Thứ 5, 01/08/2024, 15:13[GMT+7]

Vang mãi khúc hoan ca “Như có Bác trong ngày đại thắng”

Thứ 2, 20/04/2015 | 10:00:25
3,546 lượt xem
...Qua năm tháng, nhiều thứ có thể bị thời gian xóa mờ nhưng sức sống của khúc hoan ca “Như có Bác trong ngày đại thắng” sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam và bè bạn năm châu. Điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên theo lời hát của mỗi người dân nước Việt ở từng góc phố, trên các khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế. “Đó là sự ghi nhận của cuộc sống, của nhân dân, là phần thưởng lớn nhất đối với một người nhạc sĩ” - nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên ôn lại kỷ niệm 40 năm sáng tác ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

 

Chiều tháng 4 đầy nắng, phố Vạn Bảo rợp bóng cây dẫn lối vào căn gác nhỏ tầng ba, nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên đang sống. Sau tiếng chuông cửa, ông ra đón tôi vào nhà. Có khách đến chơi ông rất vui. Người nhạc sĩ của nhân dân với những sáng tác bất hủ đã đi vào lòng bao thế hệ người yêu nhạc Việt Namon> như: “Chiếc đèn ông sao”, “Ðảng đã cho ta cả một mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Ðêm trên Cha Lo”, “Từ một ngã tư đường phố”… Ngoài ra, không thể không kể đến khúc hoan ca “Như có Bác trong ngày đại thắng” vang lên trong ngày đất nước sạch bóng thù, non sông thu về một mối. Qua câu chuyện của ông, kỷ niệm của những ngày tháng Tư lịch sử 40 năm trước lại ùa về.

 

Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên phụ trách Ban Âm nhạc Ðài Tiếng nói Việt Namon>. Thời điểm đó, lực lượng nhạc sĩ công tác ở Ðài Tiếng nói Việt Namon> khá đông, sức viết khỏe. Trước khí thế tấn công thần tốc của quân giải phóng, tin thắng trận dồn dập bay về, anh em nhạc sĩ làm việc ở Ðài động viên nhau sẽ viết ca khúc về ngày giải phóng, ai cũng dồn tâm huyết để sáng tác những ca khúc hướng về miền Nam. Khoảng đầu tháng Tư, ông Trần Lâm, Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Namon> luôn nhắc: “Sắp tới sẽ có một chiến thắng rất lớn, anh em nên cố gắng có được các tác phẩm âm nhạc ca ngợi chiến thắng vĩ đại đó”. 21 giờ 30 phút ngày 28/4, khi Ðài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đêm một phi công của ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, trong đầu nhạc sĩ Phạm Tuyên hiện lên ý nghĩ: “Ðến Tân Sơn Nhất là sắp đến Sài Gòn rồi, chắc chắn một vài ngày nữa là giải phóng, phải viết ngay một bài hát reo vui nức lòng, cùng mọi người đổ ra đường mừng ngày toàn thắng”. Lòng tràn ngập niềm vui, không ngủ được, ông ra ban công đứng và nghĩ về ngày đất nước thống nhất. Với giấy và cây bút chì trong tay, người nhạc sĩ lặng lẽ suy tưởng, những câu chữ chắt ra từ cảm xúc tuôn chảy trong lòng. Cảm xúc về Bác Hồ, về lần đầu tiên được gặp Bác khi Người đến thăm Khu học xá Trung ương (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) năm 1955, về những câu thơ chúc tết của Người: “Vì độc lập, vì tự do/Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã chắp cánh để nhạc sĩ viết nên ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Ðiều đặc biệt là điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh” được viết trước, sau đó viết đến đoạn đầu “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”. Trong bài hát, từ “ba mươi năm” được nhạc sĩ nhắc lại hai lần. Với thế hệ ông, mốc thời gian 30 năm rất quan trọng. Ðó là chặng đường dài một dân tộc khát khao hòa bình, tự do, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, giờ sắp đến ngày toàn thắng. “Như có Bác trong ngày đại thắng” được viết trong hai tiếng đồng hồ (từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút ngày 28/4/1975), không sửa một chữ nào. Trong tâm thức của người nhạc sĩ tài hoa, hai tiếng đồng hồ tổng kết cho những chặng đường đã kinh qua của một dân tộc, là tiếng lòng của 30 năm dồn nén, hai tiếng đồng hồ cho cả cuộc đời, món nợ tinh thần với Ðảng, với dân suốt bao ngày trăn trở nay đã hoàn thành.

 

Ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” in và lưu hành tại 48 tỉnh, thành phố của Nhật Bản tháng 5/1978.

 

Ngày 29/4/1975, ông đưa sáng tác của mình cho hội đồng duyệt nhạc Ðài Tiếng nói Việt Namon> xem và nhận được câu trả lời: Bài này là ca khúc cộng đồng và còn chưa chiến thắng nên đợi đến ngày 7/5 - kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ sẽ thu và phát sóng. Nhưng tin chiến thắng dồn dập báo về, trưa ngày 30/4/1975, ông Trần Lâm gọi điện cho nhạc sĩ Phạm Tuyên lên cơ quan. Ðầu giờ chiều, tại Ðài Tiếng nói Việt Nam, khi ông Trần Lâm hỏi về tác phẩm, nhạc sĩ Phạm Tuyên đứng cạnh cầu thang cất lên những tiếng hoan ca trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng:

 

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng

Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”

 

Vừa nghe xong, ông Trần Lâm vỗ tay: “Ngay chiều hôm nay triệu tập đoàn ca nhạc của Ðài lên thu thanh bài hát này, chỉ cần bài ngắn thế này thôi để 17 giờ phát sau khi công bố tin đại thắng”. Ánh mắt người nhạc sĩ rạng ngời, ông xúc động kể tiếp: “Là người dự nhiều cuộc thu thanh nhưng chưa bao giờ tôi dự một cuộc thu thanh đặc biệt như thế. 14 giờ, dàn hợp xướng Ðài Tiếng nói Việt Namon> gồm 40 người do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, ca sĩ Ðặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng cất lên tiếng hát:

“…Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông

Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.

Việt Namon> Hồ Chí Minh, Việt Namon> Hồ Chí Minh…”

 

Niềm xúc động về ngày đất nước thống nhất trào dâng trong phòng thu, từ nhạc công đến nhạc sĩ, ca sĩ, vừa đàn vừa hát mà mắt ai cũng rớm lệ. 15 giờ 30 phút, bài hát được thu xong. 16 giờ, ông Trần Lâm báo cho cán bộ Ban Tuyên huấn và các trưởng ban đối nội, đối ngoại của Ðài Tiếng nói Việt Nam đến nghe ở phòng thu. Sau khi nghe xong, mọi người chạy lại bắt tay chúc mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong lòng người nhạc sĩ trào dâng niềm vui hạnh phúc vì tác phẩm của mình được chấp nhận. Với ông, “lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó”. Ðúng 17 giờ 5 phút ngày 30/4/1975, sau khi phát bản tin thời sự đặc biệt, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” được truyền đi trên hệ thống phát thanh của Ðài Tiếng nói Việt Nam, liên tiếp cho đến tận nửa đêm, tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới rằng miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. “Như có Bác trong ngày đại thắng” với hình ảnh chủ đạo là Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, cùng mốc thời gian 30 năm đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, nhịp điệu được nhạc sĩ Phạm Tuyên khống chế trong một âm vực rất hẹp, kết cấu bài hát ngắn gọn, tầm cữ giọng vừa, khúc thức, nhịp điệu ngắn, ca từ mang tính khái quát, cô đọng, hàm súc như một tuyên ngôn mà lại ngắn gọn, cả nhan đề và lời chưa đến 60 từ, dễ nhớ nên mọi người có thể đồng thanh hát được.

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động kể thêm: “Ðiều tôi ngạc nhiên nhất là sáng hôm sau, trên đường đi từ tập thể Ðại La lên Ðài Tiếng nói Việt Nam, khi qua hồ Gươm, tôi thấy các xe mui trần, quân nhạc thổi bài này, Nhạc viện Hà Nội kéo violon cũng kéo bài này, ai cũng hân hoan hát ca khúc này... Lúc đó, tôi viết cho bản thân tôi với mục đích khiêm tốn ban đầu là tiếng reo vui cho mọi người nhưng cảm xúc được cộng hưởng và thăng hoa cùng cả dân tộc trong ngày toàn thắng nên không ngờ sức lan tỏa của bài hát lại nhanh và rộng như vậy”. Sau một tuần, bài hát được vang lên qua sóng phát thanh từ Sài Gòn, được coi như sợi dây kết nối, xóa nhòa ranh giới tinh thần giữa hai miền đất nước.

 

Trước đây, sau khi kết thúc mỗi cuộc họp, chúng ta thường sử dụng bài hát “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh” của Trung Quốc. Trước năm 1975, nhà thơ Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa gặp và giao nhiệm vụ cho các nhạc sĩ viết một bài hát cộng đồng để hát lên sau mỗi cuộc mít tinh, gặp mặt. Ngay sau khi ra đời, “Như có Bác trong ngày đại thắng” được cất vang trong mỗi dịp hội họp, liên hoan như một niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc. Khi gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông Cù Huy Cận nhận xét: Bài hát này Chính phủ không chọn, Bộ Văn hóa không chọn mà được chính nhân dân chọn và hát, đây là bài hát của nhân dân.

 

Tại Nhật Bản, do tính cộng đồng của “Như có Bác trong ngày đại thắng” rất cao, tháng 5/1978, bài hát được in và lưu hành rộng rãi để nhân dân tại 48 tỉnh, thành phố ca vang trong mỗi dịp hội họp. Năm 1979, khi đoàn ca múa nhạc của Việt Namon> sang biểu diễn ở Nhật Bản, các bạn Nhật Bản ra sân khấu đề nghị được hát bằng tiếng Nhật cùng đoàn Việt Namon> ca khúc này. Chủ tịch Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản đã tâm sự với tác giả bài hát: Chúng tôi hát bài này không chỉ ca ngợi ngày chiến thắng 30/4/1975 của các bạn mà còn ca ngợi đất nước Việt Namon> dưới thời đại Hồ Chí Minh. Sau đó, các bạn Nhật Bản đã gửi tặng đoàn Việt Nam bản in bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” bằng tiếng Nhật. 40 năm qua đi, bài hát vẫn vang mãi không chỉ qua bao thế hệ người Việt Nam mà sức lan tỏa còn ra cả phạm vi thế giới. “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Ðức, Nhật (dịch năm 1978), Nga (dịch năm 1979)... và lại vang lên trong mỗi dịp liên hoan ca khúc chính trị tại Tiệp Khắc, Bungari, Mông Cổ, Lào...

 

Trong ký ức của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông vẫn không quên cuộc gặp gỡ tại Huế với các nhạc sĩ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000. Khi các tiết mục văn nghệ đang được trình diễn, chợt một đoàn khách du lịch Nhật Bản đến và xin hát góp vui. Ðoàn khách Nhật Bản xin hát hai bài, bài đầu tiên là Hoa anh đào, ca khúc dân ca Nhật Bản rất nổi tiếng và bài thứ hai, khiến không chỉ nhạc sĩ mà tất cả mọi người đều bất ngờ và vô cùng xúc động, đó chính là “Như có Bác trong ngày đại thắng” được thể hiện bằng tiếng Nhật. “Khi các bạn ấy hát bài của tôi, họ hát bằng tiếng Nhật nên ở dưới các nhạc sĩ chỉ biết vỗ tay theo, nhưng đến đoạn điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh” thì không ai bảo ai, tất cả đều đồng thanh hát tiếng Việt. Thắt chặt thêm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, năm 2005, “Như có Bác trong ngày đại thắng” được nhạc sĩ người Nhật Bản Takimoto lấy làm chủ đề cho tác phẩm giao hưởng 4 chương của mình.

 

Qua năm tháng, nhiều thứ có thể bị thời gian xóa mờ nhưng sức sống của khúc hoan ca “Như có Bác trong ngày đại thắng” sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam và bè bạn năm châu. Ðiệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên theo lời hát của mỗi người dân nước Việt ở từng góc phố, trên các khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế. “Ðó là sự ghi nhận của cuộc sống, của nhân dân, là phần thưởng lớn nhất đối với một người nhạc sĩ” - nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa