Thứ 4, 21/05/2025, 13:59[GMT+7]

Múa giáo cờ giáo quạt ở Làng Giắng

Thứ 2, 25/05/2015 | 08:58:49
5,331 lượt xem
Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa cổ, xuất hiện ở làng Giắng (thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) từ thời nhà Trần. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, điệu múa vẫn được các thế hệ người dân trong làng đời nối đời gìn giữ…

Đội múa giáo cờ giáo quạt thôn Thượng Liệt biểu diễn tại Lễ hội văn hóa thể thao truyền thống. Ảnh: Hà Dung

 

Ở làng Giắng, múa giáo cờ giáo quạt là nét văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào của người dân. Theo các thần tích, thần sắc hiện đang được lưu giữ và lời kể của các cụ cao niên thì điệu múa do công chúa Trần Thị Quý Minh, con vua Trần Duệ Tông sáng tạo ra. Vì trái ý vua cha, không chịu kết hôn trong nội tộc, công chúa bị đày về vùng đất gần cửa biển. Tại đây, công chúa đã gom dân khai hoang lập ấp, giúp dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi. Vào những ngày đầu mở đất, để giúp người dân quên đi nỗi gian lao, cực nhọc và cũng để vơi đi nỗi nhớ kinh thành của mình, công chúa đã soạn ra điệu múa giáo cờ giáo quạt,  dạy cho dân làng.

 

Múa giáo cờ giáo quạt gồm 36 cấp múa, lời ca dựa trên câu chuyện xưa kia Vương Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Khi biểu diễn, điệu múa sẽ có một người đánh trống, một người hát lời ca và 40 - 50 cô lèn tuổi từ 8  - 15, mặc áo tân thời màu sắc, cầm cờ giấy, quạt giấy múa. Đây là điệu múa vừa có tính nghi lễ, vừa đậm chất dân gian, mang tính tập thể cao; được duy trì biểu diễn hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng khi làng tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công chúa Trần Thị Quý Minh. Trong 36 cấp múa, cấp múa đi sứ có đọc bài vè kể về tâm sự của Chiêu Quân đi cống nước Hồ; cấp múa má có các động tác vạt tôm vạt tép, chim bay cò bay; cấp múa chèo đò mô phỏng động tác chèo đò trong cuộc sống thực; cấp múa nhất quấn lân, nhị quấn lân là những cấp múa khó nhất, đòi hỏi nhiều thời gian tập luyện.

 

Bà Bùi Thị Rược, 82 tuổi kể: Ngày còn bé, được đi múa giáo cờ giáo quạt thì chúng tôi thích lắm. Đến năm 1947, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, điệu múa không được tiếp tục duy trì. Khi Khu di tích đình, chùa, lăng mộ công chúa Trần Thị Quý Minh ở thôn được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1989, chính quyền thôn tổ chức gióng dựng khôi phục điệu múa. Lớp người thuộc thế hệ trước như chúng tôi được các cụ truyền dạy nay dạy lại cho lớp người trẻ trong làng. Đến nay, mặc dù các cấp múa có bị giản tiện so với trước đây (còn khoảng 20 cấp múa, gồm: múa đi sứ, múa má, múa thờ vua, múa rè, múa cửa, sắc ngũ phương, nhất quấn lân, nhị quấn lân, chèo đò, lòng ta cật ta, lòng ta cật người, diễu hoa cài cổ, đổi giáo một tay, đổi giáo hai tay, tay cờ tay quạt, xênh xang, chạy rồng, chạy về tạ vua) song về cơ bản vẫn giữ được những nội dung nguyên bản của điệu múa.

 

Bà Lại Thị Thiếu, thành viên Ban Quản lý di tích đình, chùa, lăng mộ công chúa Trần Thị Quý Minh, người đang phụ trách dạy múa giáo cờ giáo quạt ở làng Giắng cho biết: Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa từ xa xưa nên người dân trong làng rất tự hào. Hàng năm làng đều tổ chức dạy múa cho lớp kế cận. Những người lớn đã từng múa thuần thục giáo cờ giáo quạt sẽ dạy cho các cháu mới tập. Thời gian tập ngắn, một số cháu múa chưa đúng, chưa đẹp được các bà, các cô, các chị dẫn về nhà tập, hướng dẫn tập tại nhà. Trong ngày hội làng, múa giáo cờ giáo quạt luôn nhận được sự đón xem của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

 

Cùng với chèo làng Khuốc, rối nước Nguyên Xá, múa giáo cờ giáo quạt ở làng Giắng đã góp phần làm phong phú thêm những nét văn hóa truyền thống độc đáo của quê lúa Thái Bình. Việc các thế hệ người dân làng Giắng duy trì điệu múa giáo cờ giáo quạt là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa