Thứ 2, 29/07/2024, 17:27[GMT+7]

Những “cánh tay nối dài” của Thư viện tỉnh

Thứ 2, 20/04/2015 | 20:57:26
2,416 lượt xem
Với trên 200 nghìn đầu sách, gần 18 nghìn báo, tạp chí đóng tập, hàng năm Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh cấp 2.000 thẻ bạn đọc, phục vụ 60.000 lượt người đọc với 400.000 lượt tài liệu luân chuyển. Ðây là nơi nhân dân có thể thỏa mãn nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí qua sách báo.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Tân (Kiến Xương) đọc sách tại Thư viện xã.

 

Mở cửa phục vụ tất cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh song hiện nay đối tượng bạn đọc chủ yếu của Thư viện là cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, đoàn thể, cả đương chức và đã nghỉ hưu, học sinh, sinh viên các trường đóng trên địa bàn thành phố Thái Bình. Ðể sách về nông thôn, những năm gần đây, khi một số xã thành lập thư viện, một số dòng họ thành lập tủ sách dòng họ, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh đã tiến hành luân chuyển sách báo hỗ trợ. Trong quá trình hoạt động, các thư viện xã, tủ sách dòng họ còn gặp không ít khó khăn nhưng đây thực sự là những “cánh tay nối dài” của Thư viện tỉnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

 

Thư viện xã Thanh Tân (Kiến Xương) nằm trong Nhà văn hóa truyền thống của xã. Ông Phạm Ðức Thành, người quản lý Thư viện cho biết: Ðược Thư viện tỉnh tặng sách, một số cá nhân quyên góp, ủng hộ, đến thời điểm hiện tại, Thư viện xã Thanh Tân có trên 2.000 cuốn sách, tạp chí bao gồm các loại: chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, tiếng Anh, văn học, y học, truyện tranh… Là xã có truyền thống hiếu học, số lượng giáo viên nghỉ hưu khá đông nên khi Thư viện xã ra đời, Thanh Tân đã thành lập câu lạc bộ đọc sách với gần 50 hội viên, chủ yếu là giáo viên nghỉ hưu. Cứ vào 14 - 16 giờ thứ ba và thứ năm hàng tuần, các thành viên phụ trách, thành viên tích cực trong câu lạc bộ đọc sách ở các thôn sẽ lên Thư viện xã mượn, trả sách cho thành viên trong thôn. Nằm ở trung tâm xã, cạnh trường tiểu học, trước đây Thư viện xã cho các cháu học sinh mượn về nhà nhưng vì còn ít tuổi, các cháu chưa có ý thức bảo quản, giữ gìn sách dẫn đến mất mát nên Thư viện mở cửa cho các cháu đọc tại chỗ. Nguyễn Thế Anh, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thanh Tân cho biết: Cháu thường xuyên ra Thư viện xã đọc sách văn học. Những điều đọc được rất lý thú, bổ ích, giúp cháu rất nhiều trong quá trình học tập.

 

Rời Thư viện xã Thanh Tân, chúng tôi có mặt tại Thư viện xã Thái Dương (Thái Thụy). Thư viện xã Thái Dương được đặt tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã. Mặc dù không gian Thư viện khá chật hẹp nhưng các cuốn sách được xếp ngay ngắn trong tủ kính, nội dung hướng dẫn loại sách khá rõ ràng. Ông Bùi Văn Bẩy, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thái Dương cho biết: Với mục đích giúp người dân trong xã tự học để nâng cao hiểu biết, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khi Thư viện xã mới thành lập, bên cạnh lượng sách báo được Thư viện tỉnh hỗ trợ, Trung tâm đã  chú trọng đầu tư kinh phí mua tủ, mua sách. Bên cạnh sách pháp luật, Thư viện xã còn có rất nhiều sách nông học, sách văn học. Từ năm 2010 trở về trước, Thư viện mở cửa các buổi chiều thứ ba, năm, bảy, trung bình có khoảng 30 - 40 lượt người đến mượn sách về đọc. Người dân, học sinh rất có ý thức trong việc mượn và trả sách đúng thời hạn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lượng sách bổ sung hạn chế, công nghệ thông tin phát triển mạnh nên dù thời gian mở cửa vẫn duy trì như trước đây nhưng lượng bạn đọc đã giảm đáng kể.

 

Bên cạnh thư viện xã, mô hình tủ sách dòng họ phát triển ở nhiều thôn làng, nhất là trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Các tủ sách dòng họ không chỉ khuyến khích phong trào đọc sách báo của con em dòng tộc mà còn đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, giải trí qua sách báo của nhân dân. Tủ sách dòng họ Ðào Nguyên Phổ (thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ) do ông Ðào Duy Mẫn khởi xướng thành lập từ cuối năm 2014. Ðược sự ủng hộ của con em trong dòng họ, Thư viện tỉnh và nhiều cá nhân, tủ sách có gần 700 cuốn sách lịch sử, văn hóa, địa lý, tự nhiên... Ông Ðào Văn Tài, quản lý tủ sách cho biết: Khi tủ sách đi vào hoạt động, mở cửa phục vụ bạn đọc từ 13 - 15 giờ các ngày Chủ nhật, mỗi chiều có từ 40 - 50 người trong thôn, xã đến mượn, phần đông là các cháu học sinh. Các cháu thường mượn những cuốn sách văn học kinh điển. Nhu cầu đọc của người dân, học sinh trong xã khá lớn nhưng số lượng sách báo bổ sung thêm rất ít, tương lai sẽ không đáp ứng được nhu cầu học tập và giải trí qua sách của những bạn đọc quen thuộc.

 

Theo thống kê của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 43 thư viện xã, gần 30 tủ sách dòng họ. Các thư viện xã, tủ sách dòng họ vẫn duy trì hoạt động, phục vụ miễn phí, góp phần nâng cao dân trí, thực sự là những “cánh tay nối dài” của Thư viện tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của hầu hết các thư viện xã, tủ sách dòng họ là số lượng sách báo bổ sung mới rất hạn chế. Ðể giải quyết vấn đề này, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết văn bản phối hợp tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí mua sách báo cho các điểm bưu điện văn hóa xã, luân chuyển sách báo từ Thư viện tỉnh xuống xã, song trên thực tế kế hoạch vẫn chưa được triển khai thực hiện.

 

Mỗi cuốn sách tốt giống như một người thầy. Ðể văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ, mang tính bền vững, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền về vai trò, tác dụng của việc đọc sách nhằm phát huy tối đa giá trị của lượng sách báo hiện có, phát triển, mở rộng đối tượng bạn đọc, đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí bổ sung sách báo cho các thư viện xã, tủ sách dòng họ.

 Văn Ngọc

 

  • Từ khóa