinh nghiệm, đóng góp những ý kiến và giải pháp quý báu nhằm đưa Mỹ Thuật Thái Bình phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Xứng đáng với niềm tin của những người yêu mến Mỹ thuật. Góp phần vào công cuộc đổi mới  của  Đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

                                                                  

                                                      Hoạ sỹ: Hoàng Trung Dũng

(Trường Cao đẳng  VHNT Thái Bình) 

  • Từ khóa