Thứ 6, 02/08/2024, 19:10[GMT+7]

Đặc sắc làng vườn Bách Thuận

Thứ 2, 08/06/2015 | 08:10:20
6,372 lượt xem
Xã Bách Thuận (Vũ Thư) nằm cạnh sông Hồng, đất đai phù sa, màu mỡ. Không giống như các xã khác trong tỉnh, diện tích đất ruộng lớn, đất vườn nhỏ, ở Bách Thuận, diện tích đất vườn nhiều hơn diện tích cấy lúa. Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, người dân nơi đây nói rằng, từ xa xưa, ông bà, cha mẹ họ đã sống bằng nghề làm vườn. Làm vườn đã trở thành nghề truyền thống, nét đặc trưng của người dân Bách Thuận.

Chùa Từ Vân (thôn Bình Minh, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư).

Về Bách Thuận một sáng mùa hè, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là cảnh sắc của một làng quê trù phú.  Những ngôi nhà cao tầng hiện ra giữa những vườn cây lá xum xuê. Đường quê ngập hương hoa hòe, rộn tiếng ve ngân.  Ở Bách Thuận, ngoài diện tích mặt nước, đất ở, chỗ nào có đất là ở đó có cây; cây được người dân trồng trong vườn, bên vệ đường, vệ ao. Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xưa kia, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Nhưng hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, người dân Bách Thuận không sống bằng nghề canh cửi mà chủ yếu đi theo nghề buôn bán nhỏ, làm vườn. Những vườn dâu dần được thay thế bằng vườn cây cảnh, cây ăn quả và cây hương dược liệu.

Trong số các cây hương dược liệu được trồng ở Bách Thuận như hòe, tứ quý, thiết mộc lan, ngâu…, hòe là cây chủ đạo, chiếm diện tích lớn nhất, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Vào mùa thu hoạch hòe (tháng 5, tháng 6, tháng 10), không khí nơi đây rộn ràng, người dân dậy sớm bẻ hoa, tuốt, đem sao, phơi và bán trong ngày. Cây ăn quả được trồng khá đa dạng, mùa nào thức ấy với đủ loại: táo, chuối, ổi, bưởi, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, roi, mít, cam, quýt… Cây cảnh, cây thế cũng chiếm diện tích lớn trên đất vườn Bách Thuận. Mấy năm gần đây, thị trường cây cảnh lao đao song rất nhiều gia đình vẫn sống được bằng nghề trồng cây cảnh.

Bên cạnh nét đặc sắc với nghề làm vườn truyền thống, ở Bách Thuận, chợ Thuận Vi được ghi nhận là một chợ quê đông không khác gì những chợ lớn ở thành phố. Chợ họp vào buổi sáng với rất nhiều loại bánh được bày bán phục vụ bữa sáng của người dân như bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh giò, bánh nếp, bánh tẻ, bánh mật, bánh chưng, bánh giày đỗ, bánh rán…, trong đó bánh cuốn chợ Thuận Vi là loại bánh ngon nổi tiếng trong vùng. Bánh cuốn được tráng nóng tại chỗ, khi ăn cuộn lẫn lá mùi, ngập vào nước chấm trong, đậm vừa phải, có thêm vị chua, ngọt, cay. Mùi thơm hấp dẫn của hành, vị béo ngậy của bánh khiến những người được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Nhiều người dân Bách Thuận cho rằng sở dĩ bánh cuốn chợ Thuận Vi ngon hơn các nơi khác vì nước ở Bách Thuận rất đặc biệt, loại nước này đem ngâm gạo làm bánh khiến bánh mềm và thơm hơn. Chợ Thuận Vi cũng là nơi thương lái thu mua nông sản của người dân đem bán lẻ tại các chợ thuộc thành phố Thái Bình, Nam Định.

Theo ông Trịnh Văn Môn, cán bộ văn hóa xã Bách Thuận, hiện nay, trên địa bàn xã có 2 di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 13 ngôi nhà cổ được bảo tồn. Chùa Từ Vân được xếp hạng năm 1989, là nơi thờ Phật và Thánh mẫu Nguyễn Thị Uyển Trà, người có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Chùa được xây theo hình chữ Đinh, 8 mái, tiền đường 5 gian, hậu cung 2 gian, nhà tổ có nhiều pho tượng cổ, sân chùa có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những năm gần đây, chùa được nhân dân đóng góp trùng tu xây dựng trở thành một trong những ngôi chùa có cảnh quan đẹp trong tỉnh. Các ngôi nhà cổ có hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối, cột kèo, xà bảy và các lớp ngói mũi hài chứa đựng thời gian và không gian của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với nhiều nét đặc sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Bách Thuận là một điểm du lịch độc đáo, nằm trong hệ thống những điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Bình, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Vũ Hường

  • Từ khóa